Đề tài sản xuất nấm bằng hệ thống tự động quản lý nhiệt độ đầu tiên ở xã miền núi Tam Trà (Núi Thành) bước đầu thành công và đang được đúc kết để nhân rộng ra các địa phương khác.
Mô hình nấm của ông Nguyễn Kim Hải ở xã Tam Trà. Ảnh: Văn Phin |
Nhiều ưu điểm
Với điều kiện khí hậu thuận lợi, tháng 4 đến tháng 6.1018, Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành đã thực hiện đề tài sản xuất nấm bằng hệ thống tự động quản lý nhiệt độ tại khu vườn ông Nguyễn Kim Hải (xã Tam Trà). Đề tài do kỹ sư Bùi Văn Gát làm chủ nhiệm với mục tiêu sản xuất 4 loại nấm: linh chi, nấm mèo, bào ngư và nấm rơm. Hộ gia đình ông Nguyễn Kim Hải làm nhà trại, giàn kệ và được Hội đồng khoa học và công nghệ huyện Núi Thành hỗ trợ kỹ thuật, giống nấm và hệ thống tự động quản lý nhiệt độ phục vụ sản xuất nấm. Kỹ sư Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành kiêm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện chia sẻ: “Đây là hệ thống điều khiển tự động dễ sử dụng, chế độ điều khiển linh hoạt bằng tay tại tủ điều khiển và tự động tại màn hình. Người dùng có thể cài đặt các thông số nhiệt độ, ẩm độ theo yêu cầu, thời gian hoạt động của thiết bị để tiết kiệm điện năng”.
Qua triển khai thực tế, hệ thống này đã giúp giảm công lao động, hạn chế việc ra vào trại nấm, giảm nguy cơ lây nhiễm từ môi trường bên ngoài. Đối với một số loại nấm trong từng giai đoạn phát triển như nấm mèo ở giai đoạn chờ dày tai nấm, nấm linh chi trong giai đoạn tạo bào tử…người sản xuất có thể linh hoạt tắt hệ thống phun sương ngừng cung cấp nước theo yêu cầu thực tế của sản xuất. Kết quả qua thu hoạch đề tài sản xuất nấm bằng hệ thống tự động quản lý nhiệt độ tại hộ anh Nguyễn Kim Hải đến thời điểm này đạt 75kg nấm linh chi (giá bán 500 nghìn đồng/kg); 1.500kg bào ngư (giá 50 nghìn đồng/kg); 300kg nấm mèo (giá 70 nghìn đồng/kg). Tổng doanh thu từ đề tài (chưa kể nấm rơm) là 133,5 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 43 triệu đồng. Ông Nguyễn Kim Hải phân tích: “Sản xuất nấm bằng hệ thống tự động quản lý nhiệt độ có chi phí điện năng không cao, lại giảm công lao động, chỉ còn lại chủ yếu là công vận chuyển, sắp xếp phôi nấm vào trại và thu hoạch sản phẩm nấm. Với mức lợi nhuận 42,89 triệu đồng/chu kỳ, mỗi năm có thể sản xuất ít nhất 3 vụ nấm, lợi nhuận có thể đạt được 128,67 triệu đồng”.
Khắc phục hạn chế
Được biết, hiện tại lượng nấm làm ra từ đề tài này chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, chưa phát triển ra các thị trường khác. Bên cạnh đó, hộ thực hiện đề tài chưa đưa vào sản xuất số lượng phôi nấm đủ theo công suất thiết kế của nhà trại. Hệ thống điều khiển tự động quản lý nhiệt độ phục vụ sản xuất nấm chưa có hệ thống điều khiển từ xa qua điện thoại hoặc smartphone... Về lâu dài, theo kỹ sư Bùi Văn Gát, nông hộ có thể sử dụng phế thải mùn cưa sau khi thu hoạch các loại nấm để tái sản xuất nấm rơm nhằm giảm chi phí đầu tư nguyên liệu đầu vào; sản xuất các loại nấm nhiệt đới trong mùa mưa để bán với giá cao. Từ đó tăng hiệu quả kinh tế quá trình sản xuất nấm trong đề tài. Đặc biệt, hiệu quả từ sản xuất nấm rơm được xem rất lớn nhờ tận dụng mùn cưa phế thải, không phải tốn nguyên liệu đầu vào. Dự kiến năng suất nấm rơm trong đề tài có thể đạt 495kg/năm, bán với giá 80 nghìn đồng/kg, doanh thu 39,6 triệu đồng/năm. Như vậy, theo tính toán, đề tài sản xuất nấm có sử dụng hệ thống tự động quản lý nhiệt độ thực hiện tại hộ ông Nguyễn Kim Hải (xã Tam Trà) có tổng doanh thu (kể cả nấm rơm) là 168 triệu đồng/năm; tổng chi phí mua thiết bị máy móc và xây dựng nhà trại là 579,49 triệu đồng, nếu khấu hao 20% trong 5 năm (115 triệu đồng/năm), còn lãi được 53,27 triệu đồng/năm.
Kỹ sư Bùi Văn Gát nhận xét: “Đề tài sản xuất nấm đã áp dụng thành công hệ thống tự động quản lý nhiệt độ, ẩm độ trong nhà trồng nấm tại hộ ông Nguyễn Kim Hải (xã Tam Trà). Hệ thống dễ sử dụng, có thể điều khiển ở nhiều chế độ, cho phép người dùng hiệu chỉnh thông số môi trường theo yêu cầu, bước đầu sản xuất nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi tiếp tục sản xuất, theo dõi tính ổn định của hệ thống, đặc biệt trong điều kiện mùa mưa tại Núi Thành, tận dụng phế thải mùn cưa để sản xuất thêm nấm rơm. Qua đó tiếp tục đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình làm cơ sở nhân rộng ra các địa phương khác”.
VĂN PHIN