Việc ứng dụng công nghệ sản xuất giá thể sạch từ phế phụ phẩm nông nghiệp phục vụ trồng dưa lưới hay một số loại rau củ quả là hướng đi triển vọng. Đây là thành quả từ đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giá thể hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất dưa lưới trong nhà màng tại Quảng Nam”.
Tận dụng nguồn phế phẩm
Tại Quảng Nam, lượng phế phụ phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp rất dồi dào, ước tính có hàng trăm tấn mỗi năm. Các loại phế phẩm nông nghiệp như bã thải từ rơm làm nấm, mùn cưa, trấu... vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí nguồn nguyên liệu hữu cơ nếu không được tận dụng.
Theo kỹ sư Huỳnh Hữu Thắng (Trung tâm KH&CN Quảng Nam), hiện có 7/22 xã, thị trấn tại Thăng Bình có người dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng nấm, tập trung nhiều ở xã Bình Tú (20 hộ) và Bình Trị (100 hộ).
Tổng lượng rơm sử dụng cho hoạt động nuôi trồng nấm rơm ở 2 xã này khoảng hơn 6.000 tấn/năm, thải ra khoảng 4.500 tấn bã thải. Việc tạo nguồn giá thể sạch từ bã thải trồng nấm phục vụ trồng dưa lưới an toàn trong nhà lưới giúp tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Giai đoạn 2020 - 2021, từ sự chuyển giao công nghệ của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) với 2 quy trình công nghệ gồm: quy trình kỹ thuật sản xuất giá thể hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp và quy trình kỹ thuật sử dụng giá thể hữu cơ để trồng dưa lưới trong nhà màng, các cán bộ kỹ thuật Trung tâm KH&CN Quảng Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giá thể sạch.
Nguyên liệu sản xuất giá thể hữu cơ là bã thải từ hoạt động nuôi trồng nấm, phân chuồng, trấu, vôi, phân lân, kali, chế phẩm men ủ FBP, đường cát, cám gạo, khoáng, NPK. Toàn bộ nguồn giá thể sản xuất được qua 2 đợt là 9 tấn, phục vụ mô hình trồng dưa lưới thực nghiệm bằng giá thể hữu cơ sạch được triển khai trên diện tích 300m2 tại Phú Ninh (75m2 bố trí cho mô hình đối chứng).
Kỹ sư Huỳnh Hữu Thắng cho biết, đợt 1, đề tài đã sản xuất được 4,5 tấn giá thể hữu cơ, phục vụ cho 4 công thức thí nghiệm trồng dưa lưới để tìm ra công thức giá thể tối ưu nhất phù hợp với cây dưa lưới.
Đợt 2, đề tài sử dụng một công thức trồng dưa tốt nhất của vụ sản xuất thứ nhất cùng mô hình trồng dưa đối chứng (sử dụng giá thể sẵn có của Viện Công nghệ sinh học).
Ở 2 vụ trồng, cây dưa lưới được trồng trên giá thể hữu cơ được tạo ra từ bã thải trồng nấm và được trồng trong màng sinh trưởng mạnh, ít bị sâu hại tấn công và bệnh hại nhiễm ở mức độ thấp hơn so với mô hình đối chứng. Cây dưa lưới từ khi trồng tới thu hoạch trong vòng 80 - 85 ngày.
Ở vụ sản xuất thứ 2, mô hình thí nghiệm có năng suất thực thu là 26,4 tấn/ha, cao hơn so với mô hình đối chứng là 24,5 tấn/ha. Mật độ trồng dưa lưới thực tế nên duy trì là 25.000 cây/ha. Giá thể hữu cơ tạo ra từ bã thải nấm ở mô hình thí nghiệm giàu dinh dưỡng, có khả năng hấp thu dinh dưỡng, tơi xốp, giữ nước cho cây dưa lưới trong bầu giá thể.
Chuẩn hóa quy trình sản xuất
Ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho rằng, kỹ thuật trồng dưa lưới bằng giá thể sạch cho hiệu quả thiết thực. Từ nghiên cứu và mô hình sản xuất thực tiễn, nhóm nghiên cứu nên có quy trình hướng dẫn về kỹ thuật làm giá thể, làm đất, kích cỡ bầu, phương pháp gieo ươm, kỹ thuật trồng dưa, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, thu hoạch, bảo quản... để làm cơ sở khuyến cáo khoa học, có thể nhân rộng mô hình ra các địa phương.
Th.S Bùi Ngọc Huy (Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP.Tam Kỳ) chia sẻ, cái được của đề tài là đã nghiên cứu, tạo giá thể sạch để trồng cây dưa lưới mang tính bền vững. Tuy nhiên, cần tiếp tục khảo sát, đánh giá hiệu quả giá thể nghiên cứu so với giá thể trồng dưa lưới ở Việt Nam (ở Đà Lạt, giá thể Trang Nông) hay được nhập về từ Đức. Cần so sánh hiệu quả kinh tế của các loại giá thể đề tài sản xuất và giá thể nhập về, cái nào rẻ hơn, tốt hơn, nhà nông áp dụng sẽ có lợi gì.
Được biết, qua đánh giá, hàm lượng các chỉ tiêu về an toàn trong các mẫu giá thể hữu cơ - sản phẩm từ đề tài sau khi ủ đều nằm trong giới hạn cho phép; hàm lượng các chỉ tiêu về chất lượng trong các mẫu giá thể hữu cơ sau khi ủ đều đạt chất lượng, đạt tiêu chuẩn quy định về chất hữu cơ sử dụng cho cây trồng của Bộ NN&PTNT. Đề tài đã thiết kế bao bì, nhãn mác và tạo nhãn hiệu cho chế phẩm, được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký giá thể hữu cơ (HC-QNA).
Bà Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, Sở KH&CN sẽ chủ trì, tiếp tục có hướng đánh giá nghiên cứu giá thể sản xuất được trên cây dâu tây chịu nhiệt và cây cà chua bi, để đánh giá, rút kinh nghiệm thực tiễn, nếu thành công sẽ nhân rộng ra các địa phương.
Đề tài cần tiếp tục hoàn thiện, đưa ra khuyến cáo kỹ thuật cho các địa phương sử dụng giá thể sạch hữu cơ trong trồng cây ăn quả sạch, rau củ quả sạch. Các yếu tố như giá thành sản phẩm, hiệu quả kinh tế cần được làm rõ khi hướng tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu.