Mấy năm gần đây, Duy Xuyên tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, quá trình triển khai mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ghi nhận bước đầu
Ông Nguyễn Phê - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lệ Bắc (xã Duy Châu) cho biết, cuối năm 2016 đến nay, vụ đông xuân nào đơn vị cũng “bắt tay” với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng tổ chức cho gần 200 hộ gieo trồng 30ha ớt xuất khẩu theo mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị.
Theo ông Phê, bên cạnh chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến, từ nguồn vốn do cấp trên phân bổ, HTX hỗ trợ 50% kinh phí mua hạt giống và phân bón cho nông dân, tương ứng với số tiền 620 nghìn đồng/sào/vụ. Đặc biệt, phía công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nhà nông với mức giá sàn 5 nghìn đồng/kg. Hằng vụ, trung bình 1ha ớt cho năng suất khoảng 30 tấn quả tươi. Tùy theo giá bán sản phẩm ở từng thời điểm, bình quân mỗi vụ 1ha ớt cho thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, nhiều năm nay, lĩnh vực trồng trọt của huyện chủ yếu phát triển với quy mô nhỏ lẻ; đa phần người dân sản xuất tự phát, không gắn kết với cung - cầu của thị trường nên tình trạng trồng - phá, được mùa - mất giá liên tục tái diễn. Do vậy thu nhập của nông dân thấp và không ổn định, hiện tượng bỏ ruộng hoặc thiếu đầu tư thâm canh diễn ra phổ biến. Mấy năm gần đây UBND huyện Duy Xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa và đến nay đã có hơn 2.300ha đất lúa, đất màu hoàn thành khâu này. Cùng với đó, bằng nhiều nguồn vốn huy động, huyện đầu tư thêm 180 tỷ đồng thi công nhiều công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu và kiên cố hóa hơn 256km kênh mương để phục vụ sản xuất.
Trên cơ sở đồng ruộng được dồn điền đổi thửa, hạ tầng thủy lợi được thi công đồng bộ, thời gian qua Duy Xuyên chú trọng triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện có 44 danh mục dự án đăng ký đầu tư sản xuất theo chuỗi, trong đó 31 dự án đã được UBND huyện phê duyệt và tiến hành thực hiện.
Ông Huỳnh Văn Ánh cho hay, trong 3 năm 2018 - 2020, từ nguồn vốn của chương trình nông thôn mới kết hợp lồng ghép các kênh vốn khác, UBND huyện đã chi hơn 32 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề và hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp... cho các chủ dự án và những hộ dân tham gia mô hình. Hầu hết dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã triển khai thời gian qua đều mang lại hiệu quả cao. Các HTX Duy Phước, Duy Sơn, Duy Hòa 2, hàng trăm tấn lúa giống đã được sản xuất và bao tiêu theo hợp đồng, giúp người dân có thu nhập tăng thêm 1,25 - 1,5 lần so với làm lúa thường; hay như HTX Duy Phú đã chủ động bao tiêu cho nông dân hàng chục tấn hạt sen, thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/sào/vụ, giá trị gia tăng gấp 1,5 - 2 lần so với gieo sạ lúa...
Vẫn còn rào cản
Theo ông Huỳnh Văn Ánh, từng thửa ruộng thuộc quyền sử dụng của hộ nông dân và thói quen canh tác tự phát đã thành tập quán là rào cản lớn của sự hợp tác sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Để có sự đồng thuận liên kết, vai trò của người nông dân là trung tâm nên quá trình vận động, thuyết phục hộ dân đồng ý tập trung, hoán đổi đất đai nhằm hình thành liên vùng, liên khoảnh tham gia sản xuất chuỗi gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Việc tiếp cận và tích tụ đất đai của các doanh nghiệp, HTX tham gia mô hình còn bất cập, dẫn đến việc mở rộng, phát triển các chuỗi giá trị chậm và ít; một số xã như Duy Thành, Duy Trung, Duy Trinh chưa triển khai được cho nhân dân sản xuất liên kết theo chuỗi. Một số HTX nông nghiệp còn nhiều yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, tổ chức các dịch vụ và sản xuất; chưa tạo được uy tín, niềm tin về liên doanh, liên kết với doanh nghiệp và hộ xã viên.
Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên nhìn nhận, vì thu nhập từ nông nghiệp thấp, bấp bênh, rủi ro nhiều nên việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là vô cùng khó khăn. Do rất hiếm và thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, chế biến sâu nên chưa đa dạng sản phẩm, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng dẫn đến việc triển khai sản xuất - kinh doanh theo chuỗi liên kết không đạt được hiệu quả như mong muốn. Các dự án sản xuất theo chuỗi chỉ mới tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, chưa triển khai được nhiều chuỗi giá trị với quy mô lớn và hiệu quả ở lĩnh vực lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, du lịch sinh thái... là những lợi thế của địa phương.
Cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp hầu hết còn phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường, tình trạng phá vỡ hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã xảy ra tại không ít địa phương. Kinh phí hỗ trợ giống, vật tư cho nông dân tham gia dự án liên kết chuỗi giá trị chủ yếu là nguồn được tỉnh phân bổ từ chương trình nông thôn mới hằng năm; nguồn hỗ trợ để xây dựng hạ tầng như nhà kho, sân phơi, máy sấy, điện thủy lợi hóa đất màu, kênh mương, giao thông nội đồng, cải tạo chỉnh trang đồng ruộng... được lồng ghép các chương trình và huy động những kênh vốn hợp pháp khác nên thường thiếu hụt, không có hoặc không đủ để hỗ trợ theo quyết định phê duyệt, gây không ít khó khăn cho chủ đầu tư.