Sẵn sàng cho năm học mới

XUÂN PHÚ (thực hiện) 27/08/2014 08:41

Trước ngày khai giảng năm học mới 2014 - 2015, PV.Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hà Thanh Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT về công tác chuẩn bị cho năm học mới và những mục tiêu, giải pháp triển khai thực hiện các nội dung đổi mới.

Theo ông Hà Thanh Quốc, đây là năm học cực kỳ quan trọng đối với ngành GD-ĐT bởi năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới giáo dục, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29. Do đó, thời gian qua ngành rất quan tâm đến việc tổ chức quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhất là việc đổi mới dạy - học. Đến nay đã hoàn thành việc bồi dưỡng chính trị hè cho tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong toàn ngành với số lượng trên 19 nghìn người tham dự; bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý công tác tài chính cho hiệu trưởng và kế toán trường học.

phụ huynh học sinh lớp 1 đưa con đến lớp trong ngày tựu trường.Ảnh: X.PHÚ
Phụ huynh học sinh lớp 1 đưa con đến lớp trong ngày tựu trường.Ảnh: X.PHÚ

Quy mô trường lớp năm học này tiếp tục được mở rộng với 775 trường, tăng 6 trường so với năm học trước, gồm 3 mầm non, 1 tiểu học và 2 THCS. Số lượng học sinh (HS) toàn tỉnh là 314,6 nghìn, giảm 643 em; trong đó bậc học mầm non, tiểu học đang bước vào chu kỳ tăng, bậc THPT giảm mạnh với gần 2.700 em. Tổng số giáo viên năm nay là 19.181, tăng 167 người, chủ yếu ở bậc học mầm non. Chuẩn bị cho năm học mới, đến nay cả tỉnh đã xây dựng mới 484 phòng, sửa chữa 269 phòng, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy - học với tổng kinh phí 248 tỷ đồng. Riêng cấp THPT đã đầu tư xây dựng mới 90 phòng học, 12 phòng bộ môn, sửa chữa nhỏ 19 công trình với tổng kinh phí 37 tỷ đồng. Ngoài ra, đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3 công trình là Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ), THPT Phạm Phú Thứ (Điện Bàn) và Phổ thông DTNT Hiệp Đức, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào học kỳ II năm học 2014 - 2015. Để đảm bảo chỗ học, Trường THPT Phan Bội Châu thuê Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cách trường 500m để giảng dạy một khối lớp còn 2 trường Phạm Phú Thứ và Phổ thông DTNT Hiệp Đức, HS vẫn tạm thời học ở phòng học cũ cho đến khi phòng học mới hoàn thành. Về đội ngũ cán bộ, giáo viên, đã bổ nhiệm 2 hiệu trưởng THPT, điều chuyển 15 cán bộ quản lý THPT, luân chuyển 57 giáo viên từ miền núi về đồng bằng.

Có thể nói, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, các điều kiện thiết yếu cho công tác dạy - học về cơ bản đã hoàn thành tốt nhất, sẵn sàng cho năm học mới. Dù vậy, khó khăn hiện nay là có sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, cơ sở vật chất giáo dục miền núi còn thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy - học, xây dựng trường chuẩn rất cần sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền các địa phương và toàn xã hội.

P.V: Vậy ngành sẽ có những giải pháp nào để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm học 2014-2015, thưa  ông?

Như đã nói, năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29, vì vậy ngành GD-ĐT Quảng Nam sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, hoàn thiện quy hoạch hệ thống trường học, cơ sở giáo dục đảm bảo cân đối, hợp lý giữa quy mô và cơ cấu; các loại hình, các vùng miền và các cấp học. Chuẩn bị các điều kiện nhằm thực hiện việc đổi mới chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT, đổi mới trong công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học. Tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; thực hiện phương án tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức xét tuyển kết hợp với phân tuyến. Cùng với đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp, sở sẽ trình các cấp phê duyệt Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp THPT. Đồng thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở GD-ĐT, trong đó tập trung trang bị phòng học ngoại ngữ theo lộ trình đã được xây dựng trong đề án ngoại ngữ.

P.V: Liên quan đến công tác xây dựng trường chuẩn, được biết, Sở GD-ĐT đang dự thảo Đề án xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2014-2020 để trình UBND tỉnh. Vậy ông có thể cho biết vài nét về mục tiêu, giải  pháp chính thực hiện đề án này?

Sau 2 năm học nhờ, năm học 2014 - 2015 này, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông chuyển về trường mới được xây dựng tại phường Thanh Hà (Hội An). Dù vậy, đây mới chỉ là giai đoạn 1, các hạng mục của giai đoạn 2 gồm khối nhà lớp học, nhà đa năng, thư viện, ký túc xá… sẽ được tiếp tục triển khai xây dựng trong thời gian tới. Trong khi đó, sau 2 năm gián đoạn, Trường THPT Trần Quý Cáp (Hội An) cũng bắt đầu được tuyển sinh lớp 10 trở lại.

Cái khó lớn nhất hiện nay đối với công tác xây dựng trường chuẩn nói chung, trường THPT đạt chuẩn quốc gia nói riêng là thiếu nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Khó khăn thứ hai là diện tích trường không đảm bảo trong khi đền bù giải tỏa lại bị vướng. Còn về chất lượng học tập, các tiêu chí hoặc hoạt động chuyên môn khác nhiều trường đều đã đạt. Xây dựng trường chuẩn quốc gia là nhiệm vụ của nhiều sở, ngành, địa phương và toàn xã hội. Vậy nên, thời gian tới sở sẽ đề nghị UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia để triển khai đề án có kết quả, đạt mục tiêu 15% trường THPT đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020 (hiện nay mới chỉ có 2 trường đạt chuẩn là Phổ thông DTNT tỉnh và Trần Cao Vân - Tam Kỳ).

P.V:Hiện đang tồn tại bất cập là mỗi nơi phân cấp quản lý giáo dục mỗi kiểu dẫn đến nhiều khó khăn cho các phòng GD-ĐT địa phương. Vậy Sở GD-ĐT có phương án gì để tham mưu UBND tỉnh giải quyết bất cập này trong năm học 2014 -2015?

Thật ra việc có sự khác nhau giữa các địa phương trong phân cấp quản lý giáo dục vẫn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước khi thực hiện Nghị định 115 chứ không riêng gì ở Quảng Nam. Sở cũng đã có đề nghị UBND tỉnh cũng như Bộ GD-ĐT nên có hội nghị để đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 115, từ đó có những giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập. Đây là điều mà Sở GD-ĐT, các phòng GD-ĐT rất quan tâm. Quảng Nam phân cấp quản lý giáo dục từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá về việc này.

P.V: Xin cám ơn ông!

XUÂN PHÚ (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẵn sàng cho năm học mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO