Mặc dù đã đạt được những thành quả ấn tượng nhưng thực tế cho thấy mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo, bất cập. Muốn phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bền vững, nhất thiết thời gian tới phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc để tạo sự hợp tác mạnh mẽ, vững chắc giữa “2 nhà” này…
|
Ngành chuyên môn cần đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Ảnh: VĂN SỰ |
Nhiều tồn tại
Ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên nhìn nhận, mặc dù Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn – liên kết sản xuất… nhưng thực tế cho thấy cả doanh nghiệp lẫn hợp tác xã (HTX) đều rất khó tiếp cận. Muốn đầu tư vào nông nghiệp, các doanh nghiệp phải bỏ ra nguồn vốn khá lớn nhưng lợi nhuận đạt thấp, đó là chưa nói đến chuyện lĩnh vực này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do thiên tai và dịch bệnh gây ra. Mặt khác, khi doanh nghiệp cần diện tích đất lớn để tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung thì rất khó tích tụ vì vướng phải nhiều quy định, đặc biệt là nhiều hộ dân dù không có nhu cầu sản xuất hoặc canh tác theo kiểu được chăng hay chớ nhưng hầu hết có tâm lý muốn giữ đất, chờ giải tỏa để nhận bồi thường chứ không mặn mà với chuyện cho doanh nghiệp thuê. Ông Ánh chia sẻ thêm: “Một vấn đề đáng nói nữa, khi các HTX đại diện cho nông dân đứng ra ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp thì vào mùa thu hoạch nếu giá cả trên thị trường tăng cao, lập tức người dân gom nông sản bán cho tư thương. Còn khi giá bán sản phẩm rớt, tư thương không thu mua hoặc thu mua cầm chừng thì nhà nông mới tìm đến doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, giai đoạn 2007 - 2009 hằng năm địa phương bố trí 400ha đất chuyên trồng cây bông vải để cung ứng nguyên liệu cho Công ty CP Bông vải miền Trung và lợi nhuận mang lại cho người dân từ hướng sản xuất này là tương đối lớn. Thế nhưng, năm 2010 do đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn, việc kinh doanh thua lỗ trầm trọng khiến doanh nghiệp trên phá sản và kéo theo đó là các vùng nguyên liệu bông vải ở Điện Bàn bị xóa sổ. Cũng trong giai đoạn này, một số HTX nông nghiệp và nông dân nhiều địa phương của Điện Bàn liên kết với một công ty ở Hàn Quốc tổ chức sản xuất 300ha ớt xuất khẩu nhưng sau đó do đầu ra sản phẩm bức bí nên doanh nghiệp này tháo chạy khiến người dân điêu đứng. “Nhìn chung, mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Điện Bàn còn rất nhiều hạn chế. Rõ nhất là một số hợp đồng ký kết hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp với những HTX đại diện cho nông dân vẫn còn hết sức lỏng lẻo, vì thế đã có không ít trường hợp phải kéo nhau ra tòa giải quyết. Mặt khác, hiện nay doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, tính hợp tác trong sản xuất chưa cao. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ nên chưa trở thành động lực thúc đẩy liên kết phát triển. Cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất cũng chưa đáp ứng yêu cầu” - ông Chơi nói thêm.
Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn phân tán nhỏ lẻ, thiếu các loại sản phẩm hàng hóa lớn và đảm bảo chất lượng tốt để cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở các địa phương chưa được điều chỉnh phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành và sát với tình hình thực tế để phát huy thế mạnh của từng vùng. Các loại hình kinh tế hợp tác tuy phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng kinh doanh - dịch vụ còn hạn chế, hiệu quả thấp. Nguồn lực của HTX chưa đáp ứng được nhu cầu hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Ông Nghi nói: “Hiện nay, tại một số nơi nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, tình trạng suy giảm thâm canh biểu hiện khá rõ. Nhiều mô hình canh tác trình diễn mang lại hiệu quả cao nhưng thời gian qua việc nhân ra diện rộng chưa được triển khai mạnh mẽ. Còn trên lĩnh vực chăn nuôi, phần lớn vẫn sản xuất theo quy mô hộ gia đình, chưa có sự liên kết rộng rãi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên khả năng cạnh tranh không cao”.
Tháo điểm nghẽn
Quảng bá thương hiệu sản phẩm để thu hút doanh nghiệp Theo ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian tới phải đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực kinh tế hợp tác. Đồng thời tỉnh cần tích cực hỗ trợ nông dân trong khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Theo ông Muộn, trong xu thế phát triển hiện nay, nhất thiết phải giảm dần quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Quá trình thâm canh cần gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sản xuất. Để thúc đẩy liên kết sản xuất, vấn đề mấu chốt là chính quyền các địa phương cần nỗ lực quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của mình và tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có. |
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho rằng, muốn tháo gỡ khó khăn trong liên kết sản xuất, nhất thiết phải có cơ chế ràng buộc nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân. Cần đẩy mạnh khâu tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật và nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ các HTX để hạn chế sự lỏng lẻo trong việc ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà nước phải tăng cường xúc tiến thương mại trên lĩnh vực nông nghiệp và giảm thiểu các thủ tục đầu tư rườm rà. “Hiện nay, Điện Bàn đã hình thành một số vùng chuyên sản xuất lúa giống hàng hóa nhưng so với tiềm năng, lợi thế thì vẫn chưa tương xứng. Thời gian đến, khi các doanh nghiệp có nhu cầu, địa phương sẵn sàng mở rộng quy mô sản xuất lên hơn 1.000ha không chỉ riêng cây lúa mà cả các loại cây trồng cạn” - ông Chơi chia sẻ.
Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình cho biết, thời gian tới huyện sẽ thực hiện hiệu quả khâu quy hoạch sản xuất nông nghiệp, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành. Theo đó, bên cạnh việc quy hoạch xây dựng những vùng sản xuất hạt giống lúa thuần với tổng diện tích 300ha và các vùng sản xuất hạt giống lúa lai với quy mô 100ha thì địa phương cũng sẽ tiến hành quy hoạch một số cánh đồng mẫu đối với các loại cây trồng cạn chủ lực và những vùng chuyên sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Theo ông Khiết, chính quyền các cấp cần tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hỗ trợ máy móc cho khâu thu hoạch đậu phụng, bắp và máy lên luống các loại cây trồng cạn. Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực bê tông hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng… tại những mô hình cánh đồng mẫu.
Còn ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình nhìn nhận, trong mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng. Bởi,doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước phải luôn đồng hành để kịp thời giúp doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Nếu giữa doanh nghiệp và nông dân xảy ra những trục trặc, các đơn vị quản lý nhà nước phải đứng ra làm trọng tài giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cả hai phía...
NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH