Sản phẩm kinh doanh trong khu phố cổ Hội An: Văn hóa bản địa ở đâu?

LÊ HIỀN 09/04/2013 08:35

UBND TP.Hội An vừa phối hợp với trường Đại học Chi Ba và Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) tổ chức tọa đàm nhằm đánh giá những thành tựu đạt được cùng những tồn tại khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ.

Môi trường kinh doanh trong khu phố cổ chưa có chỗ đứng nào cho sản phẩm văn hóa đặc trưng Hội An.Ảnh: L.HIỀN
Môi trường kinh doanh trong khu phố cổ chưa có chỗ đứng nào cho sản phẩm văn hóa đặc trưng Hội An.Ảnh: L.HIỀN

Các chuyên gia Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến hoạt động kinh doanh trong khu phố cổ. Một vấn đề thu hút nhiều ý kiến thảo luận là môi trường kinh doanh trong khu phố cổ đã có chỗ đứng nào cho sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hội An?

Hiện nay, khi dạo quanh khu phố cổ, chúng ta dễ dàng nhận thấy, hoạt động kinh doanh tại đây rất phong phú, đa sắc màu. Không ồn ào, xô bồ như những thành phố khác, việc kinh doanh ở phố cổ, trong một chừng mừng nào đó, đã và vẫn giữ được nét riêng của mình, chủ yếu là mặt hàng phục vụ du lịch. Cũng chính vì lẽ đó, sản phẩm hàng hóa kinh doanh phần lớn là các mặt hàng khô, nhẹ, mang tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa cao như tranh, quà lưu niệm, đèn lồng, dày dép, vải vóc, quần áo may sẵn... Trong hầu hết các ngôi nhà cổ, chủ sở hữu đã khéo léo bài trí, sắp đặt hàng hóa theo đúng các quy định của chính quyền thành phố về hoạt động kinh doanh buôn bán trong khu phố cổ.

Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò ý kiến 155 du khách và những nghiên cứu của nhóm chuyên gia Nhật Bản trình bày tại buổi tọa đàm cho thấy, hiện tại môi trường kinh doanh trong khu phố cổ vẫn còn thiếu chỗ đứng cho các sản phẩm hàng hóa, văn hóa bản địa. Nói cách khác, thiếu nhiều mặt hàng do chính bàn tay người Hội An làm ra. Mặc dù Hội An đã có một số mặt hàng tiểu thủ công nghiệp như đèn lồng, sản phẩm mộc hoặc sản phẩm quà lưu niệm nhỏ lẻ được làm tại chỗ như con thổi, hoa đăng nhưng vẫn chưa đủ để khẳng định vị thế của sản phẩm hàng hóa tại chỗ. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kinh doanh trong phố cổ vẫn còn thiếu một cái gì đó rất riêng của đất và người Hội An. Hiện nay, phố cổ cũng đã có một không gian ẩm thực rất phong phú. Nhiều món ăn đã trở thành đặc sản của Hội An như cao lầu, chè bắp, bánh vạc… Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu và trải nghiệm tại Hội An cũng như một số khu du lịch khác ở các nước, tiến sĩ Utsumi Sawako (Đại học Nữ Chiêu Hòa) cho rằng, việc tạo hương vị riêng cho ẩm thực tại chỗ cũng là một yêu cầu cần thiết, khẳng định chỗ đứng của sản phẩm hàng hóa bản địa. Bà nêu ý tưởng: “Làm sao để những món ăn sẽ trở thành dư âm, thành động lực thôi thúc du khách trở lại với Hội An. Nếu rau Trà Quế (sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An) được thể hiện trong món ăn nào đó ở nhà lưu trú tại khu phố cổ do chính tay du khách tự chế biến thì đây cũng một sản phẩm du lịch, là “hương vị riêng” trong lòng khu phố cổ”.

Trên thực tế, trong khu vực phố cổ có rất nhiều loại hình kinh doanh ở quy mô khác nhau, từ công ty, cửa hàng, cửa hiệu đến các hộ tư nhân buôn bán nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc kinh doanh trong phố cổ vẫn trùng lắp về loại hàng hóa. Đặc biệt, mật độ cửa hàng kinh doanh dày đặc, tỷ lệ hàng ngoại nhập tương đối cao, nhất là mặt hàng lưu niệm. Theo các chuyên gia Nhật Bản - những người đã có nhiều năm nghiên cứu về Hội An, địa phương cần nâng cao chất lượng bán hàng, tạo ra chất riêng của mình ngay trong lòng phố cổ. Trong trường hợp áp lực về mật độ kinh doanh, sự quá tải về hàng ngoại nhập, nên chăng các hộ kinh doanh buôn bán trong khu vực phố cổ cần áp dụng một số kinh nghiệm làm du lịch tại các làng cổ của Nhật Bản. Theo đó, ở Nhật, thay vì mở các cửa hàng kinh doanh dày đặc trong làng cổ, người ta đã khai thác công năng của một số nhà cổ thành những nhà lưu trú, trong đó có cả một không gian sinh hoạt theo nếp sống bản địa của người dân trong làng. Khi đến du lịch tại đây, không phải ở nhà nghỉ, khách sạn, du khách vẫn rất ưa thích vì họ được khám phá cuộc sống thuần túy từ bao đời nay của người dân trong làng.

Giáo sư  Fukukawa Yuichi (Đại học Chi Ba) đề xuất ý tưởng thú vị: “Nếu nhà cổ đáp ứng cuộc sống hiện đại mà vẫn giàu bản sắc truyền thống cổ xưa của người Hội An,chắc chắn việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh hàng hóa sang hình thức lưu trú tại chỗ sẽ làm du khách hài lòng hơn rất nhiều. Nên chăng chúng ta tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tác đồ dùng hiện đại cho nhà cổ ở Hội An để cải thiện không gian bên trong. Như vậy vừa đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại, đồng thời giữ chân chủ nhân là người Hội An ở lại trong phố cổ, tránh tình trạng cho thuê hoặc chuyển nhượng như thời gian gần đây”.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận: “Thời gian qua, Hội An đã 2 lần tổ chức hội thi sáng tạo sản phẩm hàng lưu niệm. Kết quả cho thấy có rất nhiều mặt hàng mang dáng dấp của riêng Hội An. Tuy nhiên, sau khi sản xuất, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do giá thành các sản phẩm thủ công này cao hơn so với mặt hàng sản xuất theo dây chuyền đại trà, hàng ngoại nhập. Đã đến lúc Hội An cần có sự khảo sát đánh giá đúng tâm lý khách hàng để thí điểm hình thành một doanh nghiệp hoặc điểm kinh doanh chuyên biệt, bán 100% sản phẩm bản địa của Hội An”.

LÊ HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sản phẩm kinh doanh trong khu phố cổ Hội An: Văn hóa bản địa ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO