Sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017

(Theo chinhphu.vn) 15/10/2017 14:11

(QNO) - Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, sự kiện chính trị, ngoại giao, kinh tế lớn nhất trong năm của Việt Nam - APEC 2017 sẽ diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng. Nhân dịp này, ngày 14.10, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với VTV8 tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (trái), Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và ông Nguyễn Tất Thành, Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Thư ký quốc gia APEC 2017 dự tọa đàm. Ảnh: chinhphu.vn

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các nền kinh tế thành viên APEC cùng hướng tới mục tiêu chung xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường, thông qua việc đi đầu tự do hóa, mở cửa thương mại và đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế, kỹ thuật và thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi, bền vững.

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, sự kiện chính trị, ngoại giao, kinh tế lớn nhất trong năm của Việt Nam - APEC 2017 sẽ diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng. Dự kiến, lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng khoảng 10.000 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó có lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực và quốc tế, đại diện các tổ chức quốc tế có uy tín sẽ đến tham dự các hoạt động trong dịp này.

Đề cập về sự chuẩn bị và nhìn nhận những cơ hội - thách thức từ APEC 2017, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với VTV8 tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017” vào lúc 9 giờ 25 ngày 14.10 tại Đà Nẵng.

Chương trình có sự tham dự của hai vị khách mời: ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và ông Nguyễn Tất Thành, Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Thư ký quốc gia APEC 2017.

Dưới đây là nội dung tọa đàm:

Thưa ông Nguyễn Tất Thành, so với lần đăng cai APEC đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2006, diễn đàn lần này có những thay đổi gì về khối lượng công việc, chương trình nghị sự hay các nội dung hợp tác?

Ông Nguyễn Tất Thành: Năm 1998, Việt Nam mới chính thức là nền kinh tế thành viên APEC. Sau gần 30 năm hoạt động, ít có nền kinh tế thành viên nào của APEC có cơ hội đăng cai hội nghị này 2 lần. Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC và đây là lần thứ thứ 2.

Hai lần đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế lớn này thể hiện quyết tâm rất cao, là đóng góp tích cực nhất của Việt Nam vào cộng đồng APEC và càng thể hiện quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

Năm 2006, Hội nghị APEC tổ chức tại Việt Nam có rất nhiều hoạt động, đem lại lợi ích thiết thực cho các nền kinh tế thành viên, doanh nghiệp (DN) và người dân. Lúc đó, APEC tập trung vào các vấn đề thương mại và đầu tư truyền thống. Tại thời điểm đó, APEC có khoảng 50 ủy ban, nhóm công tác, với các cơ chế hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên. Đến nay, con số này đã tăng lên 80 ủy ban, nhóm công tác với khối lượng công việc tăng lên rất nhiều.

Năm 2017, APEC đã tổ chức khoảng 200 hội nghị, tăng gấp đôi so với năm 2006. Số lượng đại biểu của các nền kinh tế thành viên đến dự các hội nghị được tổ chức ở 10 tỉnh/thành trong cả nước suốt thời gian qua là khoảng 9.000 người, cũng tăng gấp đôi so với số lượng đại biểu từ Hội nghị APEC 2006.

Đây là những con số cụ thể, cho thấy khối lượng công việc mà Hội nghị APEC 2017 đã thực hiện so với 11 năm trước đây tại Việt Nam.

Năm 2017, Việt Nam đã đưa ra hàng loạt sáng kiến và các sáng kiến này đã được các nền kinh tế thành viên ủng hộ, hưởng ứng tích cực vượt kỳ vọng của tôi. Đặc biệt, trong các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, dịch vụ, phát triển đô thị ở nông thôn, phụ nữ và kinh tế, an ninh lương thực, khởi nghiệp.

Chúng tôi đang rất trông chờ, khi Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra sau 20 ngày nữa, các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ thảo luận một loạt vấn đề thiết thực. Đặc biệt, Việt Nam trông chờ tại tuần lễ này sẽ đưa ra Tuyên bố Đà Nẵng, thể hiện quyết tâm, tầm nhìn không chỉ của Đà Nẵng, mà còn là của Việt Nam và toàn thể các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng đảm nhận vai trò “Thành phố APEC”. Vậy Đà Nẵng đã và đang chuẩn bị những gì cho sự kiện được đánh giá là cơ hội chiến lược cho sự phát triển của Đà Nẵng?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Từ năm 2006, khi Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng cũng là địa phương tổ chức Hội nghị Bộ trưởng. Do đó, chúng tôi có đôi chút kinh nghiệm để vào cuộc.

Việc APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng là cơ hội lớn nhưng là thách thức không nhỏ đối với chính quyền thành phố. Ngay từ năm 2015, Đà Nẵng đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 cũng như các bộ, ngành liên quan để thực hiện công tác chuẩn bị đón nhận sự kiện lớn này.

Trước hết, Đà Nẵng hình thành 5 tiểu ban tương ứng với 5 tiểu ban của Ủy ban Quốc gia. Bên cạnh đó, chúng tôi đảm bảo cơ sở vật chất để tổ chức sự kiện. Đến thời điểm này, sau 2 đợt tiền trạm vào tháng 7 và tháng 10, các nền kinh tế thành viên đánh giá cao những điều Đà Nẵng làm. Trung ương cũng ghi nhận sự nỗ lực của thành phố.

Chúng tôi cũng đang chuẩn bị tổ chức các hội nghị bên lề. Điển hình như chiều 14.10, Đà Nẵng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hạ tầng, kỹ thuật và Hội nghị xúc tiến du lịch. Đây là hai lĩnh vực mà Đà Nẵng đang nỗ lực kêu gọi đầu tư.

Vào sáng 15.10, Đà Nẵng tiếp tục tổ chức Diễn đàn Đà Nẵng 2017 với khoảng 700 đại biểu tham dự. Tôi cho rằng, đây là cơ hội rất lớn mà thành phố phải tận dụng.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đối ứng kinh phí để cùng với kinh phí của Trung ương, kinh phí của DN tạo cơ sở vật chất tốt nhất để tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Hiện có gần 10 tỉnh, thành đã tham gia các hoạt động của APEC từ đầu năm đến nay. Vây thưa ông Nguyễn Tất Thành, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của các tỉnh, thành trong công tác chuẩn bị cho APEC 2017?

Ông Nguyễn Tất Thành: Những hoạt động được tổ chức, chuẩn bị trải đều không chỉ tại Đà Nẵng mà từ nhiều tỉnh, thành. Chúng tôi nghĩ rằng các tỉnh, thành đảm nhận đăng cai đã có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đã tổ chức hết sức thành công các sự kiện của Năm APEC 2017.

Đặc biệt đối với Đà Nẵng, chúng tôi hết sức ấn tượng với công tác chuẩn bị của địa phương này. Chúng tôi thấy sự quyết tâm và quyết liệt trong sự chỉ đạo của thành phố cũng như sự đồng bộ và quyết tâm của các đơn vị liên quan để hoàn tất công tác chuẩn bị.

Cho đến nay, theo đánh giá của chúng tôi thì việc chuẩn bị của Đà Nẵng đã đạt 95% tiến độ công việc. Tuy nhiên, còn 5% nữa thì 3 tuần tới là giai đoạn quyết định. Đà Nẵng sẽ là bộ mặt của Việt Nam và cũng sẽ là tâm điểm quan tâm của thế giới, do đó chúng ta cần những biện pháp tích cực hơn nữa, đầy đủ, toàn diện và quyết liệt hơn nữa để hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng cho Tuần lễ cấp cao.

Qua đợt sơ duyệt đầu tháng 10 vừa rồi, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã đánh giá rất cao và biểu dương nỗ lực vượt bậc của Đà Nẵng trong việc chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao. Tôi được vinh dự 2 lần đón đoàn tiền trạm của các nền kinh tế thành viên tới Đà Nẵng để khảo sát. Sau 2 đợt này, bên bạn cũng nắm được sự chuẩn bị của chúng ta và thật sự ấn tượng, yên tâm về công tác chuẩn bị của Đà Nẵng nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Thưa ông Nguyễn Ngọc Tuấn, sự tham gia của DN và người dân trong quá trình chuẩn bị Tuần lễ cấp cao APEC được thể hịên như thế nào? Liệu sự nhận thức và công tác tuyên truyền có làm cho người dân cảm nhận đó là sự kiện điểm nhấn trong năm hay chưa?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Chúng tôi tâm niệm rằng sự kịên này không chỉ chính quyền, đoàn thể mà phải có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt trong đó là các vai trò của DN và người dân.

Đối với các DN thì đây là một cơ hội rất lớn. Cộng đồng DN TP.Đà Nẵng đón nhận sự kiện này với tinh thần hào hứng, phấn khởi. Các DN đã đăng ký tham gia các hoạt động của sự kiện, bên cạnh đó họ là nhân tố chính để ta tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng 2017. Các DN đã góp sức không nhỏ trong việc tạo cơ sở vật chất, đặc biệt các địa điểm tổ chức sự kiện chính của Tuần lễ cấp cao, chủ yếu do DN đảm nhận.

Thời gian qua, các DN nỗ lực cải tạo, xây mới các cơ sở của họ để đáp ứng yêu cầu của Tuần lễ cấp cao. Bên cạnh đó, họ cũng giới thiệu sản phẩm của mình, mở các đợt khuyến mãi rất lớn với mục đích phục vụ APEC. Chúng tôi cũng có các cuộc thi chọn tặng phẩm, quà tặng dành cho đại biểu APEC được các DN nhiệt tình hưởng ứng.

Đặc biệt về cơ sở hạ tầng về cấp điện, cấp nước, đường truyền thì các DN đã hoàn thành bằng chính nguồn của họ. Như vậy chúng ta đạt được mục đích là cầu thị, trọng thị, chuyên nghiệp và tiết kiệm trong Tuần lễ cấp cao.

Bên cạnh đó không thể thiếu vai trò của người dân. Chúng tôi đã cùng các sở, ban ngành, đoàn thể tuyên truyền sự kiện này đến tận các tổ dân phố, để mỗi người dân ý thức được rằng trong sự kiện này, chúng ta sẽ là đại sứ thân thiện, sẽ là đại sứ du lịch, để phát huy truyền thống hiếu khách đến bạn bè quốc tế, từ đó khẳng định Đà Nẵng không chỉ chuyên nghiệp mà còn hiếu khách.

Thưa ông Nguyễn Tất Thành, chúng ta quan tâm đến điều gì trong công tác tuyên truyền văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh năng động, đổi mới và hiện đại của đất nước trong thời điểm này?

Ông Nguyễn Tất Thành: Đà Nẵng vốn nổi tiếng là thành phố năng động, sáng tạo và đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta cần quân tâm đến công tác tuyên truyền hơn. Đặc biệt khi diễn ra sự kiện Tuần lễ cấp cao, bên cạnh các sự kiện chính chúng ta cũng quan tâm đến các hoạt động bên lề. Ví dụ, chương trình phu nhân/phu quân của các nhà lãnh đạo, khai trương Công viên APEC…

Tôi muốn đề cập câu chuyện liên quan đến một số nhà lãnh đạo qua đợt tiền trạm vừa qua, chúng tôi được biết họ rất quan tâm và hứng thú với việc đi bộ trên các đường phố. Chúng tôi được biết họ có kế hoạch chạy bộ ven biển, dọc bờ sông Hàn… Đó là cơ hội ngàn vàng để chúng ta có thể quảng bá cho Đà Nẵng…

Đây là cũng cơ hội quý giá cho các DN Đà Nẵng cũng như DN các tỉnh miền Trung quảng bá sản phẩm, dịch vụ, tour du lịch cho các đại biểu. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi thăm thành phố, nhận thấy người dân Đà Nẵng từ người lái taxi đến người bán hàng đều hết sức niềm nở, thân thiện, làm cho khách có cảm giác là người trong một nhà.

Điều đáng chú ý nhân sự kiện này tất cả hãng truyền hình, thông tất lớn của thế giới sẽ tới Đà Nẵng. Đây là cơ hội ta cần phải tranh thủ. Chúng tôi đã đề xuất với Đà Nẵng một số nhà hàng, dịch vụ nếu thấy khách APEC nên giảm giá 5-15% để cho họ thấy sự hiếu khách của chúng ta, để họ còn muốn quay lại Đà Nẵng lần nữa. Điểm đến Đà Nẵng sẽ giúp họ có cơ hội đi nhiều địa phương khác ở Việt Nam.

Một khán giả đặt câu hỏi “Thông điệp của Đà Nẵng tại APEC là gì? APEC sẽ thúc đẩy kinh tế và hướng đầu tư không? Ước tính tăng trưởng của Đà Nẵng sau APEC”?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Thông điệp APEC của Đà Nẵng không nằm ngoài thông điệp chung của Tuần lễ cấp cao APEC là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Tuy nhiên đối với Đà Nẵng thì thành phố cũng tận dụng cơ hội này để đưa ra các dự kiến của mình để có thể tận dụng cho được những cơ hội quý báu này.

Với sự kiện quan trọng này, chúng tôi tin tưởng rằng sự tăng trưởng của thành phố trong thời gian sắp tới sẽ theo chiều hướng tích cực. Còn số liệu cụ thể thế nào, chúng ta phải đợi thời gian để thống kê trong thời gian tới.

Thưa ông, nếu mưa bão xảy ra vào dịp Đà Nẵng tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC thì thành phố có hướng phòng bị dự phòng không? Nnhững sự kiện nào mà công chúng có thể tham dự được?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức đúng vào tuần đầu của tháng 11. Thời gian đó có thể điều kiện thời tiết không thuận cho nên chúng tôi đã có phương án dự phòng để bảo đảm mọi việc diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng lớn, bởi hầu hết các sự kiện lớn đều tổ chức ở trong nhà với những công trình kiên cố.

Đối với người dân, đương nhiên lãnh đạo các nước, quan chức và phóng viên các nước trên thế giới đến Đà Nẵng họ không chỉ dự họp mà còn đi trải nghiệm thì chắc chắn người dân chúng ta được hòa chung không khí này. Tôi nghĩ chúng ta nên nắm bắt các cơ hội.

Khán giả đặt câu hỏi: “Thưa ông, liệu công trình nút giao thông ngã ba Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ có hoàn thành để phân luồng giao thông dịp APEC hay không. Nếu chạy tiến độ liệu có đảm bảo chất lượng hay không”?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Đây là công trình rất quan trọng, không chỉ phục vụ mỗi APEC mà còn phục vụ toàn bộ giao thông phía quận Thanh Khê và Hải Châu, nơi tình trạng lưu thông hiện nay đang ùn ứ.

Theo tiến độ, đến ngày 29.10 này phải hoàn thành để chúng ta có một đợt tổng duyệt, đón Tuần lễ cấp cao. Chúng tôi đốc thúc tiến độ nhưng cũng phải bảo đảm chất lượng công trình.

Khán giả tiếp tục đặt vấn đề, trong Tuần lễ cấp cao có bị tắc đường, kẹt xe  không. Người dân cần tránh những tuyến đường nào?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Đây là vấn đề rất quan trọng trong việc tổ chức Tuần lễ cấp cao. Sở dĩ Đà Nẵng được chọn làm địa điểm tổ chức APEC là vì giao thông tương đối thông thoáng. Hiện nay Tiểu ban An ninh - Y tế rất quan tâm đến vấn đề này và đã có kế hoạch cụ thể.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã được huy động từ Hà Nội và từ các tỉnh, thành lân cận để hỗ trợ. Khi sự kiện chính diễn ra thì sẽ thông báo cụ thể đoạn đường nào được cắt, đoạn đường nào được bổ sung để người dân biết.

Ông nghĩ như thế nào về những cơ hội từ APEC, thưa ông Nguyễn Tất Thành?

Ông Nguyễn Tất Thành: Trước tiên cho phép tôi một phút để chia sẻ về thời tiết. Theo một số hãng dự báo mà chúng tôi tham khảo, thời tiết của Đà Nẵng trong dịp Tuần lễ cấp cao sẽ tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có kịch bản rất cụ thể để bảo đảm các hoạt động Tuần lễ cấp cao APEC được diễn ra một cách suôn sẻ nhất, tốt nhất.

Về cơ hội mà APEC có thể đem lại cho người dân và DN, chúng tôi xin chia sẻ mấy điểm. Thứ nhất, các nền kinh tế thành viên APEC đều là nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 60% GDP của toàn cầu, với khoảng gần 3 tỷ người. Đặc biệt theo đánh giá của các chuyên gia, trong vòng khoảng 10 năm nữa, đến 2030, GDP các nền kinh tế APEC tăng lên, chiếm khoảng 70% GDP toàn cầu. Chứng tỏ châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng cả trên toàn cầu.

Về mặt đối ngoại, đây là khu vực mà chúng ta có nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đều là đối tác quan trọng hàng đầu. Do đó, chúng ta sẽ có những cơ hội lớn trong việc tham gia hợp tác của APEC và trong việc tăng cường tham gia hợp tác với các nền kinh tế thành viên, để thúc đẩy quan hệ, thúc đẩy giao lưu, thúc đẩy thương mại và đầu tư cũng như các hoạt động có lợi khác.

Trong dịp Tuần lễ cấp cao có khoảng 10.000 người nước ngoài tới dự, trong đó có khoảng 4.000 phóng viên, đại diện của khoảng 3.000 DN và có những DN hàng đầu thế giới, đại biểu khác là 3.000. Đây là những con số rất lớn, có thể tạo ra những cơ hội rất lớn cho Việt Nam nói chung, người dân và chính quyền Đà Nẵng nói riêng.

Để tận dụng được cơ hội đó, chúng tôi vui mừng về việc DN, chính quyền và người dân đều quan tâm tới APEC và tìm mọi cách tham gia tối đa các hoạt động. Các DN cũng đã chủ động đăng ký tham gia và tìm cách quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình.

Với đặc thù của mình, Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung không có nhiều DN lớn, xin ông cho biết cơ hội của APEC mang đến cho DN trong khu vực?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: APEC 2017 là cơ hội rất lớn không những cho DN nhỏvà vừa của Việt Nam mà đây còn nhận được sự quan tâm của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản… Do vậy, tôi cho rằng đây là một cơ hội rất quý hiếm để cộng đồng DN nhỏ và vừa của các địa phương học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận những quan điểm hỗ trợ phát triển tốt hơn. Ngay sau Năm APEC 2017, Đà Nẵng sẽ có một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa có cơ hội phát triển tốt hơn.

Thưa ông Nguyễn Tất Thành, trong các hội nghị bên lề của Năm APEC 2017, Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến và được ủng hộ rất lớn, trong đó có việc thúc đẩy khởi nghiệp APEC, vậy ông có thể nói rõ hơn về sáng kiến này?

Ông Nguyễn Tất Thành: Hội nghị Bộ trưởng về DN nhỏ và vừa tổ chức hồi tháng 9 trong khuôn khổ APEC 2017 đã thông qua sáng kiến rất có ý nghĩa liên quan đến khởi nghiệp. DN khởi nghiệp hiện nay rất quan tâm thúc đẩy sự phát triển. Chúng tôi rất quan tâm vấn đề này, các bộ ngành Việt Nam, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực thúc đẩy sáng kiến này của Việt Nam trong khuôn khổ APEC.

Sáng kiến có 4 nội bản cơ bản. Thứ nhất là tạo ra khuôn khổ pháp lý, chính sách chung của các nền kinh tế thành viên APEC. Thứ hai là có những biện pháp cụ thể là có những chính sách chung để hỗ trợ cho DN khởi nghiệp với tất cả các nguồn lực có thể có, không chỉ có nguồn lực từ chính phủ, DN, mà còn có nguồn lực từ phi chính phủ. Thứ ba là vì những DN khởi nghiệp, tức là DN tương đối mới nên chúng ta phải cố gắng làm sao để xây dựng chuẩn mực chung về mặt đạo đức.

Đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tôi nghĩ đây là vấn đề góp phần tạo dựng một môi trường năng động, hiệu quả, làm ăn chân chính cho cộng đồng DN. Điểm mấu chốt là trong khuôn khổ APEC, chúng ta đang cố gắng xây dựng được một mạng lưới quan hệ đối tác, hợp tác giữa các DN các nền kinh tế thành viên, tức là kết nối DN địa phương này với địa phương khác, nền kinh tế này với nền kinh tế khác…

Sáng kiến của Việt Nam được các nền kinh tế thành viên đánh giá cao và trong thời gian tới, họ sẽ có những biện pháp cụ thể để triển khai.

Thưa ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Đà Nẵng được kỳ vọng là thành phố tiên phong trong xây dựng “thành phố khởi nghiệp”, vậy DN đã chuẩn bị những gì để tiếp cận sáng kiến này của APEC?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Việc APEC thúc đẩy khởi nghiệp là vấn đề hữu ích đối với Đà Nẵng. Qua APEC 2017,  chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp thu được kinh nghiệm, cách tổ chức thực hiện, đặc biệt là cơ chế chính sách để tạo đà cho DN vừa và nhỏ trên bước đường phát triển, đạt được những thành công tốt đẹp trong tương lai. 

(Theo chinhphu.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO