Sản xuất nông nghiệp hàng hóa và theo chuỗi giá trị: Dấu ấn Phú Ninh

VĂN SỰ 06/10/2020 14:45

Trong quá trình xây dựng và nâng chuẩn huyện nông thôn mới (NTM), ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương của Phú Ninh chú trọng công tác quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ở Phú Ninh mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Ảnh: N.S
Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ở Phú Ninh mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Ảnh: N.S

Chú trọng quy hoạch

Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Ninh, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng và nâng chuẩn huyện NTM, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Thời gian qua công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp được tập trung tiến hành ở cả cấp xã và cấp huyện.

Ở cấp xã, tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp đã được UBND huyện phê duyệt. Trong khi đó, đối với cấp huyện, tổ chức đánh giá, xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp Phú Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có 16 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 450ha, 16 khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 645ha. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Bình quân hằng năm, người trồng dưa hấu ở Phú Ninh thu về gần 100 tỷ đồng. Ảnh: N.S
Bình quân hằng năm, người trồng dưa hấu ở Phú Ninh thu về gần 100 tỷ đồng. Ảnh: N.S

Ông Đinh Long Toàn – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh nhìn nhận, địa phương triển khai, tổ chức thực hiện và kịp thời rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, lúa giống hàng hóa, rau củ quả, đậu phụng, gỗ nguyên liệu có quy mô tương đối lớn. Đồng thời tạo điều kiện cho việc xây dựng một số mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả cao như chuyên canh rau an toàn, chăn nuôi heo nạc, gà thịt. Đặc biệt thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn ở một số vùng quy hoạch sản xuất tập trung gồm Đá Ngựa (Tam Thành), Dương Quyển, Cẩm Long, Eo Gió, Gò Tre (Tam Vinh)...,  tạo đòn bẩy cho việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Năm 2019, Phú Ninh tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng huyện để kết nối sản xuất nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, đồng thời làm cơ sở định hướng cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp lâu dài, bền vững. Quy hoạch vùng huyện xác định, đối với vùng tây kênh chính Bắc Phú Ninh, định hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn với tiềm năng sử dụng đất đạt hơn 8.000ha và phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao với 3 loại vật nuôi chủ lực là bò, gà, heo.

Đối với vùng đông kênh chính Bắc Phú Ninh, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên đối tượng là các loại rau màu thực phẩm, xây dựng một số vùng nguyên liệu mang tính đặc trưng để phát triển các sản phẩm OCOP như vùng sản xuất dưa hấu, đậu phụng, tiêu, nghệ, gừng, hạt ngũ cốc…

Hỗ trợ phát triển sản xuất

Từ nguồn vốn sự nghiệp của chương trình xây dựng NTM, những năm qua huyện đã bố trí hơn 28 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, đã hỗ trợ gần 3,1 tỷ đồng cho 9 dự án phát triển sản xuất theo Quyết định số 4781 của Bộ NN&PTNT. Dự kiến, trong năm 2020 này huyện tiếp tục giải ngân khoảng hơn 5 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho 10 dự án khác.

Ông Đinh Long Toàn nói: “Các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm của huyện chủ yếu hướng vào những sản phẩm chủ lực như lúa giống hàng hóa, gạo an toàn, dưa hấu, gà thịt, heo thịt, cây ăn quả, rau an toàn... tương ứng với diện tích được quy hoạch như sản xuất lúa giống hơn 850ha, dưa hấu 530ha, rau an toàn 531ha, 16 khu chăn nuôi tập trung với hơn 450ha ở vùng tây kênh chính Bắc Phú Ninh”.

Từ nguồn vốn của dự án “Thực hành nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” (WB7 mở rộng), thời gian qua Phú Ninh cũng đã tranh thủ được gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất 350ha lúa chất lượng cao, 65ha đậu phụng, 125ha bắp, 90ha dưa hấu với 8/11 xã, thị trấn tham gia. Ngoài ra, hằng năm huyện còn bố trí khoảng 2,5 – 3 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP (ngày 11.7.2019) của Chính phủ để hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Việc triển khai các quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là sự tác động của các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện cho Phú Ninh phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, đối với việc canh tác các loại rau củ quả, hằng năm nông dân trên địa bàn huyện thu về hơn 150 tỷ đồng. Riêng sản phẩm dưa hấu, mỗi năm xuất khẩu bình quân 18.500 tấn, thu nhập gần 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn thu từ chăn nuôi gia cầm là hơn 250 tỷ đồng/năm và chăn nuôi gia súc đạt hơn 350 tỷ đồng/năm...

Giai đoạn 2015 – 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân hằng năm của Phú Ninh tăng hơn 3,5%. Năm 2019, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp huyện đạt hơn 1.109 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15% trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, chăn nuôi và thủy sản đạt 631,5 tỷ đồng, tăng 34,4% so với năm 2015 và chiếm tỷ trọng 56,9% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Từ đó, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên, góp phần quan trọng trong việc xây dựng huyện NTM nâng cao.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa và theo chuỗi giá trị: Dấu ấn Phú Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO