Thời gian qua nhờ mạnh dạn chuyển các chân đất lúa canh tác kém hiệu quả sang trồng dưa leo theo phương thức chuyên canh mà không ít hộ dân tại xã Duy Trung (Duy Xuyên) có nguồn thu nhập đáng kể. Ông Lý Tiến ở thôn Mậu Hòa cho biết, gia đình ông có 5 sào đất lúa nằm cách con sông Bà Rén chừng 100m. Mặc dù nước tưới dồi dào nhưng do đất đai không màu mỡ, các loại sâu bệnh nguy hiểm thường xuyên gây hại nên mùa nào năng suất lúa cũng đạt thấp. Năm 2008, được ngành nông nghiệp Duy Xuyên và đội ngũ khuyến nông viên cơ sở tích cực hỗ trợ nhiều khâu, vợ chồng ông Tiến chuyển toàn bộ diện tích đất lúa vừa nêu sang trồng dưa leo. Theo lời ông Tiến, cây dưa leo có thời gian sinh trưởng rất ngắn, từ khi xuống giống đến lúc hái lứa quả đầu tiên khoảng 35 - 40 ngày và thu hoạch rộ trong vòng 25 ngày là nhổ phá dây. “Gần 10 năm nay, bình quân mỗi năm tui làm thong thả 3 vụ dưa leo, còn nếu sản xuất theo kiểu không cho đất nghỉ thì làm được 4 vụ. Thực tế cho thấy, mỗi vụ 1 sào dưa thu được 2,5 tấn quả, bán tại ruộng với giá 3 nghìn đồng/kg thì tổng giá trị đạt 7,5 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí sản xuất, còn lại lãi ròng 5 triệu đồng/sào/vụ. Có không ít mùa, giá thu mua sản phẩm trên thị trường tăng lên 7 nghìn đồng/kg thì số tiền lời kiếm được sẽ tăng hơn gấp đôi” - ông Lý Tiến chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm gần đây các cơ quan chuyên môn của huyện và chính quyền nhiều địa phương đã nỗ lực hỗ trợ nhà nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2016 – 2017, nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển 350ha đất lúa bấp bênh nước tưới, thường cho hiệu quả thấp sang trồng sen, đậu phụng, bắp lai, đậu xanh, dưa leo, khổ qua, bí đao… theo phương thức luân canh, xen canh, gối vụ. Ông Ánh nói: “Số diện tích chuyển đổi vừa nêu tập trung chủ yếu tại các xã Duy Tân, Duy Phú, Duy Châu, Duy Sơn, Duy Trung, Duy Phước và thị trấn Nam Phước. Qua khảo sát tại nhiều vùng cho thấy, bình quân hằng năm 1ha đất lúa chuyển sang trồng sen và các loại hoa màu mang lại cho người dân mức thu nhập từ 60 - 150 triệu đồng, thậm chí một số nơi đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, nếu gieo sạ mỗi năm 2 vụ lúa thì nông dân chỉ thu được 30 triệu đồng/ha. Với hiệu quả hết sức thiết thực đó, trong vòng 3 năm tới ngành nông nghiệp Duy Xuyên sẽ tiếp tục phối hợp cùng chính quyền cơ sở hỗ trợ nhà nông chuyển thêm 250 - 300ha đất lúa sang sản xuất những loại cây trồng cạn”.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, 7 năm trở lại đây toàn tỉnh đã chuyển ít nhất 6.000ha đất lúa khó khăn về nguồn nước tưới sang sản xuất những loại cây trồng cạn và rau đậu chủ lực. Theo ông Muộn, hầu hết mô hình chuyển đổi đều cho giá trị kinh tế cao gấp 3 - 5 lần so với trước đây nhà nông canh tác lúa. Đây được xem là phương thức sản xuất thích ứng với những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
TƯ RUỘNG