Từ nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết số 02 ngày 12.7.2019 của HĐND tỉnh về quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN, Hợp tác xã (HTX) Nước mắm Hai Hiền (xã Bình Dương, Thăng Bình) đã ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời vào sản xuất nước mắm truyền thống, hướng tới phát triển bền vững.
HTX Nước mắm Hai Hiền lâu nay sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống với quy mô 40 tấn cá/năm, chủ yếu muối trong các lu chượp và bể xi măng kích thước nhỏ. Năm 2021, HTX được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ dự án “Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời (NLMT) và hệ thống náo đảo tự động nâng cao hiệu quả sản xuất nước mắm truyền thống” theo Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh.
Theo bà Lê Thị Hiền - Giám đốc HTX Nước mắm Hai Hiền, được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, HTX đầu tư xây dựng 2 khu vực sản xuất gồm khu vực sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ NLMT và náo đảo tự động để theo dõi, đánh giá hoàn thiện phù hợp và một khu vực sản xuất theo phương pháp truyền thống.
“Chúng tôi vẫn duy trì phương thức sản xuất truyền thống vì đây là nghề của cha ông. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn nỗ lực tiếp cận công nghệ, ứng dụng công nghệ NLMT và hệ thống náo đảo tự động vào sản xuất nhằm đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe để có thể đưa sản phẩm vào siêu thị, hướng tới xuất khẩu” - bà Hiền chia sẻ.
Cũng theo bà Hiền, được sự hỗ trợ của Sở KH&CN Quảng Nam, Sở KH&CN Hà Tĩnh, nhất là đội ngũ cán bộ hỗ trợ, chuyển giao công nghệ từ dự án, các kỹ thuật viên của HTX và làng nghề đã vận hành thiết bị, hệ thống một cách thuận lợi.
HTX đã tiếp nhận chuyển giao 2 quy trình công nghệ gồm: quy trình công nghệ chế biến nước mắm ứng dụng NLMT và các nguồn năng lượng khác kết hợp với hệ thống náo đảo tự động và quy trình vận hành hệ thống thu NLMT và các nguồn năng lượng khác kết hợp với hệ thống náo đảo tự động phục vụ cho sản xuất.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên cử cán bộ vào đào tạo lý thuyết, hướng dẫn xây dựng mô hình và cách thức vận hành hệ thống cho kỹ thuật viên tại HTX và đại diện các cơ sở sản xuất ở làng nghề nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương).
Thời điểm này đang vào vụ cá cơm, HTX Hai Hiền đã mua được 30 tấn nguyên liệu và đã tiến hành muối cá. Dự kiến năm 2022, HTX sẽ mua 50 tấn nguyên liệu phục vụ cho 2 mô hình sản xuất song hành.
“Cuối năm 2022 này, HTX sẽ cho ra sản phẩm từ việc ứng dụng công nghệ NLMT phục vụ sản xuất. Chúng tôi cũng tham quan rất nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ NLMT và nhận thấy đây là xu hướng phù hợp với nhu cầu khắt khe của thị trường, nhất là việc xuất khẩu. HTX sẽ nỗ lực tiếp thu, tiếp cận và vận hành trơn tru hệ thống, dây chuyền công nghệ, hướng tới phát triển bền vững” - bà Hiền chia sẻ.
Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Hà Tĩnh, thị trường hiện có dòng nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Xu hướng người tiêu dùng là quay về với dòng nước mắm truyền thống.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất là hết sức cần thiết. Theo đó, kinh phí lắp đặt một hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ NLMT và hệ thống náo đảo tự động cho sản xuất nước mắm truyền thống là 280 triệu đồng (chưa tính chi phí bể chượp) và sau 2 năm có thể hoàn lại được vốn đầu tư.
Việc lắp đặt thiết bị công nghệ sẽ rút ngắn thời gian sản xuất, hiệu suất thu hồi nước mắm cao hơn, giảm 90% công lao động phổ thông nên giá thành sản phẩm sẽ thấp hơn so với sản xuất nước mắm truyền thống khoảng 15 - 20%.
Dự án cũng đầu tư hệ thống bao gồm 10 bể chượp (bể muối nước mắm), mỗi bể chượp muối được 2 tấn cá. Mỗi tấn cá dự kiến cho ra 750 lít nước mắm. HTX Hai Hiền đầu tư thêm 10 bể chượp phục vụ sản xuất.
Bà Lê Thị Hiền cho biết thêm, với phương thức sản xuất truyền thống hiện nay, trung bình 1 tấn cá sản xuất được 650 lít nước mắm; trong khi đó, qua tham quan một số nơi, công nghệ NLMT giúp nâng cao hiệu quả sản xuất với sản lượng nước mắm cho ra đạt từ 700 - 750 lít.
“Tham quan thực tiễn một số mô hình, HTX nhận thấy sản xuất theo công nghệ NLMT giúp rút ngắn thời gian chế biến nước mắm xuống 8 - 10 tháng (thông thường 12 - 15 tháng). Công nghệ và quy trình chế biến khép kín, giúp đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm, giảm hiện tượng nặng mùi trong quá trình chế biến. Công nghệ cũng giúp giảm diện tích sản xuất, dễ lắp đặt và vận hành” - bà Hiền nói.
Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH&CN) cho biết, hiện hầu hết cơ sở sản xuất nước mắm tại Quảng Nam sản xuất theo phương thức thủ công, chỉ có HTX nước mắm Cát Trắng (Tam Thanh) ứng dụng công nghệ NLMT. Công nghệ có chi phí đầu tư không lớn nên phù hợp với cả các hộ sản xuất quy mô nhỏ.
Việc ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng dự án giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nước mắm, giúp các cơ sở đón đầu thị trường và kinh doanh các sản phẩm có chất lượng cao. Từ thành công bước đầu của mô hình tại Tam Thanh và trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Thăng Bình, UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế hỗ trợ dự án tại HTX Nước mắm Hai Hiền trong năm 2021.
Bước đầu dự án khá phù hợp với quy mô sản xuất rất lớn tại HTX Hai Hiền và với đặc thù của làng nghề Cửa Khe đang hướng tới phát triển du lịch. Dự án được kỳ vọng giúp HTX nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, hướng tới phát triển bền vững.