Tối 9.6 tới, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 chính thức khai mạc tại Quảng trường biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Các hoạt động của lễ hội lần này trải rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Hướng đến festival di sản, thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương có lễ hội đã tích cực chuẩn bị chu đáo các khâu. Đến giờ này có thể nói mọi việc đã hoàn tất, khắp nơi sẵn sàng vào hội.
Việc sắp đặt con đường thuyền thúng tại Tam Thanh , TP. Tam Kỳ đã hoàn thành. Ảnh: MINH HẢI |
ĐIỀU TIẾT GIAO THÔNG
Với hàng loạt hoạt động trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, dự đoán lượng khách đổ về các điểm diễn ra lễ hội rất lớn, nhất là khu vực tổ chức các hoạt động chính. Phương án phân luồng, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông, cũng như dẫn đoàn, phục vụ các đoàn đại biểu tham dự festival đã được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) triển khai sẵn sàng đến từng đơn vị.
Khảo sát xử lý “điểm nóng”
Từ hơn một tháng trước, Đội CSGT số 1 Phòng CSGT Công an tỉnh đã được phân công phối hợp khảo sát tuyến, bãi đỗ xe ở TP.Tam Kỳ, đường xuống Quảng trường biển Tam Thanh, nơi diễn ra lễ khai mạc và nhiều hoạt động lớn của festival. Do tuyến đường này có một số đoạn khá hẹp, đặc biệt là khu vực gần Quảng trường biển, với lưu lượng lớn người và phương tiện đổ về trong đêm khai mạc, áp lực đảm bảo giao thông, tránh ùn tắc được đơn vị dự lường để tính toán phương án điều tiết. Thiếu tá Nguyễn Văn Binh - Đội trưởng Đội CSGT số 1 cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công an TP.Tam Kỳ tiến hành khảo sát các tuyến đường hướng về điểm tổ chức khai mạc, thăm dò vị trí đỗ xe cho đoàn đại biểu, bãi đỗ xe cho người dân, du khách tham dự khai mạc. Từ đó, đơn vị đã sớm có kế hoạch phân luồng giảm ách tắc; tham mưu cho chính quyền địa phương có kế hoạch bố trí điểm đỗ xe, đồng thời lập kế hoạch chi tiết để ứng trực, đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ sự kiện.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã triển khai chu đáo kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông phục vụ festival. Ảnh: X.MAI |
Đi đôi với TP.Tam Kỳ, địa bàn TP.Hội An cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao, văn hóa mang tầm quốc tế và lễ bế mạc festival. Ngoài tập trung lực lượng, đảm bảo tình hình giao thông, Công an TP.Hội An tiếp tục duy trì và tăng cường các tổ tuần tra kiểm soát cả công khai lẫn mật phục nhằm kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông. Với đặc thù đường phố hẹp, ít bãi đỗ xe, việc đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc khi các sự kiện diễn ra là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đại tá Đinh Xuân Nghĩ - Trưởng Công an TP.Hội An cho hay, trong những ngày diễn ra lễ hội lực lượng CSGT Công an thành phố sẽ chia thành nhiều tổ công tác làm nhiệm vụ hướng dẫn các phương tiện lưu thông đúng phần đường, đậu đỗ đúng nơi quy định. Ô tô chở khách du lịch sẽ được hướng dẫn tập trung tại những bãi đỗ xe, khu đất trống trên các tuyến đường và ở bên ngoài phố cổ. Ngoài ra, đơn vị sử dụng nhiều lớp rào chắn từ ngoài vào trong, không để phương tiện giao thông đi vào khu vực phố cổ, nhất là các tuyến đường chính, để tránh tình trạng ùn tắc, tạo thuận lợi cho du khách tham quan phố cổ. Phương án bố trí, chốt chặn ứng trực ở các ngã ba, ngã tư là điểm nóng có nguy cơ gây ra ùn tắc cũng đã được tính toán để giao thông được thông suốt.
Đồng bộ giải pháp
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, Thượng tá Phan Thanh Hồng - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho hay, kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trong kỳ festival đã được triển khai cho từng đơn vị, bám sát chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh. Theo kế hoạch, các đơn vị đã tiến hành khảo sát tuyến đường, lập phương án dẫn đoàn lãnh đạo cấp cao, đoàn đại biểu tham dự festival, chuẩn bị đầy đủ phương tiện để phục vụ tốt công tác dẫn đoàn khi có chỉ đạo. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ huy động lực lượng để tổ chức phân luồng, hướng dẫn sắp xếp xe cộ tại các bãi đỗ xe, đảm bảo tránh xảy ra ùn tắc trước và sau mỗi sự kiện. Hiện tại, sơ đồ các điểm đỗ, những địa điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc đã được thống kê, từ đó có phương án khắc phục. “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát kỹ, đưa ra kế hoạch phân luồng điều tiết từ xa. Đối với những nơi tổ chức sự kiện, đơn vị đã có kế hoạch huy động lực lượng hướng dẫn, sắp xếp xe cộ, chủ động giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh. Trong tình huống các đoàn đại biểu quá đông, chúng tôi sẽ báo cáo đề nghị Cục CSGT điều động lực lượng hỗ trợ” - Thượng tá Phan Thanh Hồng nói.
Trong những ngày tới, Phòng CSGT Công an tỉnh sẽ huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, chiến sĩ phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông cho festival. Ngoài ra, tại các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh, công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông được duy trì thường xuyên, chặt chẽ. Đơn vị cũng đã chỉ đạo lực lượng CSGT đường thủy ở các tuyến đường thủy nội địa nơi có sự kiện diễn ra tăng cường kiểm soát, phòng ngừa để đảm bảo an toàn. Với những giải pháp đồng bộ, xuyên suốt, Phòng CSGT đặt mục tiêu đảm bảo tốt nhất cho người dân và phương tiện lưu thông đến tham gia các hoạt động trong khuôn khổ festival một cách thuận lợi, an toàn, góp phần vào thành công của kỳ festival lần này. (THÀNH CÔNG)
ĐẢM BẢO AN TOÀN CẤP ĐIỆN
Festival Di sản Quảng Nam 2017 diễn ra giữa thời điểm nắng nóng, khô hạn kéo dài, áp lực cấp điện gia tăng. Nhằm đảm bảo nguồn điện phục vụ sự kiện và nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã triển khai nhiều giải pháp cấp điện an toàn, hiệu quả.
PC Quảng Nam cho biết, mùa khô năm nay công suất phụ tải cực đại trên địa bàn tỉnh có thể gia tăng hơn 286MW (tăng hơn 11% so với năm 2016). Đặc biệt, áp lực cấp điện tăng cao khi Festival Di sản Quảng Nam 2017 diễn ra xuyên suốt từ ngày 7.6 đến 14.6 với chuỗi hoạt động, sự kiện dày đặc tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Ông Thái Văn Trương - Trưởng phòng Điều độ PC Quảng Nam cho hay, để đáp ứng tình hình phụ tải tăng cao, lãnh đạo PC Quảng Nam đã chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp các điện lực tập trung kiểm tra hệ thống nguồn, lưới điện ngay từ khi mùa khô chưa bắt đầu. PC Quảng Nam đã chuẩn bị nhiều phương án cấp điện, lập xong phụ tải khách hàng ưu tiên bắt buộc cấp điện mùa khô, đồng thời hoán chuyển 49 trạm tải nhỏ, nâng dung lượng các trạm biến áp, thực hiện các phương án san tải cụ thể cho một số khu vực. Riêng khu vực Tam Kỳ và Hội An có thêm 15 trạm biến áp tăng cường để phục vụ du lịch nói chung, festival nói riêng…
Ông Trương còn cho biết, PC Quảng Nam cũng đã xây dựng cụ thể phương án cấp điện trong điều kiện vận hành bình thường và dự lường trong những tình huống xảy ra sự cố, tăng cường giải pháp ứng phó, đảm bảo cấp điện an toàn, hiệu quả, liên tục xuyên suốt festival. Trong đó, tập trung vào những khu vực ưu tiên cấp điện đã được lập danh mục. Cụ thể, tại TP.Tam Kỳ sẽ ưu tiên cấp điện cho khu vực Quảng trường biển Tam Thanh, khách sạn Mường Thanh, khách sạn ven sông Bàn Thạch, nơi diễn ra sự kiện, điểm điều hành của ban quản lý, ban tổ chức, nơi có lưu lượng khách tham quan, lưu trú đông đúc, và khu du lịch Phú Ninh. Tại Hội An, đơn vị tăng cường phương án cấp điện tại các địa điểm công cộng như Quảng trường Sông Hoài, Rạp hát Hội An, Công viên Kazik, vòng cung Chùa Cầu, cồn bắp Cẩm Nam, bãi biển An Bàng, khách sạn Hội An, làng lụa Hội An và một số địa điểm du lịch, di tích nổi tiếng của phố Hội. Tại Duy Xuyên, sẽ ưu tiên cấp điện khu vực Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, Bảo tàng Mỹ Sơn. Tại hai huyện miền núi Tây Giang và Nam Trà My, công ty ưu tiên cấp điện khu nhà làng truyền thống Tây Giang, trung tâm huyện Tây Giang; khu vực xã Trà Mai và trung tâm hành chính huyện Nam Trà My…
Nhằm đảm bảo an toàn cấp điện, hạn chế xảy ra sự cố về điện, PC Quảng Nam chỉ đạo phòng ban liên quan và điện lực cơ sở tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các khuyết điểm của thiết bị nguồn, lưới điện, phát quang hành lang tuyến trước ngày 6.6. Đề phòng sự cố mất điện lưới, công ty thiết lập nhiều máy phát dự phòng và bố trí lực lượng đảm trách vận hành cấp điện phục vụ chuỗi sự kiện riêng lẻ lẫn tập trung tại các khu vực cấp điện ưu tiên; phục vụ hội thảo, hội nghị, liên hoan, nhất là lễ khai mạc và bế mạc festival. Ông Vũ Văn Nghiêm - Phó Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, đơn vị đã bố trí nhân lực phối hợp với các điện lực phụ trách khu vực chạy máy phát dự phòng, lắp đặt thí nghiệm máy biến áp di động tại các khu vực cấp điện ưu tiên khi có yêu cầu. Theo đó, nhân viên trực vận hành máy phát dự phòng được điều động túc trực 24/24 giờ, vận hành chạy máy phát cấp điện ưu tiên trong trường hợp xảy ra sự cố mất điện lưới nơi diễn ra sự kiện. (HOÀNG LIÊN)
NGỌC LINH CHỜ KỂ... HUYỀN THOẠI
Nằm trong chương trình Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, tại huyện Nam Trà My sẽ diễn ra Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ I, khai mạc tối 10.6, với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh”. Đến giờ này mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội diễn ra đã được hoàn tất.
Các diễn viên quần chúng luyện tập tiết mục nhạc kịch “Truyền thuyết nàng Sâm”.Ảnh: H.THỌ |
Tôn vinh sâm Ngọc Linh
Chương trình khai mạc Lễ hội Sâm Ngọc Linh sẽ được mở màn bằng lễ rước biểu tượng củ sâm Ngọc Linh (từ xã Trà Linh về trung tâm huyện bằng xe ô tô) chạy dọc các trục đường nội thị tại trung tâm hành chính Tắc Pỏ và đưa về địa điểm tổ chức lễ khai mạc để tôn vinh sâm Ngọc Linh - một trong những loài sâm quý. Trong chương trình khai mạc cũng sẽ diễn ra phần công bố Quyết định công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia của Việt Nam để nâng tầm giá trị và hướng đến xuất khẩu thị trường thế giới. Trong chương trình khai mạc còn có hoạt động ký lưu niệm của lãnh đạo lên 50 bình rượu sâm Ngọc Linh, sau đó sẽ tổ chức đấu giá để gây quỹ phúc lợi xã hội. Dịp này, Bộ Thông tin - truyền thông và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp phát hành bộ tem đặc biệt về sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam để vinh danh thương hiệu và quảng bá hình ảnh củ sâm ra thế giới. Nhạc kịch “Truyền thuyết nàng Sâm” sẽ là dấu ấn đặc sắc của chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội. Với sự tham gia của hơn 300 diễn viên quần chúng huyện Nam Trà My, nhạc kịch nhằm tái hiện nguồn gốc sâm Ngọc Linh cũng như những câu chuyện thần kỳ từ dược chất trong củ sâm phục vụ sức khỏe con người.
Nhân dịp tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My sẽ mở tour du lịch khám phá vùng sâm gốc tại nóc Tắc Ngo (thôn 2, xã Trà Linh). Hiện tại tuyến đường giao thông dẫn lên khu vực này đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động. Tham gia tour du lịch, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình sinh trưởng của cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng già, được tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào Xê Đăng và khám phá thiên nhiên kỳ thú trên núi Ngọc Linh. Ngoài ra, các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, nơi ăn nghỉ cho đại biểu và du khách cũng được chuẩn bị chu đáo. Khách tham dự lễ hội sâm sẽ được trải nghiệm cảm giác ngủ lều bạt tại bờ sông Nước Là với mức giá chỉ 20.000 đồng/đêm. |
Trong những ngày diễn ra Lễ hội Sâm Ngọc Linh còn có cuộc thi sâm với sự tham gia của các hộ trồng, kinh doanh sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My. Thi ảnh nghệ thuật tôn vinh cây sâm; thi sáng tác ca khúc về loài sâm Ngọc Linh. Đặc biệt là Hội thảo “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh” do Báo Nhân Dân tổ chức với sự góp mặt của các giáo sư dược liệu đầu ngành. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Hồ Quang Bửu khẳng định: “Là thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh nên đối với Nam Trà My đây là dịp rất quan trọng để quảng bá thương hiệu. Thông qua lễ hội sẽ tôn vinh giá trị của loài dược liệu này, giúp cho mọi người hiểu về công dụng và giá trị mà cây sâm đem lại”.
Quảng bá hàng nông sản
Trong chương trình Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ I còn có Hội chợ triển lãm hàng nông sản và sản phẩm đặc trưng của miền núi, với 80 tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh đăng ký trưng bày sản phẩm đặc trưng, quy mô 120 gian hàng cùng hàng nghìn sản phẩm. Để bảo quản các mặt hàng nông sản, dược liệu, Ban tổ chức xây dựng 2 khu trưng bày riêng. Trong đó khu nhà bạt có hệ thống máy điều hòa, quạt hơi nước diện tích 540m2 tập trung trưng bày sản phẩm sâm Ngọc Linh, cây dược liệu quý như giảo cổ lam, sâm nam, lan gấm... Gian còn lại với diện tích 864m2 dành trưng bày hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ của đồng bào miền núi. Huyện Nam Trà My cũng bố trí tại khu hội chợ không gian để Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam tổ chức phiên chợ hàng Việt.
Theo ước tính của huyện Nam Trà My, hội chợ triển lãm sẽ thu hút khoảng 7.000 người đến tham quan, mua sắm. Ước tính doanh thu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng tại hội chợ đạt khoảng 10 tỷ đồng, trong đó thu từ việc bán sâm Ngọc Linh đạt hơn 5 tỷ đồng. Hiện tại, các hộ trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu tại Nam Trà My đang tất bật chọn sản phẩm để mang đến hội chợ trưng bày, giao dịch. UBND xã Trà Linh cho biết, ngoài 10kg sâm củ mà xã mang đến trưng bày, các hộ trồng sâm trên địa bàn cũng đã đăng ký gian hàng để bán sâm. Bên cạnh đó, các hộ trồng dược liệu và hàng nông sản đặc trưng ở 9 xã của Nam Trà My cũng hăng hái đăng ký trưng bày, bán sản phẩm, tập trung vào các mặt hàng quế, gạo đỏ, sâm nước, mật ong rừng, heo đen, rượu cần... Đây là năm thứ 3 liên tiếp huyện Nam Trà My tổ chức Hội chợ triển lãm hàng nông sản và sản phẩm đặc trưng. Qua đây không những quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của đồng bào miền núi mà còn thu hút doanh nghiệp từ bên ngoài vào đầu tư tiêu thụ nguồn nguyên liệu ổn định cho người dân.
Hy vọng với sự chuẩn bị khá chu đáo từ phía huyện Nam Trà My sẽ làm nên một Lễ hội Sâm Ngọc Linh thành công. Qua đó quảng bá hình ảnh sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam cùng với đa dạng mặt hàng nông - lâm - thổ sản của người dân miền núi, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho Nam Trà My. (HOÀNG THỌ)
THÀNH PHỐ - BIỂN VÀ RỪNG
Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, TP.Tam Kỳ tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Thành phố - Biển và rừng”. Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Tam Kỳ được UBND thành phố giao tổ chức triển lãm, khai mạc vào chiều 8.6 tại Quảng trường biển Tam Thanh. Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua CLB Nhiếp ảnh Tam Kỳ đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế đến các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, vùng miền trong tỉnh để ghi lại những khoảnh khắc phản ánh vẻ đẹp về mảnh đất và con người Quảng Nam. Ngoài những tay máy đã được nhiều người biết đến như Xuân Đạt, Phan Thế Hiển, Quang Tuấn Camera, Võ Dũng…, triển lãm ảnh lần này còn có sự góp mặt của những tay máy trẻ, đầy triển vọng như Phạm Lộc, Lương Bình TK, Nguyễn Viết Hưng… làm cho không gian triển lãm giàu về chất nghệ thuật, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Với 60 tác phẩm, trong đó có 7 tác phẩm được các tác giả sử dụng kỹ thuật để tạo nên những khuôn hình Panorama có kích cỡ 50cm x 180cm và 53 tác phẩm được in theo cỡ 50cm x 75cm. Tất cả tác phẩm đều được ép gỗ nhằm tiện cho việc vận chuyển cũng như bảo quản, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng phục vụ khách thưởng ngoạn trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
“Sắc màu bình minh” của tác giả Lương Bình TK |
Ông Phan Thế Hiển - Phó Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Tam Kỳ cho biết, dù mới được thành lập và đi vào hoạt động hơn 6 tháng, CLB đã tổ chức 3 cuộc triển lãm ảnh ở nhiều sự kiện khác nhau. Qua đó, chúng tôi phần nào có kinh nghiệm để lần này “trình làng” những tác phẩm được đánh giá là có chất lượng và tính nghệ thuật cao. Đây là sự cố gắng rất lớn của anh em hội viên nhằm góp phần cùng TP.Tam Kỳ và tỉnh tổ chức thành công festival di sản.
Với mong muốn giới thiệu và kết nối các điểm du lịch trong vùng, nên tác phẩm ảnh nghệ thuật sẽ được bố trí theo chủ đề, dọc bờ kè từ Quảng trường biển đến khu resort Hội An. Trước hết là nhóm tác phẩm phản ánh vẻ đẹp tráng lệ của một thành phố trẻ đang trên đà phát triển. Tiếp đến là các tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của bãi biển Tam Thanh, về sức hút của mô hình du lịch mới ở làng bích họa, con đường thuyền thúng. Qua đó cũng phần nào cho thấy sức sống mới của một làng chài đang từng ngày thay da, đổi thịt, tính thân thiện, hiếu khách đã và đang hướng đến chân thiện mỹ của người dân Tam Thanh. Xa hơn nữa là các tác phẩm phản ánh vẻ đẹp kiêu sa, hùng vĩ của một công trình thủy lợi mang tầm cỡ quốc gia đã được cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chung tay xây dựng từ những năm đầu quê hương hoàn toàn giải phóng. Đặc biệt, hội viên CLB Nhiếp ảnh Tam Kỳ đã ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp qua những lần đi thực tế về với vùng cao Nam Trà My. Tác phẩm về vùng cao Trà My được trưng bày tại không gian triển lãm lần này không chỉ giới thiệu các điểm du lịch đầy hứa hẹn mà hội viên CLB còn mong muốn góp sức vào sự thành công của lễ hội Sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, đây là tình cảm hội viên CLB gửi đến cán bộ, đồng bào các dân tộc anh em huyện Nam Trà My cùng Đảng bộ và nhân dân TP.Tam Kỳ qua hơn 12 năm kết nghĩa giữa hai địa phương.
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Thành phố - Biển và rừng” với những tác phẩm đầy sinh động ở góc nhìn và sắc độ khá tinh tế hy vọng sẽ làm cho người xem được mãn nhãn. Đồng thời góp phần vào sự thành công chung của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017. (NGUYỄN ĐIỆN NGỌC)