Sản phẩm làng nghề truyền thống: Khó tiêu thụ trong dịp tết

KHÁNH LINH 12/01/2018 09:57

Dịp tết, trong khi các làng hoa, trái, bánh mứt xôn xao thì một số một số sản phẩm tâm linh ở các làng nghề truyền thống nhấp nhỏm vì đầu ra khó khăn.

Bà Phạm Thị Sanh đang lo lắng khi sản phẩm hương trầm phục vụ tết tiêu thụ chậm. Ảnh: K.L
Bà Phạm Thị Sanh đang lo lắng khi sản phẩm hương trầm phục vụ tết tiêu thụ chậm. Ảnh: K.L

1. Dù không hoàn toàn tập trung cho tết nhưng những ngày này các hộ đúc đồng làng Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn) cũng đang chạy đua với thời gian để kịp giao hàng cho đối tác. Theo nghệ nhân Dương Ngọc Tiển, từ đây đến tết, cơ sở ông sẽ phải hoàn thành một chuông đồng cao 2m, nặng 1 tấn cho Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Các nhân công đang khẩn trương nhồi đất làm khuôn đúc sản phẩm. Ngoài chuông đồng, ông cũng đang gấp rút hoàn thành 10 bộ cồng chiêng cho khách hàng ở Tây Nguyên. Chỉ riêng năm 2017 cơ sở của nghệ nhân Dương Ngọc Tiển đã cung cấp ra thị trường khoảng 500 cồng chiêng, tuy vậy so với mọi năm thời điểm này số lượng sản phẩm khách hàng đặt không nhiều. “Cơ sở tôi chủ yếu đúc chuông, tượng, trang trí nội thất và cồng chiêng theo đơn đặt hàng chứ không kinh doanh, nhưng theo quan sát một số mặt hàng phục vụ tết năm nay như lư đồng có vẻ chững lại, sức mua yếu hơn năm trước” - ông Tiển nhìn nhận.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, người có gần 20 năm kinh doanh sản phẩm đồng tại Phước Kiều cho rằng, hai thời điểm sản phẩm đồng tiêu thụ mạnh nhất trong năm là tháng 3 và tháng 12 âm lịch. Nếu như dịp này những năm trước, mỗi ngày cơ sở bà bán ra từ 2 - 5 bộ lư đồng, chưa kể chuông đồng, cờ phướn, áo dài khăn đóng… thì năm nay dù tết đã kề cận nhưng lượng hàng bán ra vẫn rất chậm. Sản phẩm cơ sở bà Liên khá đa dạng, ngoài tự sản xuất tại chỗ còn được mua từ các địa phương khác như Hà Nội, Thanh Hóa, Huế… về bán lại. “Có nhiều nguyên nhân khiến hàng tiêu thụ chậm, nhưng theo tôi có lẽ bây giờ xuất hiện nhiều cơ sở bán hàng quá nên sức cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Riêng xung quanh khu vực này đã có 24 cơ sở bán hàng đúc đồng rồi. Hy vọng qua tháng Chạp khi công nhân, người dân có tiền, sức mua sẽ tốt hơn” - bà Liên nói.

Ở chiều ngược lại, ông Dương Ngọc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Dương Ngọc Thắng (làng đúc Phước Kiều) tỏ ra phấn khởi vì sản phẩm được tiêu thụ mạnh. Cơ sở của ông vừa giao một chuông đồng cho phía đối tác từ nước Úc, đồng thời cũng đang bắt tay vào làm khuôn đúc 4 đài nước bằng đồng (mỗi đài cao 4m) cho một doanh nghiệp tại Phú Quốc. “So với các năm, sản phẩm của tôi năm nay tiêu thụ mạnh hơn, tăng khoảng 30%, nhất là chuông đồng” - ông Thắng chia sẻ.

2. Khác với những sản phẩm mùa tết như hoa, trái, bánh, mứt…, các mặt hàng thờ cúng, tâm linh dù được tiêu thụ quanh năm nhưng vào mỗi dịp tết mới thật sự nhộn nhịp. Thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) - địa phương nổi tiếng với các sản phẩm được làm từ trầm hương, như trầm cảnh, trầm miếng, các loại hương…, dù tết đã cận kề nhưng nhìn chung việc tiêu thụ sản phẩm nơi đây, nhất là hương trầm vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Nhiều chủ cơ sở trầm hương Tiên Phước cho biết, chưa năm nào sản phẩm tiêu thụ chậm như hiện nay. Hàng tồn đọng mỗi ngày một nhiều hơn trong khi các cơ sở vẫn loay hoay chưa tìm ra hướng giải quyết.

Bà Phạm Thị Sanh - Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ trầm hương Lương Hậu (Tiên Kỳ, Tiên Phước) cho biết, 3 năm trở lại đây doanh số bán hàng của cơ sở sụt giảm, thương lái ít tới mua hơn vì thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm. Thị trường nội địa cũng không khá hơn, một trong những nguyên nhân là giá sản phẩm cao, rất khó cho khách hàng người địa phương. “Trầm nhân tạo tuy rẻ nhưng do ngày công đắt nên giá thành cũng đội lên, đơn cử như hương trầm loại một đã 1 triệu đồng/kg, loại hai 500 nghìn đồng, loại 3 là 400 nghìn đồng… nên người dân khó mua, còn bán thấp thì không có lời nên hàng tồn cứ nhiều lên. Bây giờ tôi chủ yếu bán cho khách vãng lai và khách quen từ Tam Kỳ, Đà Nẵng” - bà Sanh nói. Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, những ngày qua chồng bà Sanh đã phải lặn lội vào TP.Hồ Chí Minh tìm mối tiêu thụ sản phẩm nhưng xem ra vẫn chưa như ý muốn.

Theo ông Dương Văn Thủ, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tiên Phước, không phải đến bây giờ các sản phẩm trầm hương Tiên Phước mới đối diện với tình trạng tiêu thụ kém mà từ vài năm nay, đầu ra cho sản phẩm đã trở nên khó khăn hơn do thị trường Trung Quốc ngưng tiêu thụ, không ít cơ sở phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Với các loại sản phẩm khác như hương, trầm miếng, trầm vòng dù có đầu ra là thị trường nội địa nhưng nhìn chung cũng nhỏ lẻ, dịp tết này càng khó khăn hơn. “Chúng tôi đang hướng dẫn các cơ sở chuẩn bị hàng hóa để tham gia hội chợ xuân dưới tỉnh, hy vọng qua đó sản phẩm được nhiều người biết đến và có thể tiêu thụ nhiều hơn chứ như hiện tại thì thấy chưa khởi sắc lắm” - ông Thủ chia sẻ.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sản phẩm làng nghề truyền thống: Khó tiêu thụ trong dịp tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO