(QNO) - Nhà khởi nghiệp Nzambi Matee (30 tuổi) tại Kenya đang góp phần giải quyết tình trạng quá tải rác thải nhựa - một vấn đề của toàn cầu.
Ô nhiễm nhựa là mối đe dọa lớn đối với môi trường và hệ sinh thái, cộng đồng và sinh kế. Trên khắp châu Phi, ô nhiễm nhựa vẫn là một vấn đề nghiêm trọng.
Tại Kenya, năm 2017 đã cấm sử dụng túi ni lông. Với dân số gần 54 triệu người, Kenya sản xuất hàng nghìn tấn chất thải rắn mỗi ngày.
Riêng tại thủ đô Nairobi của Kenya - một trong những thủ đô phát triển nhanh nhất của châu Phi, có khoảng 500 tấn rác nhựa mỗi ngày, nhưng chưa đầy 10% của số này được tái chế.
Nhà khoa học vật liệu Nzambi Matee tận dụng nguồn nguyên liệu thô "dồi dào" này và thành lập công ty khởi nghiệp Gjenge Makers vào năm 2017 trong lĩnh vực tái chế.
Tại nhà máy tái chế Gjenge Makers ở Nairobi, rác nhựa được tập kết, nghiền nát, trộn với cát, nung nóng ở nhiệt độ cao và đúc thành những viên gạch lát cứng.
Nhà sáng lập Nzambi Matee nói: "Những viên gạch này là sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng có độ bền cao gấp 2-7 lần so với bê tông, nhẹ chỉ bằng một nửa và có giá thành rẻ hơn 15% so với vật liệu xây dựng cùng loại".
Nhựa có bản chất là dạng sợi, và quy trình sản xuất độc đáo ngăn không cho hình thành các túi khí bên trong viên gạch. Điều này dẫn đến cường độ nén lớn hơn so với các loại đá lát thông thường bị nứt dưới tác động của lực nặng hoặc thời tiết kéo dài.
Sản phẩm của nhà máy Gjenge Makers hiện được sử dụng lát đường đi, vỉa hè và có thể làm vật liệu cho nhà ở...
Sản phẩm được bán với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo độ dày và màu sắc. Ví dụ, những viên gạch màu xám thông thường của Gjenge Makers có giá 850 shilling Kenya (7,7 USD) cho mỗi mét vuông.
Theo Nzambi Matee, càng nhiều nhựa được tái chế, thì càng có nhiều con đường cho nhà ở giá rẻ. Điều này cũng sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Mỗi ngày, nhà máy Gjenge Makers sản xuất được 1.500 - 2.000 viên gạch làm từ nhựa công nghiệp và nhựa gia dụng phế phẩm, nếu không sẽ bị đổ vào các đống rác tràn của thành phố.
Trước khi khởi nghiệp với Gjenge Makers, Nzambi Matee bỏ công việc trong lĩnh vực dầu khí để nghiên cứu về tái chế, góp phần giảm ô nhiễm nhựa tại Kenya.
Vào năm 2021, nhà máy Gjenge Makers tái chế 50 tấn nhựa và nhà sáng lập Nzambi Matee hy vọng sẽ tăng gấp đôi số lượng trong năm nay khi mở rộng sản xuất.
Không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, Gjenge Makers còn tạo ra hơn 100 việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Tuy nhiên, Nzambi Matee nói: "Còn nhiều điều có thể làm được, còn nhiều điều cần phải làm. Chúng tôi chỉ là một giọt nước nhỏ trong đại dương... Nhưng những giọt nước nhỏ sẽ tạo nên hiệu ứng lớn".