Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014 sẽ diễn ra từ ngày 2 - 4.6 tới. Với nhiều điểm mới, kỳ thi năm nay đòi hỏi ngành GD-ĐT và các ngành chức năng quan tâm chuẩn bị chu đáo với mục tiêu đảm bảo cho kỳ vượt “vũ môn” của các thí sinh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Tạo thuận lợi cho thí sinh
Theo quy chế thi tốt nghiệp năm học 2013 - 2014, các địa phương chịu trách nhiệm thành lập hội đồng coi thi (HĐCT) trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của thí sinh (TS). Không bố trí HĐCT riêng cho TS giáo dục thường xuyên mà bố trí thi chung với TS THPT trong địa bàn huyện, thành phố nhưng phải có phòng thi riêng cho mỗi loại hình. Tương tự, đối với HĐCT liên trường THPT thì cũng không được xếp chung TS của các trường với nhau. Thực hiện quy chế đó và trên cơ sở đề xuất của các trường THPT, Sở GD-ĐT đã thành lập 55 HĐCT; trong đó 2 HĐCT ghép trường THPT (gồm THPT tư thục Hoàng Sa ghép với Lương Thế Vinh - Điện Bàn, THPT tư thục Phạm Văn Đồng ghép với Nguyễn Văn Cừ - Quế Sơn), 11 HĐCT ghép trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, 42 HĐCT độc lập trường THPT. Do số lượng TS dự thi đông nên ngoài các trường THPT, có 6 trường THCS ở các huyện, thành phố được bố trí làm HĐCT. Riêng trường THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ) do không đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất nên phải mượn Trường THCS Lý Tự Trọng làm HĐCT. Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp năm nay 2 trường THPT lần đầu tiên có TS tham dự là THPT Hùng Vương (Thăng Bình) và THPT Nguyễn Văn Trỗi (Nam Giang). Như vậy có thể thấy, việc tổ chức các HĐCT ngay tại trường THPT hoặc các trường THCS lân cận giúp học sinh (HS) thuận lợi trong việc đi lại. Theo Sở GD-ĐT, đến nay tất cả trường học được chọn để sử dụng làm HĐCT đều đã được các đơn vị, ngành chức năng kiểm tra đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất như phòng thi, bàn ghế, tường rào cổng ngõ, điện thắp sáng, quạt…, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Quế Sơn).Ảnh: X.PHÚ |
Đổi mới công tác thi cử và cũng để tạo điều kiện cho HS phát huy khả năng của mình, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các TS được quyền tự chọn môn thi ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Văn. Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT về số lượng TS đăng ký dự thi, 2 môn Lý và Hóa được HS chọn lựa nhiều nhất. Trong khi đó, tiếng Anh và nhất là môn Sử lại không được TS “mặn mà”. Cụ thể, trong tổng số 20.643 TS dự thi năm nay (kể cả khối giáo dục thường xuyên) thì đông nhất là môn Lý 10.694, Hóa 10.272, tiếp theo là Sinh 8.838, Địa 7.325, tiếng Anh 2.893 và xếp cuối cùng là Sử với 1.264 TS đăng ký. Riêng đối với các trường THPT, trong số 19.975 TS dự thi thì môn Sử càng ít hơn với 778 em chọn lựa để đặt niềm tin. Đáng chú ý, có tới 12 trường học không có HS nào chọn thi môn Sử và 7 trường chỉ vỏn vẹn 1 - 2 TS đăng ký. Khác với các trường THPT ở các huyện đồng bằng, thành phố phần lớn chọn Lý và Hóa, hầu hết học sinh các trường THPT miền núi đều chọn 2 môn Địa và Sinh.
Tích cực ôn luyện
Lịch thi và thời gian làm bài Ngày 2.6: sáng môn Văn (thời gian làm bài 120 phút), chiều môn Lý (60 phút) và Sử (90 phút). Ngày 3.6: sáng môn Toán (120 phút), chiều môn Hóa (60 phút) và Địa (90 phút). Ngày 4.6: sáng môn tiếng Anh (60 phút) và Sinh (60 phút). Thời gian bắt đầu làm bài buổi sáng môn 1 là 8 giờ, môn 2 là 10 giờ 40; buổi chiều môn 1 là 13 giờ 45, môn 2 là 16 giờ. |
Cũng như mọi năm, việc ôn tập cho HS dự thi tốt nghiệp năm nay được các trường triển khai thực hiện khá sớm, nhất là 2 môn trọng điểm Toán và Văn. Đặc biệt, ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi tốt nghiệp, trong đó lần đầu tiên TS được tự chọn 2 môn thi bên cạnh 2 môn bắt buộc, công việc ôn thi được các trường tiến hành khẩn trương hơn. Thầy Nguyễn Cư - Hiệu trưởng Trường THPT Duy Tân (Tam Kỳ) cho biết, do chất lượng của trường khá thấp nên ngay từ đầu năm nhà trường đã tổ chức phụ đạo cho HS ở 4 môn là Toán, Văn, Lý và tiếng Anh. Khi có phương án thi tốt nghiệp, trường tổ chức thêm các môn tự chọn cho đến ngày 21.5 mới kết thúc ôn thi tốt nghiệp. Tương tự, Trường THPT Hà Huy Tập cũng đã tổ chức ôn tập từ đầu tháng 3, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp. Ngoài thời lượng 8 tiết/tuần đối với môn Toán, Văn, 6 tiết/tuần với các môn còn lại, trường còn liên tục thực hiện việc kiểm tra kiến thức HS qua các bài kiểm tra. Trong khi đó, theo Hiệu trưởng Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc) Nguyễn Khắc Thám, dù có phần lúng túng trong việc ôn tập cho HS ở các môn thay đổi nội dung thi nhưng không vì thế mà việc ôn luyện cho học trò bị chậm trễ. Một số trường còn tổ chức các buổi thi thử nhằm giúp các em làm quen với các dạng đề thi, đồng thời tạo tâm lý tự tin để chuẩn bị bước vào kỳ thi chính thức.
Một trong những khó khăn cho các trường năm nay là việc tổ chức ôn tập. Trước đây, nhà trường chỉ dạy 6 môn cho HS, còn năm nay dù số lượng môn thi tốt nghiệp rút xuống 4 môn nhưng số môn ôn tập lại tăng lên thành 8 (vì ngoài 2 môn Toán, Văn còn có 6 môn tự chọn). Điều này đòi hỏi nhà trường phải bố trí nhiều giáo viên và dạy nhiều buổi hơn. Đó là chưa kể, mỗi môn có số lượng HS khác nhau, thậm chí có môn ở một số trường chỉ có vài em đăng ký khiến cho việc sắp xếp lớp, phân công giáo viên giảng dạy gặp nhiều cản ngại. Tuy nhiên, theo hiệu trưởng các trường THPT, dù có phần vất vả nhưng với mục tiêu giúp HS vượt “vũ môn” thành công, tất cả thầy cô giáo đều nỗ lực giảng dạy có chất lượng.
XUÂN PHÚ