Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào ngày 11 và 12 tháng Giêng âm lịch, cư dân làng Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) lại tổ chức lễ hội Bà Chiêm Sơn để cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, dân làng no ấm.
Huyền thoại Bà Chiêm Sơn
Vào khoảng thế kỷ 17 - thời kỳ đầu các chúa Nguyễn, làng Chiêm Sơn là một trong những nơi trù phú, nổi tiếng về sản xuất nông nghiệp, ươm tơ dệt lụa. Cạnh đó, người dân nơi đây đã dựng miếu thờ nữ thần bổn mệnh với khá nhiều truyền thuyết ly kỳ.
Ông Lưu Cẩm - Trưởng ban Quản lý di tích Dinh Bà Chiêm Sơn cho biết, ngày xưa trên một cồn cát ở làng An Tây, tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên bỗng nhiên xuất hiện một pho tượng đá lớn trông giống như hình người phụ nữ, dân trong vùng gọi là Bà Đá. Tin rằng đó là một vị thần linh xuất hiện để phù trợ cho mình nên dân làng tìm mọi cách để thỉnh Bà Đá về làng thờ tự nhưng không sao dịch chuyển nổi. Một đêm trăng sáng, 8 người chăn trâu từ làng Chiêm Sơn thử mang Bà Đá về làng để thờ trong một ngôi chùa, nhưng vừa đi qua ngọn đồi Chiêm Sơn bỗng nhiên dây thừng khiêng bị đứt. Bà Đá rơi xuống bám chặt vào đất không thể nâng lên được nữa. Người dân cho rằng, Bà Đá đã quyết định ở ngay đó.
Ông Cẩm nói: “Để thỏa nguyện thiên ý, 8 người chăn trâu liền xây dựng một ngôi miếu nhỏ lợp tranh tre để thờ, hướng ngôi miếu nhìn ra nơi mà họ tìm thấy tảng đá. Từ xưa đến nay, nhiều lần làng Chiêm Sơn bị hạn hán nặng nề, côn trùng phá hoại mùa màng, người dân đến cầu khấn tại Dinh Bà thì qua khỏi”.
Cũng theo ông Lưu Cẩm, năm nay dân làng tiếp tục tổ chức lễ hội Bà Chiêm Sơn để tưởng nhớ công đức bậc tiền nhân, trong đó phần lễ diễn ra theo nghi thức truyền thống gồm có lễ túc yết, lễ kỵ và lễ tế Bà. Người trong làng sắm lễ vật cúng gồm có cơm, thịt heo và trái cây, đặc biệt bắt buộc phải có một con cua, một nhánh tỏi, một cây cải và một con chồn. Những người dâng lễ hầu hết là bô lão trong làng Chiêm Sơn, được chọn từ các vị cao niên và có uy tín… Tất cả đều thể hiện lòng thành kính và mong muốn Bà phù hộ chở che cho dân làng.
Mọi khâu đã hoàn tất
Những ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý, việc quảng bá trực quan về lễ hội được chính quyền xã Duy Trinh và Ban Dân chính thôn Chiêm Sơn triển khai thực hiện dọc theo tuyến đường quốc lộ 14H đoạn qua địa bàn và đường dẫn vào Di tích Dinh Bà. Cạnh đó, người dân địa phương ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm nhằm tạo ấn tượng với du khách đến trẩy hội. UBND xã Duy Trinh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện theo nội dung, chương trình kế hoạch đã đề ra, chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Lợi - Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội Bà Chiêm Sơn cho biết, năm nay lễ hội được tổ chức với quy mô hoành tráng và lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài từ mùng 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch (tức từ ngày 3 - 5.2.2020) với nhiều hoạt động phong phú như chương trình văn nghệ, tặng quà thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lên đường tòng quân, đấu võ cổ truyền, hội chợ ẩm thực, hô hát bài chòi, đá gà, trưng bày và bán sản vật quê hương gồm tinh dầu chổi, tinh dầu tràm, rượu tằm. Đặc biệt, giải bóng chuyền lần này hứa hẹn mang đến cho du khách những pha bóng hấp dẫn khi có sự tham gia tranh tài của những vận động viên chuyên nghiệp ở trong và ngoài tỉnh, giải sẽ khai mạc vào sáng mùng 10 tháng Giêng.
Ông Lợi chia sẻ: “Lễ hội Bà Chiêm Sơn là một loại hình văn hóa tâm linh của cộng đồng làng xã ở xứ Quảng nói chung, huyện Duy Xuyên nói riêng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hóa hằn sâu trong tâm thức, trong nếp nghĩ của người dân. Đồng thời gửi gắm những ước vọng về một năm mới an lành, yên bình, no đủ. Thông qua lễ hội này, sự đoàn kết gắn bó của người dân cộng đồng làng xã thêm thắm thiết hơn, từ đó chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển đi lên”.
Theo ông Nguyễn Công Lợi, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội truyền thống Bà Chiêm Sơn năm 2020 đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ du khách thập phương. Qua đó, góp phần thiết thực giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người nơi đây cũng như giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông.