Sẵn sàng cho năm học mới

XUÂN PHÚ (thực hiện) 23/08/2016 08:46

Trước thềm năm học mới 2016 - 2017, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT về công tác chuẩn bị và những mục tiêu, giải pháp của ngành trong việc tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29.

Khánh thành trường Mầm non Thần Đồng (Vĩnh Điện, Điện Bàn). Ảnh: CÔNG TÚ
Khánh thành trường Mầm non Thần Đồng (Vĩnh Điện, Điện Bàn). Ảnh: CÔNG TÚ

PV: Thưa ông, một trong những vấn đề hiện được nhiều người quan tâm là tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc THPT trong năm học vừa qua có vẻ chậm lại. Cạnh đó, việc xây dựng 2 trường THPT Hồ Nghinh (Duy Xuyên) và THPT Võ Chí Công (Tây Giang) cũng kéo dài khi mà quyết định thành lập từ tháng 10.2015?

Ông Hà Thanh Quốc: Một thời gian dài trước đây, xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS chúng ta đều đã hoàn thành, thậm chí vượt xa chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, công tác xây dựng trường chuẩn ở cấp THPT chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, năm học 2014 - 2015, ngành GD-ĐT tập trung toàn lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong đó có xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Từ con số 2 trường, đến cuối năm học 2014 - 2015, cả tỉnh đã có tổng cộng 12 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Quảng Nam là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng trường chuẩn.

Quan điểm của chúng tôi về xây dựng trường chuẩn quốc gia là tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho các em học sinh học tập, các thầy cô giáo giảng dạy. Không vì chỉ tiêu nào đó mà chạy theo thành tích. Rút kinh nghiệm của thời gian trước đó, từ năm học 2015 - 2016, toàn ngành đề ra mục tiêu cho cả giai đoạn 2015 - 2020 và kế hoạch, lộ trình cụ thể của từng năm học. Với mục tiêu đó, chúng tôi đã đặt ra chỉ tiêu cả giai đoạn sẽ đầu tư xây dựng thêm 15 trường THPT đạt chuẩn nữa, trong đó riêng năm học 2015 - 2016 có thêm 4 trường. Đến thời điểm này, 4 trường gồm THPT Phạm Phú Thứ (Điện Bàn), Nước Oa (Bắc Trà My), Cao Bá Quát (Núi Thành), Chu Văn An (Đại Lộc) đã được kiểm tra đều đạt tiêu chí và chờ UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận. Như vậy, có thể nói việc xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia đang đi đúng hướng và đúng kế hoạch.

Tương tự, trường THPT Hồ Nghinh ở vùng đông của huyện Duy Xuyên và Võ Chí Công ở vùng tây của huyện Tây Giang đến nay đã hoàn thành hồ sơ xây dựng. Việc giải tỏa đền bù cũng đã xong và theo kế hoạch sẽ khởi công vào tháng 9 tới. Dự kiến 2 ngôi trường này sẽ được đưa vào sử dụng từ năm học 2017 - 2018 theo đúng tiến độ.

PV: Năm học 2015 - 2016 là năm học thứ 2 thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Chương trình hành động số 28 của Tỉnh ủy nhưng kế hoạch của UBND tỉnh đến nay vẫn chưa được ban hành. Điều này gây khó khăn gì cho ngành?

Ông Hà Thanh Quốc: Để triển khai nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy đã sớm ban hành Chương trình hành động số 28 (ngày 25.4.2014). Bên cạnh việc đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm tình hình của địa phương, một điểm mới đáng chú ý trong chương trình hành động của Tỉnh ủy so với Nghị quyết 29, đó là đưa ra thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục miền núi. Đây là điều rất cần thiết thể hiện sự linh hoạt khi triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương bởi Quảng Nam có đến 50% số huyện là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Dù chưa ban hành kế hoạch nhưng UBND tỉnh cũng đã sớm có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới GD-ĐT tỉnh gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều phiên họp; đồng thời tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị về kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy.

Theo tôi, việc UBND tỉnh cân nhắc một cách kỹ lưỡng trong việc ban hành kế hoạch là cần thiết. Nhưng với trách nhiệm của mình, Sở GD-ĐT sớm tích cực tham mưu cho UBND tỉnh về chủ trương, kế hoạch, các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và Chương trình hành động 28 của Tỉnh ủy. Về phía ngành, 2 năm qua cũng đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bằng những hoạt động đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học; tổ chức nhiều hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, hội thi dành cho học sinh lẫn giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; tiếp tục thực hiện tuyển sinh lớp 10 đại trà theo phương thức xét tuyển kết hợp phân tuyến, thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 chuyên năm học 2015 - 2016 khi cho phép thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng.

PV: Năm học 2016 - 2017, ngành sẽ có những mục tiêu và giải pháp nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện như Nghị quyết 29 đề ra?

Ông Hà Thanh Quốc: Năm học 2016 - 2017 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết 29 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đổi mới giáo dục, năm học đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ngành GD-ĐT Quảng Nam đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung trong năm học mới; trong đó nội dung cần được quan tâm nhất là việc quy hoạch mạng lưới, phát triển quy mô trường lớp và nâng cao chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Hơn ai hết, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục là đối tượng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục và góp phần quyết định đến chất lượng giáo dục. Cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng. Ngoài ra, tranh thủ sự lãnh đạo của tỉnh, phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương và toàn xã hội để khắc phục những tồn tại, yếu kém hiện nay như trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng bỏ học ở miền núi, chất lượng giáo dục chưa cao.

PV: Năm học mới chưa đến nhưng một trong những đổi mới đầu tiên của tỉnh đó là thay đổi ngày tựu trường, thay vì 15.8 như trước đây thì năm nay vào ngày 1.9 và khai giảng ngày 5.9. Mục đích của việc thay đổi này là gì, thưa ông?

Ông Hà Thanh Quốc: Mấy năm vừa qua, chúng ta tựu trường vào 15.8 rồi tổ chức giảng dạy cho đến 5.9 mới khai giảng. Tôi cho rằng không nên “giảng” trước rồi mới “khai” sau, bởi khoảng thời gian từ 5.9 đến 30.5 đủ để thực hiện chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hơn nữa, tổ chức tựu trường và dạy học từ đầu tháng 9 sẽ giúp cho các thầy cô giáo cũng như các em học sinh có thời gian nghỉ ngơi trong dịp hè, chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho năm học mới với khí thế mới. Quyết định tổ chức tựu trường ngày 1.9 và khai giảng 5.9 năm nay đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo phụ huynh, cán bộ, giáo viên và học sinh.

PV: Xin cám ơn ông!

Trang bị cơ sở vật chất đảm bảo công tác dạy và học

Theo ông Hà Thanh Quốc, thời gian qua, ngành GD-ĐT nhận được sự quan tâm rất lớn của tỉnh và các địa phương trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư quy hoạch mạng lưới, phát triển quy mô trường lớp. Về phía ngành, ngay trước kỳ nghỉ hè, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cho các đơn vị, trường học sớm lập kế hoạch và khẩn trương đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất với tinh thần tất cả phải khang trang khi bước vào khai giảng năm học mới 2016 - 2017. Nhờ đó, trong dịp hè vừa qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, các trường mầm non, tiểu học, THCS được các địa phương tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa phòng học, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy - học. Riêng bậc THPT do Sở GD-ĐT quản lý đã đầu tư hơn 36 tỷ đồng cho việc xây mới phòng học, phòng bộ môn, mua bổ sung sách giáo khoa, bàn ghế học sinh và nhiều trang thiết bị phục vụ dạy - học khác.

Song hành với cơ sở vật chất trường lớp, toàn ngành cũng đang tập trung chăm lo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên bởi đây là lực lượng nòng cốt quyết định đến chất lượng giáo dục. Đến thời điểm này, toàn ngành đang bước vào giai đoạn cuối cùng của chương trình bồi dưỡng chính trị hè cho tất cả đội ngũ để nâng cao nhận thức, giúp các thầy cô giáo kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời các đơn vị cũng tích cực triển khai thực hiện tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ chuẩn bị cho năm học mới.

Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 803 trường học các cấp (tăng 13 trường so với năm học trước) với 67.746 học sinh mầm non (tăng 12.220 cháu), 257.592 học sinh phổ thông (tiểu học giảm 2.429, THCS tăng 1.674 và THPT tăng 143). Để đáp ứng yêu cầu dạy học trong năm học mới, khối phòng GD-ĐT đã xây dựng mới 648 phòng, sửa chữa 221 phòng với tổng kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mua bổ sung bộ bàn ghế học sinh, máy vi tính và các loại thiết bị khác với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng.

Về đội ngũ giáo viên, toàn tỉnh có 20.000 giáo viên, trong đó mầm non 4.131, tiểu học 7.199, THCS 5.846, THPT 2.824.

XUÂN PHÚ (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẵn sàng cho năm học mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO