Sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế

TRỊNH DŨNG 14/01/2015 09:38

Ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam cho hay tăng trưởng tín dụng năm 2015 phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế và doanh nghiệp (DN). Hệ thống ngân hàng Quảng Nam đã sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế phát triển.

Vốn đổ vào nền kinh tế

- P.V: Tăng trưởng tín dụng năm 2014 có khả quan như công bố của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam?

- Ông Nguyễn Văn Diện: So với kế hoạch từ hội sở của các tổ chức tín dụng giao, tính đến ngày 31.12.2014, hệ thống ngân hàng Quảng Nam chỉ đạt khoảng 11,99%. Mức tăng trưởng ấy là đạt yêu cầu. Ngân hàng Nhà nước cũng không khống chế tăng trưởng bao nhiêu %. Ngay năm 2015 cũng vậy. Không đưa kế hoạch tăng trưởng nhiều hay ít mà chính là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu vốn hay nói cách khác là đáp ứng đủ vốn cho các dự án đầu tư hiệu quả. Tỷ lệ tăng trưởng trên 11,5% GDP của Quảng Nam ấn định cho năm 2015 sẽ tăng thêm nhiều vốn tương ứng và nhu cầu vốn sẽ không bị hạn  chế. Ngay cả việc huy động vốn không tăng nhiều thì vốn các ngân hàng cũng sẽ không hề thiếu vì có sự điều phối, bơm vốn từ các hội sở.

Thời gian qua dòng vốn ngân hàng đã góp phần phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.Đ
Thời gian qua dòng vốn ngân hàng đã góp phần phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.Đ

- P.V:Nhiều DN đã tỏ ra khá ngạc nhiên khi tín dụng những tháng đầu tăng trưởng ì ạch lại bất ngờ vọt cao vào cuối năm. Tăng trưởng này có thực chất hay biện pháp kỹ thuật?

- Ông Nguyễn Văn Diện: Đó là tùy cách nói của mỗi người. Ngay ngân hàng trung ương đến tháng 7 hoặc tháng 8 tăng trưởng rất thấp, nhưng đến giờ chót của cuối năm, tăng trưởng gần 12% là đã đạt yêu cầu. Thông thường cuối năm, dòng vốn sẽ được bơm ra nhiều cho DN và các dự án đầu tư khác nhau, chẳng hạn như bất động sản. Chỉ cần một ngân hàng điều cho Quảng Nam một dự án lớn thì tăng trưởng tín dụng lập tức sẽ được nhảy vọt. Không thể lấy điều đó để nói vốn đi đâu hoặc nghi vấn là thực chất hay biểu diễn. Thực tế, dòng vốn ngân hàng trên địa bàn đã đổ vào nền kinh tế, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam. Vốn ngân hàng đã đi đúng hướng, trọng tâm khi tập trung cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ và cho công nghiệp phụ trợ…

- P.V: Nợ xấu theo công bố đã được giảm khá nhiều, do thu được nợ hay dùng nguồn dự phòng rủi ro để xử lý?

- Ông Nguyễn Văn Diện: Hiện nợ xấu chỉ chiếm 0,94% trên tổng dư nợ là con số ấn tượng, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Hệ quả này phát sinh từ việc làm ăn thua lỗ của DN và rủi ro của ngân hàng. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng rất nhạy cảm thì rủi ro cũng là chuyện đương nhiên vì khó có thể lường hết được các nguy cơ tiềm ẩn. Không một tổ chức tín dụng nào lại che giấu nợ xấu. Vấn đề là khi khó có thể thu hồi vốn dù nhiều bản án có hiệu lực thì các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn và dùng nguồn để xử lý nợ xấu. Hiện các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận của mình để trích lập dự phòng rủi ro, làm cho chất lượng tín dụng cao lên. Khi đầu tư vốn, các ngân hàng sẽ phải thẩm định kỹ càng về hiệu quả dự án. Tăng trưởng tín dụng và giải quyết nợ xấu là hai mục tiêu song hành, không ưu tiên cái nào là điều các ngân hàng đang tính toán.

Muốn vay, DN phải đủ chuẩn

- P.V:Thiếu tài sản thế chấp chính là một trong nhiều rào cản khiến DN khó tiếp cận vốn. Liệu ngân hàng có còn mở thêm nhiều cuộc kết nối ngân hàng – DN để bơm vốn ra thị trường?

- Ông Nguyễn Văn Diện: Cuộc gặp gỡ và ký kết các hợp đồng tín dụng giữa 7 ngân hàng thương mại và 14 DN với tổng giá trị 901,7 tỷ đồng ngày 16.10.2014 chính là hiện thực hóa ý tưởng của chính quyền, sự kết nối của ngân hàng – DN, thể hiện tính chủ động, trách nhiệm của từng ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện DN tiếp cận vốn vay, giúp ngân hàng đưa vốn vào nền kinh tế và thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Cuộc ký kết này đã chứng minh giới ngân hàng đã nhìn vào tính khả thi của các dự án để quyết định cho vay. Vấn đề chính là năng lực quản trị, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh hiệu quả của từng DN sẽ quyết định đến mối quan hệ với ngân hàng. Nếu DN vẫn khó tiếp cận vốn là do không thể đáp ứng các tiêu chí theo quy định của ngân hàng, có nợ xấu hay không đủ tài sản thế chấp… Ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay vì rất sợ gây ra rủi ro tín dụng và nguy cơ tăng nợ xấu. Suy cho cùng, điều quan trọng hơn nhất là chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đến nơi cần chảy, đúng nơi cần của nền kinh tế hấp thụ, chứ không phải là dựa vào con số tăng trưởng nhiều hay ít. Kết quả của cuộc kết nối cho thấy số ít ý kiến phản hồi từ gần 800 phiếu khảo sát, đánh giá khó khăn DN được giới ngân hàng gửi đi. Có thể hiểu không ít DN làm ăn tốt không cần phản hồi, còn hầu hết DN chỉ đề cập việc không đủ chuẩn vay nên khó tiếp cận vốn. Nếu vay, phải có tài sản thế chấp. Không đủ chuẩn thì không thể cho vay. Đó là điều chắc chắn.

Thực ra, kinh doanh ngân hàng là kinh doanh niềm tin. Nếu có niềm tin thì ngân hàng sẵn sàng cho vay (kể cả tín chấp), nhưng DN phải có uy tín, có dự án hiệu quả và quản lý đồng vốn vay đúng mục đích xét trên chu trình sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Ngân hàng đã không trả thiếu một xu cho khách hàng gửi tiền thì không lý do gì DN nợ tiền lại trốn tránh trách nhiệm. Hiện vẫn còn khoảng hơn 240 hồ sơ thi hành án chưa được xử lý. Năm 2015, ngân hàng sẽ làm việc để giải quyết dứt điểm khoản nợ xấu dây dưa này để làm lành mạnh hóa hơn thị trường tiền tệ. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam sẽ chấn chỉnh các tổ chức tín dụng, không để xảy ra trường hợp cán bộ tín dụng ngân hàng móc nối DN cho vay để đảo nợ, kiểu như thực hiện “tín dụng đen”.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO