Sản xuất nông nghiệp năm 2015: Niềm vui không trọn

NHÃ PHƯƠNG 02/01/2016 08:26

Trong khi lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục tạo được bước đột phá mới thì cả vụ sản xuất đông xuân lẫn hè thu của năm 2015 ngành trồng trọt lại gặp quá nhiều rủi ro do thời tiết cực đoan…

Chăn nuôi chuyển biến mạnh mẽ

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Sáu ở thôn Phú Bình (xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn). Bà Sáu được tiếng là người nuôi heo “mát tay”, mỗi năm bà nuôi 3 lứa heo thịt, bình quân mỗi lứa khoảng 20 con và hiện có 6 con heo nái sinh sản, hàng năm cho ra đời cả trăm heo con. “Hồi trước, tôi chỉ nuôi vài con heo để kiếm thêm ít đồng lo chuyện chợ búa. Cách đây 5 năm, tôi được tham gia các lớp tập huấn về phòng trừ dịch bệnh, quy trình chăm sóc đàn gia súc, gia cầm do địa phương tổ chức, rồi được cán bộ khuyến nông cơ sở đến động viên, tạo thuận lợi cho việc vay vốn ưu đãi nên tôi quyết định đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi heo. Đầu năm 2010 đến nay, mỗi năm tôi thu về gần 100 triệu đồng từ gia trại heo này, nhờ vậy có điều kiện xây dựng nhà cửa kiên cố” - bà Sáu chia sẻ. Ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, ngoài việc liên kết với các doanh nghiệp tổ chức nuôi gia công với quy mô mỗi lứa 500 - 1.000 con heo thịt/trang trại thì thời gian qua người dân trên địa bàn huyện cũng tập trung phát triển mạnh mô hình chăn nuôi heo hướng nạc theo hình thức gia trại. Hiện nay toàn huyện đã có 160 gia trại nuôi heo thịt với số lượng 40 - 100 con/lứa/mô hình, bình quân hàng năm mỗi mô hình thu 70 - 130 triệu đồng tiền lãi.

Đợt mưa lũ trái mùa xảy ra hồi cuối tháng 3.2015 khiến hàng loạt diện tích cây trồng cạn bị mất trắng.Ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Đợt mưa lũ trái mùa xảy ra hồi cuối tháng 3.2015 khiến hàng loạt diện tích cây trồng cạn bị mất trắng.Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Khoảng 4 năm trở lại đây, nhờ mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh mà cuộc sống của gia đình bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Đông Yên (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) khấm khá hẳn lên. Bà Thu chia sẻ: “Ngoài khu đất vườn tương đối rộng, đầu năm 2011 tôi quyết định chuyển một số diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ sả nguyên liệu rồi tiến hành mua 7 con bò nái sinh sản về thả nuôi. Từ đó đến nay mỗi năm tôi kiếm được không dưới 50 triệu đồng từ tiền bán bò con. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích đất trồng cỏ, xây dựng thêm chuồng trại để tăng đàn bò nái lên 10 - 12 con. Tôi thấy mô hình này rất dễ thành công, chỉ cần chịu khó là có nguồn thu nhập cao”. Ông Phạm Đình Xuân – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, nhờ hiệu quả mang lại hết sức thiết thực nên từ năm 2010 đến nay người dân ở nhiều địa phương của huyện đã mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển mô hình nuôi bò lai theo hướng thâm canh. Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 12.2015 tổng đàn bò của Duy Xuyên là 14.442 con, những năm qua nhờ tập trung cải tạo chất lượng con giống nên hiện giờ tỷ lệ bò lai chiếm gần 80%. Thời điểm này Duy Xuyên đã hình thành được 100 mô hình chăn nuôi bò với quy mô 5 - 10 con/mô hình, bình quân mỗi năm một mô hình cho mức thu nhập 100 - 150 triệu đồng.

Rất nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu nhờ trồng cỏ nuôi bò đàn theo hướng thâm canh.
Rất nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu nhờ trồng cỏ nuôi bò đàn theo hướng thâm canh.

Bà Lương Thị Thủy – Trưởng phòng Kỹ thuật (Sở NN&PTNT) cho biết, những năm gần đây nhờ được cơ quan chuyên môn chuyển giao rộng rãi quy trình kỹ thuật chăn nuôi thú y, đặc biệt là dễ dàng tiếp cận với hàng loạt kênh vốn vay ưu đãi nên rất nhiều tổ hợp tác, chi hội, câu lạc bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại. Tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã hình thành ít nhất 1 nghìn mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô vừa và lớn. Theo khảo sát mới đây, bình quân hàng năm một mô hình trang trại cho lãi ròng 400 triệu đồng và một mô hình gia trại thu về khoản tiền lời không dưới 100 triệu đồng. Có thể khẳng định, đây là hướng đi rất phù hợp, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân và góp phần hạn chế nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trồng trọt gặp khó

Tổng sản lượng lương thực cây có hạt giảm 5.782 tấn
Theo ngành nông nghiệp, ngoài việc sản xuất 88.430ha lúa thì trong năm 2015 nông dân toàn tỉnh còn gieo trồng 13.069ha bắp, 12.820ha sắn, 4.250ha khoai lang, 9.750ha đậu phụng, 2.800ha mè và 18.330ha hoa, cây cảnh, rau đậu các loại. Qua thống kê, tổng sản lượng lương thực cây có hạt cả năm 2015 của Quảng Nam ước đạt 520.838 tấn, giảm 5.782 tấn so với năm 2014.
Theo ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, ngoài chuyện bị thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra thì năm 2015 vấn đề tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn ở thế bất ổn. Thực tế cho thấy, năm qua, cứ vào vụ thu hoạch chính thì giá lúa, nếp thương phẩm và nhiều loại rau, đậu, củ, quả trên thị trường lập tức tụt xuống mức thấp, nhất là cây dưa hấu, ớt... khiến nông dân hết sức khó khăn. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là mối liên kết giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp còn quá lỏng lẻo.

Đã hơn 8 tháng trôi qua nhưng bây giờ nhắc lại đợt mưa lũ bất thường xảy ra hồi gần cuối tháng 3.2015, bà Trương Thị Lào ở thôn Hòa Thạch (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) cho biết vẫn cảm thấy xót của. Bởi, trong đợt thiên tai này cả 12 sào dưa hấu sắp đến kỳ thu hoạch quả của bà bị lũ cuốn trôi và làm hư thối hết. Đâu riêng bà Lào, cả nghìn hộ dân khác ở các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Phú Ninh… cũng điêu đứng vì cơn lũ trái mùa đó đã khiến 1.500ha dưa hấu, bắp, ớt, thuốc lá và một số loại rau đậu bị mất trắng hoặc hư hại trầm trọng. Không chỉ cây trồng cạn, đợt mưa lũ xuất hiện từ ngày 24 đến 28.3.2015 còn làm hàng nghìn héc ta lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị ngập úng nặng dẫn đến sản lượng tụt giảm mạnh.

Trong khi rất nhiều gia đình lâm vào cảnh túng thiếu vì vụ sản xuất đông xuân 2014 - 2015 thất bát nặng nề thì đến vụ hè thu 2015 nông dân xứ Quảng lại phải tiếp tục đối mặt hàng loạt khó khăn. Bởi, ngay từ đầu vụ nước mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu các con sông rồi nắng nóng hoành hành liên tục khiến hơn 14.000ha lúa và hoa màu thiếu nước tưới, trong đó không ít diện tích bị khô hạn nghiêm trọng. Đặc biệt, cuối tháng 7.2015, khi những cánh đồng lúa đồng loạt trổ đòng và phơi màu rộ thì bất ngờ dính phải đợt mưa kéo dài nên xảy ra hiện tượng lem lép - thối hạt trên diện rộng. Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, năm 2015 mỗi vụ nông dân của huyện gieo sạ 3.876ha lúa. Tuy nhiên, do thời tiết quá bất lợi nên năng suất lúa bình quân cả năm chỉ đạt 59,68 tạ/ha, giảm 1,76 tạ/ha so với năm 2014, trong đó vụ đông xuân giảm 2,2 tạ/ha và vụ hè thu giảm 1,41 tạ/ha. Còn theo ông Nguyễn Xuân Vũ – Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình, trong 2 vụ sản xuất của năm 2015 nông dân trên địa bàn huyện canh tác hơn 15.544ha lúa, năng suất bình quân chỉ đạt 55,17 tạ/ha, giảm 1,57 tạ/ha so với năm 2014.

Không chỉ 2 địa phương vừa nêu, năm 2015 nông dân ở rất nhiều nơi khác cũng mất mùa cả 2 vụ lúa. Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, năm qua toàn tỉnh sản xuất tổng cộng 88.430ha lúa, tăng 1.030ha so với năm 2014. Qua thống kê cho thấy năng suất lúa bình quân của tỉnh đạt 56 tạ/ha, thấp hơn năm trước là 1,16 tạ/ha. Ông Đức nói: “Nguyên nhân khiến năng suất lúa giảm là đầu vụ đông xuân 2014 - 2015 mưa lạnh kéo dài, đến gần cuối vụ thì xảy ra mưa lũ trái mùa gây thiệt hại cục bộ những diện tích lúa ở các vùng trũng thấp. Vào vụ hè thu 2015, thời tiết nắng nóng liên tục, lượng mưa quá ít khiến cây lúa sinh trưởng và phát triển chậm. Đặc biệt, trà lúa trổ đòng rộ vào hạ tuần tháng 7 dương lịch ở một số vùng gặp mưa giữa ngày nên tỷ lệ lép cao”.

NHÃ PHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sản xuất nông nghiệp năm 2015: Niềm vui không trọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO