(QNO) - Hội An những ngày sau tết vốn yên bình bỗng xôn xao với những thông tin dịch Covid-19 từ khắp nơi dồn dập đổ về. Một cuộc “sang chấn” nặng nề lan đi không chỉ với người dân phố cổ vốn chân tình thuần hậu, mà gây ra cho không biết bao nhiêu phận người, phận đời vốn không quen với bão dông nghiệt ngã. May thay, có những tấm lòng bao dung, vì đời. Họ đã làm dịu đi biết bao âu lo khi cơn đại dịch còn hoành hành.
1. Biết tình trạng thất bát của người dân trồng dưa, Nguyễn Trí Minh và các bạn của mình tìm cách đưa nguồn dưa về bán tại Hội An. Người dân phố được tin kéo đến mua ủng hộ, hàng chục tấn dưa của bà con tưởng chừng như phải đổ đi đã được tiêu thụ trong vài ngày một cách ngoạn mục.
Không dừng ở đó, kể từ khi chính quyền Hội An bắt đầu khởi động các phương án chống dịch bênh lây lan, Minh đang là giám đốc Công ty Vận tải Minh Travel đã cùng các tài xế của mình tình nguyện mang xe tham gia vào đội vận chuyển những du khách thuộc diện phải cách ly tập trung của thành phố.
Gặp Minh lúc nào cũng thấy anh xoay như chong chóng, hết lái xe lại đi phát cơm từ thiện, rồi lại cũng đồng đội của mình phát lương thực, thực phẩm cho bà con lao động phổ thông đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh đang kéo dài. Đồng hành cùng với Minh là rất nhiều mạnh thường quân tại Hội An, đã góp sức cùng anh cho đến lúc này. Lý do với anh khá đơn giản: “Tôi làm những việc này là tự nguyện, nó xuất phát từ lòng yêu thương của một người con sinh ra tại Hội An đối với mảnh đất này”.
2. Lê Văn Chương là một MC đám cưới, lễ hội. Khi dịch bắt đầu bùng phát, khẩu trang và nước rửa tay kháng khuẩn trở thành mặt hàng khan hiếm, bị đẩy giá lên liên tục. Như những người khác, Chương đi mua khẩu trang và nước kháng khuẩn cho mình và gia đình.
Nhận thấy giá các mặt hàng này đang bị đẩy lên gấp nhiều lần. Chương dùng mọi cách quen biết để mua về tích trữ được một lượng lớn khẩu trang và nước kháng khuẩn. Tuy nhiên anh mua không phải để kinh doanh, trong những ngày hoang mang vì khẩu trang khan hiếm lại đội giá, trang Facebook của Chương luôn sáng đèn với nội dung phát khẩu trang “miễn phí”.
Rồi lại sợ những thông tin trên Facebook không đến được với những người nghèo, do đặc thù công việc là giới dễ bị lây nhiễm nhất, Chương và những người bạn ngày đêm xuống phố phát khẩu trang và nước kháng khuẩn đến tận tay những người đang mưu sinh trên hè phố.
Càng tiếp xúc Chương càng thấy cảm thông với những khó khăn đang chực chờ họ ở phía trước khi dịch bệnh kéo dài. Anh lại tìm nguồn mua mì ăn liền, mua gạo, thậm chí mua cả gà đã sơ chế về phát trực tiếp cho bà con lao động nghèo. Trần Đăng Khoa và những người bạn của Chương khi được tin cũng xúm vào động viên, góp sức cùng với với anh trong những công việc thiện nguyện.
Giờ đây Chương lại tất tả đi tìm nguồn hàng để có thể trợ giúp bà con nghèo cho tới lúc nào khả năng cá nhân còn có thể.
3. Không nhiều người biết rằng những tấm poster hướng dẫn những kỹ năng phòng dịch với hình ảnh Chùa Cầu - Hội An bịt khẩu trang và slogan “Chung tay cùng Hội An phòng chống Covid-19” và “Việt Nam quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, đang lưu hành trên mạng xã hội là của anh chàng bán cơm tấm Đỗ Thành Trung sáng tác.
Không chỉ vậy, hàng ngày Trung trích một ít từ thu nhập bán cơm tấm của mình để làm nên những xuất cơm tấm đầy dinh dưỡng, với ý tưởng ban đầu là hỗ trợ cho các bác sĩ, tình nguyện viên đang tham gia phòng chống dịch bệnh.
Được vài ngày, Trung nhận thấy sự hỗ trợ cho những bệnh nhân đang phải nằm viện trong mùa dịch này là cần thiết hơn nên anh chuyển sang phát cơm tấm miễn phí cho bệnh nhân tại bệnh viện và các trung tâm y tế tại Hội An cho đến nay.
Đồng hành với Trung còn có những anh chị như anh Thanh từ nhóm Ong Vàng, chủ tiệm vàng Kim Hồng Phúc và những người bạn của Trung.
Khi biết được việc làm của Trung nhiều người phố Hội đã chung tay góp tiền, thực phẩm để giúp Trung có thể tiếp tục công việc. Thậm chí có người còn cho cả… diều, như anh khoe: “Ai cho chi em nhận nấy, như vừa rồi có người cho cả tám chục con diều, bán được hơn triệu sáu, có thêm chi phí thêm vô để nấu cơm. Em làm những việc ni chỉ vì thấy nó thôi thúc mình làm thôi, chỉ chia sẻ chút ít yêu thương thôi chớ đâu có gì lớn lao”.
4. Hội An là thành phố du lịch, du khách bốn phương hàng ngày nườm nượp đổ về, khả năng lây nhiễm là rất cao, nên từ ban đầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại Hội An đã tập trung theo dõi sát sao nguồn có khả năng phát tán dịch bệnh này. Để hỗ trợ trong việc giao tiếp với du khách nước ngoài tất nhiên không thể thiếu đội ngũ thông dịch viên, vậy là các nhân viên của Văn phòng Hướng dẫn tham quan Hội An được điều đến các điểm cách ly tập trung để nhận nhiệm vụ.
Thoạt tiên, những cô gái phiên dịch như Lê Thị Phương Ánh, Hồ Phương Uyên, Nguyễn Thị Thủy, Trần Thanh Nga, Phạm Chi Nhi và nhiều bạn khác đều nhận nhiệm vụ trong tinh thần hoang mang pha lẫn sợ hãi, thậm chí trên đường đi có bạn còn khóc đến nỗi nước mắt ướt đẫm khẩu trang. Thế nhưng khi tiếp xúc với những du khách bị cách ly, thấy được hoàn cảnh trớ trêu của họ, các bạn hầu như quên đi nỗi sợ hãi để lao vào công việc khi cảm nhận ra rằng những người đó cũng như người thân thiết, ruột thịt của mình vậy.
Thất vọng về một chuyến du lịch đầy trắc trở lại thêm bất đồng ngôn ngữ giữa đất khách quê người, nhiều du khách đã bất bình phản ứng khi bị cách ly, nhiều người khác hoang mang sợ hãi đến phát khóc. Thấu hiểu được tâm trạng của họ, bằng mọi cách các bạn chia nhau động viên an ủi, vỗ về, đôi khi còn pha trò để giúp họ vượt qua những sợ hãi và cùng cộng tác trong thời gian cách ly, chờ kết quả.
Mỗi kết quả âm tính được gửi về hàng ngày, mỗi đợt cách ly đi qua là những nỗi vui mừng không thể đong đếm được của những người trong cuộc. Sau cuộc hợp tan bất ngờ họ lại nói lời chia tay, hẹn nhau sẽ có ngày tái ngộ, trong thấm đẫm yêu thương những giọt nước mắt của các cô gái phiên dịch lại rơi xuống thêm lần nữa nhưng rơi trong những hạnh phúc tràn đầy.
.........
Và hạnh phúc là gì nếu không phải là sự san sẻ yêu thương và được đón nhận những yêu thương đó từ tha nhân. Những công việc tưởng chừng như nho nhỏ của họ gợi nhớ đến một ý được in trên hộp cơm tấm của Đỗ Thành Trung “Dịch bệnh rồi sẽ qua đi nhưng tình người vẫn còn mãi mãi”.