Sẵn sàng cho ngày hội miền núi

ALĂNG NGƯỚC 25/07/2014 20:01

(QNO) - Từ không gian trưng bày triển lãm, Nhà truyền thống, Quảng trường văn hóa, sân vận động,… cho đến các địa điểm ăn ở, thi đấu cho các đoàn tham gia đều đã được chuẩn bị chu đáo và đảm bảo, sẵn sàng cho ngày khai mạc lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII, năm 2014.

Tất cả đã sẵn sàng

Những ngày cuối tháng 7 này, phố núi Trà My (huyện Bắc Trà My)  trở nên nhộn nhịp bởi sắc màu cờ hoa, băng rôn, áp phích tuyên truyền, cổ động cho ngày hội văn hóa - thể thao các hyện miền núi toàn tỉnh. Thị trấn đón nhiều người hơn, các tuyến đường chính trang trí nhiều hoa tươi… như tô thêm màu sắc mới cho phố núi Bắc Trà My, sẵn sàng chào đón một mùa lễ hội lần thứ 18 được tổ chức cho đồng bào vùng cao.

Không gian Quảng trường văn hóa huyện Bắc Trà My -nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa ngoài trời tại lễ hội.
Không gian Quảng trường văn hóa huyện Bắc Trà My -nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa ngoài trời tại lễ hội.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, để chuẩn bị cho công tác phục vụ tổ chức lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi, ngày từ đầu năm 2014, huyện Bắc Trà My đã chủ động phối hợp thực hiện công tác xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình, hạ tầng và bàn các nội dung, phương án tốt nhất phục vụ lễ hội. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội cơ bản đã được hoàn thành, đảm bảo mọi điều kiện để tổ chức tốt nhất. Ngoài ra, UBND huyện Bắc Trà My cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động bên lề liên quan đến việc tổ chức lễ hội, giúp các đoàn vận động viên, du khách có điều kiện cùng hòa mình vào lễ hội, tạo ấn tượng và hình ảnh đẹp đẽ về địa phương Bắc Trà My anh hùng. “Dù công tác chuẩn bị còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng các nội dung tổ chức lễ hội, mong muốn mang đến du khách và các đoàn tham gia có một mùa lễ hội đầy màu sắc, ý nghĩa và thành công”, ông Tuấn nói.

Những tác phẩm nghệ thuật, hàng dệt thổ cẩm,… được trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Bắc Trà My sẽ tạo sự bất ngờ và thú vị cho du khách.
Những tác phẩm nghệ thuật, hàng dệt thổ cẩm,… được trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Bắc Trà My sẽ tạo sự bất ngờ và thú vị cho du khách.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh vào chiều 24.7, đại diện lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My - đơn vị đăng cai lễ hội cũng đã thông tin nhiều nội dung chi tiết về công tác chuẩn bị, đảm bảo mọi điều kiện để khai hội đúng theo kế hoạch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh - Trưởng ban tổ chức lễ hội ghi nhận những nỗ lực của huyện Bắc Trà My trong công tác chuẩn bị cho lễ hội. Đồng thời nhấn mạnh, lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi là một sự kiện quan trọng, góp phần đẩy mạnh tinh thần rèn luyện thể dục thể thao, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em ở các huyện miền núi của tỉnh. Do vậy, địa phương đăng cai cần tiếp tục chú trọng và quản lý chặt chẽ đến các công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và bình ổn giá; đảm bảo hệ thống điện lưới phục vụ các hoạt động tại lễ hội; cũng như công tác tuyên truyền, trang trí cổ động; địa điểm lưu trú cho đại biểu, các đoàn vận động viên tham gia. Đồng thời, giữ vững an ninh trật tự, an toàn giao thông,… trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Các vận động viên bóng chuyền tham gia tập luyện, chuẩn bị cho trận đấu sau buổi khai mạc.
Các vận động viên bóng chuyền tham gia tập luyện, chuẩn bị cho trận đấu sau buổi khai mạc.

Hội tụ nhiều sắc màu văn hóa

Trở thành ngày hội lớn của đồng bào vùng cao, lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi không nằm ngoài sự kỳ vọng về tinh thần đoàn kết, thắt chặt mối quan hệ giao lưu, rèn sức, luyện tài giữa đồng bào các huyện miền núi tỏng tỉnh. Trải qua 17 kỳ tổ chức, lễ hội luôn hội tụ nhiều không gian đa sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em sống trên dãy Trường Sơn hùng vỹ, như: Cơ Tu, Co, Ca Dong, Tà Riềng,…

Nữ vận động viên đội chủ nhà Bắc Trà My hăng say tập luyện môn đẩy gậy.
Nữ vận động viên đội chủ nhà Bắc Trà My hăng say tập luyện môn đẩy gậy.
Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XVIII, năm 2014 thu hút sự tham gia của 9 huyện, gồm: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn và Tiên Phước với hơn 1.500 vận động viên, diễn viên và kéo dài từ ngày 29 đến 31.7. Theo đó, lễ hội sẽ được khai mạc vào lúc 6 giờ sáng 29.7, tại sân vận động huyện Bắc Trà My và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam; lễ bế mạc sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ 30 chiều 31.7, tại Nhà biểu diễn huyện Bắc Trà My. Theo kế hoạch, buổi tổng duyệt chương trình lễ hội sẽ được tổ chức vào sáng 28.7, tại sân vận động huyện Bắc Trà My; chiều cùng ngày diễn ra lễ dâng hương các anh hùng,liệt sĩ tại Nghĩa trang huyện Bắc Trà My.

Cũng như các lần tổ chức trước đây, lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi luôn được khẳng định về quy mô và chất lượng,thông qua các giải đấu. Nhiều sự kiện văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao được lồng ghép, tạo thêm nhiều nét mới cho lễ hội với nhiều sắc màu đặc trưng. Đó là những đêm biểu diễn cồng chiêng, múa hát truyền thống; tình diễn các trang phục văn hóa truyền thống; thi ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số,… với những không gian mới lạ, độc đáo. Theo ông Nguyễn Văn Hàm - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, ngoài những môn thi đấu cố định như: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bắn nỏ,… năm nay còn có nhiều nội dung thi độc đáo, tạo không gian mở về văn hóa vùng miền,thông qua các đêm diễn cồng chiêng, trang phục truyền thống.

Các cầu thủ bóng đá nam của huyện Tây Giang tập thể lực trước trận đấu vào ngày 25.7.
Các cầu thủ bóng đá nam của huyện Tây Giang tập thể lực trước trận đấu vào ngày 25.7.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 25 đến 31.7, tại tầng trệt Nhà truyền thống - Quảng trường văn hóa huyện Bắc Trà My cũng sẽ tổ chức trưng bày các mặt hàng dệt thổ cẩm, mộc mỹ nghệ, rượu sâm cao cẳng,… phục vụ công tác tham quan. Cùng với đó, huyện Bắc Trà My còn phối hợp với các lữ đoàn du khách ở các vùng lân cận, tổ chức các điểm tham quan du lịch trong thời gian diễn ra lễ hội với lịch trình tại các khu vực: Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, du lịch lòng hồ, khu di tích lịch sử Nước Oa,…

“Điểm nhấn” của lễ hội năm nay là không gian tái hiện lễ cưới hỏi truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam, như: Cơ Tu, Co, Ca Dong… với nhiều nghi thức độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các địa phương, hứa hẹn một mùa lễ hội mang nhiều màu sắc văn hóa, góp phần quảng bá rộng rãi đến với du khách.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẵn sàng cho ngày hội miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO