Thời gian qua, Quảng Nam đã xây dựng nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và quy hoạch nhiều khu chăn nuôi tập trung nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn để cùng nông dân liên kết sản xuất.
Cơ chế 33 của tỉnh đã tiếp sức cho những hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân đẩy mạnh việc cơ giới hóa các khâu sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ |
Nhiều cánh đồng mẫu
Ông Trần Công Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phước (Điện Bàn) cho biết, trên địa bàn xã có 520ha đất lúa. Những năm qua, chính quyền địa phương tập trung dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xây dựng hạ tầng thiết yếu để hình thành các mô hình cánh đồng mẫu nhằm tạo tiền đề cho việc liên kết sản xuất hàng hóa. Từ năm 2011 đến nay Điện Phước đã DĐĐT được 225ha đất lúa tại các thôn La Hòa, Nông Sơn 1, Hạ Nông Nam, Hạ Nông Trung, Hạ Nông Tây, Hạ Nông Đông. Sau khi đồng ruộng được cải tạo, bằng nhiều nguồn vốn huy động, địa phương đã đầu tư xấp xỉ 20 tỷ đồng bê tông hóa 15km trục chính giao thông nội đồng và kiên cố hóa 9km kênh mương tại các thôn để hình thành 6 cánh đồng mẫu với diện tích bình quân mỗi mô hình từ 30 - 45ha. “Hiện nay, xã đang hoàn tất các thủ tục để sau khi thu hoạch vụ hè thu 2018 là tiếp tục DĐĐT 35ha đất lúa tại thôn Nhị Dinh 1 và Nhị Dinh 2 nhằm xây dựng thêm 2 cánh đồng mẫu lớn” - ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, tại 20 xã, phường của thị xã có tổng cộng 5.600ha đất lúa. Thực hiện Quyết định số 23/QĐ-UBND (ngày 5.8.2011) và Quyết định số 38/QĐ-UBND (ngày 17.12.2015) của UBND tỉnh, thời gian qua UBND thị xã Điện Bàn đã chi 7 tỷ đồng hỗ trợ chính quyền và nhân dân các xã, phường tiến hành DĐĐT 1.000ha đất lúa. Cùng với đó, Điện Bàn nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa hàng loạt công trình thủy lợi trọng yếu và bê tông hóa hệ thống giao thông nội đồng nhằm tạo điều kiện cho các địa phương hình thành những mô hình cánh đồng mẫu lớn để liên kết với những doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa, lúa thương phẩm chất lượng cao theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. Ông Chơi nói: “Đến thời điểm này, trong số 1.000ha đất lúa thực hiện xong công tác DĐĐT, Điện Bàn đã xây dựng được 15 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 650ha, bình quân 1 mô hình từ 35 - 50ha”.
Không riêng Điện Bàn, thời gian qua công tác DĐĐT cũng được triển khai tại nhiều nơi khác của tỉnh. Ông Bùi Quốc Hiền - chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn cho hay, từ năm 2011 - 2017 Quảng Nam tiếp tục DĐĐT 5.577ha đất nông nghiệp ở 229 thôn của 67 xã thuộc 9 địa phương gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Nông Sơn, Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành. Như vậy, lũy kế từ trước đến nay toàn tỉnh đã DĐĐT được 18.455ha đất canh tác, trong đó chủ yếu là đất lúa. Nhìn chung, tại những vùng hoàn thành khâu DĐĐT, tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán đã cơ bản được giải quyết. Nếu trước đây bình quân mỗi hộ có 6 - 7 thửa ruộng thì nay giảm xuống còn 2 - 3 thửa và diện tích mỗi thửa tăng từ 300 - 500m2 lên 800 - 1.100m2.
Sau khi DĐĐT, các địa phương đã tiến hành cứng hóa gần 360km trục chính giao thông nội đồng và kiên cố hóa 467km kênh mương với tổng giá trị đầu tư hơn 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ xấp xỉ 21 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Nam hình thành hàng trăm mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật có quy mô vừa và lớn với tổng diện tích lên đến 10.000ha. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy liên kết sản xuất hàng hóa theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm…
Đẩy mạnh cơ giới hóa
Cách đây 5 năm ông Nguyễn Thanh Sơn ở thôn Đông Yên (Duy Trinh, Duy Xuyên) quyết định đầu tư hơn 180 triệu đồng mua 1 chiếc máy gặt đập liên hợp về làm dịch vụ cắt thuê và phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình. Thực hiện Quyết định số 33/QĐ-UBND (ngày 17.11.2011) của UBND tỉnh về hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp, các đơn vị liên quan ở huyện Duy Xuyên cùng chính quyền xã Duy Trinh tích cực hướng dẫn ông Sơn hoàn tất thủ tục cần thiết và sau đó được giải ngân gần 40 triệu đồng hỗ trợ theo cơ chế này. Ông Sơn chia sẻ: “Từ ngày có chiếc máy gặt đập liên hợp, không chỉ ruộng lúa của gia đình tôi được thu hoạch nhanh gọn mà bình quân mỗi vụ tôi còn thu về không dưới 20 triệu đồng từ dịch vụ cắt thuê”. Ông Nguyễn Văn Ngọc - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, thực hiện cơ chế 33 của UBND tỉnh, những năm qua địa phương đã giải ngân gần 4,7 tỷ đồng hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân trên địa bàn để có điều kiện mua sắm thêm 78 chiếc máy cày loại lớn, 65 chiếc máy gặt đập liên hợp, 1 máy sấy. Nhờ vậy, hiện nay tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất của Duy Xuyên đạt 70% và khâu thu hoạch đạt 80%.
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, cơ chế 33 của tỉnh là một động lực hết sức quan trọng giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ cá thể ở nhiều địa phương có điều kiện đầu tư mua sắm những loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp nhà nông giải phóng sức lao động, giảm một phần chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Theo tìm hiểu, thực hiện cơ chế 33, những năm qua ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình gần 52,2 tỷ đồng. Cùng với đó, các đối tượng được hỗ trợ đã huy động thêm khoảng 160 - 200 tỷ đồng để mua sắm 2.014 máy móc các loại, gồm 697 máy gặt đập liên hợp, 847 máy cày 4 bánh, 455 máy cày loại nhỏ, 8 máy sấy. Nhờ vậy, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp tăng lên đáng kể. Nếu năm 2008 tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất của tỉnh chỉ đạt 63% thì nay tăng lên hơn 80%, trong khi đó nếu cách đây 10 năm tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch của tỉnh chỉ đạt 45% thì bây giờ đã tăng lên 90%...
Chăn nuôi tập trung
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, những năm gần đây các mô hình chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều ở địa phương. Thống kê cho thấy, ngoài hàng trăm gia trại, tính đến thời điểm này toàn thị xã có 63 trang trại chăn nuôi heo thịt, gà đẻ trứng, gà thịt, gà giống, chim cút… đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 27 (ngày 13.4.2011) của Bộ NN&PTNT. Theo ông Chơi, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh việc liên kết phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, thời gian qua chính quyền thị xã Điện Bàn đã tiến hành quy hoạch 31 cụm chăn nuôi tập trung với tổng diện tích gần 124ha.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho hay, với mục tiêu giảm dần loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, tăng dần tỷ trọng của loại hình chăn nuôi tập trung và an toàn dịch bệnh, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn từ năm 2017 - 2025 và định hướng tới năm 2030. Ông Hoàng nói: “Theo đề án được phê duyệt, những năm tới Quảng Nam sẽ tiếp tục hình thành 38 khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích gần 1.330ha. Trong đó có 7 khu chăn nuôi gà với diện tích hơn 103ha, 10 khu chăn nuôi heo với quy mô 230ha, 21 khu chăn nuôi bò với diện tích 996ha. Cùng với đó, chính quyền cấp huyện cũng sẽ tiến hành quy hoạch và xây dựng 237 khu chăn nuôi tập trung quy mô nhỏ với tổng diện tích 2.536ha. Đây được xem là đòn bẩy cho việc liên kết phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có tính bền vững cao”.
NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH
Bài 2: Hợp tác giải quyết đầu ra nông sản