Thành lập ban chỉ đạo, triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn, điểm nghẽn, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, Quảng Nam đã sẵn sàng cho cuộc tái thiết kinh tế.
Kế hoạch tái thiết
Đại dịch Covid-19 chưa “hẹn ngày” kết thúc. Kế hoạch phục hồi, tái thiết nền kinh tế bị suy giảm đang được đặt lên hàng đầu, trọng yếu và cấp bách! Quảng Nam không ngoại lệ.
Ngày 26.10.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9.9.2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Tái thiết kinh tế hướng đến hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở việc duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Mệnh lệnh đồng hành, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận các chính sách tín dụng, gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất... là những điều quan trọng nhất cần thực thi.
Theo kế hoạch này, các địa phương, các cấp chủ động xử lý, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc; tạm dừng, hoãn, giãn các cuộc thanh tra, kiểm tra. Áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, an toàn phòng chống dịch, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Hạn chế thấp nhất việc đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và lao động.
Việc phân bổ nguồn vắc xin sẽ được ưu tiên phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. Quảng Nam sẽ hợp tác với Đà Nẵng trong thống nhất chuyện khai báo y tế, quản lý mã QR, tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất cho người dân, công nhân, chuyên gia giữa hai địa phương khi thông hành qua các chốt kiểm dịch.
Việc lưu thông hàng hóa sẽ được thông suốt, hiệu quả, tiến tới bãi bỏ các quy định không còn phù hợp. Vận tải đường độ, thủy sẽ thực hiện thống nhất “luồng xanh” giữa các địa phương bằng cách đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi, tránh tình trạng ùn tắc, ứ đọng hàng hóa, vật tư tại các cảng biển, cửa khẩu... Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá gây bất ổn thị trường. Hạn chế tối đa việc đóng cửa toàn nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất...
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu, các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc không cần thiết trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sẽ phải rà soát cắt giảm triệt để.
Chính quyền vào cuộc hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thông qua giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư; không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ.
Tỉnh sẽ xử lý nghiêm tập thể, cá nhân cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ; khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hồ sơ công việc sẽ được thực hiện trên môi trường điện tử; chuyển đổi dần điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu số; các cuộc họp sẽ chuyển dần sang trực tuyến...
Các cấp phải giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp; người đứng đầu đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về sự chậm trễ trong xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Cùng tính chuyện dài lâu
Không chỉ đưa ra các kế hoạch phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Nam thể hiện sự sẵn sàng cho công cuộc tái thiết nền kinh tế thông qua các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư.
Ngày 20.10.2021, một cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến đã được mở. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Chủ tịch HĐQT Thaco cùng ngồi lại để kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp phía Nam và tại địa phương đầu tư vào ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Thaco Chu Lai đã hình thành nên một cơ sở về cơ khí với đầy đủ máy móc, công nhân lành nghề lớn nhất Việt Nam. Khu vực này sẵn sàng hợp tác với tất cả doanh nghiệp để trở thành “cứ điểm” công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp hỗ trợ.
Quảng Nam tiên phong trong hình thành mô hình tập đoàn lớn thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tổ chức sản xuất. Chính quyền tin tưởng mô hình mới này sẽ kết nối doanh nghiệp tham gia vì Thaco “nói được, làm được bằng thực tế chứng minh bằng chiến lược, tầm nhìn, định hướng”.
Không có dự án hay biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư nào được ký kết, nhưng phiên xúc tiến này đã mang lại khá nhiều cơ hội để mở cửa đón các nhà đầu tư xâm nhập lĩnh vực cơ khí và công nghiệp phụ trợ. Cơ hội cho tất cả. Không chỉ Thaco hay các doanh nghiệp khác mà cho cả Quảng Nam.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, phiên xúc tiến này chỉ là bước khởi đầu, mở ra cơ hội hợp tác từ hai phía để có thể hiện thực hóa đầu tư trong thời gian sớm nhất. Sự thành công của Thaco là “hộ chiếu” bảo chứng cho Quảng Nam dễ dàng xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, sẽ không dừng ở phiên xúc tiến này, Quảng Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cố gắng nhanh nhất. Quá trình thu hút đầu tư sẽ không thể nào tránh khỏi những rắc rối, vướng mắc, nhưng Quảng Nam đang thực thi nền công vụ với trách nhiệm cao nhất, theo hướng online, số hóa.
Một Smart Quảng Nam có đủ toàn bộ thông tin về Quảng Nam, từ đầu tư, hồ sơ, thủ tục, kết nối... Sẽ tiến hành số hóa mang tính toàn cầu dễ dàng cập nhật. Sau chương trình này, tỉnh sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư tương tự, thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Sự cạnh tranh thu hút đầu tư diễn ra ngày càng khốc liệt hơn đã buộc phải thay đổi tư duy xúc tiến đầu tư. Không chỉ trông chờ nguồn lực đầu tư từ ngân sách, Quảng Nam đã tính toán cụ thể cho chuyện thu hút đầu tư thông qua mượn lực của các con sếu đầu đàn, các doanh nghiệp đại bàng để thu hút doanh nghiệp nhỏ về đầu tư tại địa phương.
Không còn những cuộc xúc tiến đại trà hay hội thảo, Quảng Nam sẽ đưa ra các dự án cơ hội cụ thể và chủ động “săn nhà đầu tư“, dựa trên sự tương tác trực tiếp để tìm ra những nhà đầu tư thực sự.
“Sẽ không khua chiêng, đánh trống, ghi tên của các hội nghị xúc tiến đầu tư rầm rộ, mà hướng về thực chất. Quảng Nam sẽ xác định những nhà đầu tư lớn mạnh thông qua sự thẩm định của các cơ quan chuyên ngành, đến tận đại bản doanh của họ để mời gọi đầu tư...” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.