Những năm qua, mặc dù sản lượng các mặt hàng nông - lâm - thủy sản của tỉnh tăng lên đáng kể và chất lượng sản phẩm ngày càng cải thiện nhưng thực tế cho thấy khâu sản xuất - chế biến nông sản vẫn còn gặp nhiều trở lực khiến hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.
Hạn chế nhiều khâu
Trong các chuyến kiểm tra thực tế tại một số địa phương về tình hình phát triển nông nghiệp - nông thôn và kinh tế hợp tác, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng đánh giá, mặc dù nhiều năm nay Quảng Nam đã nỗ lực rất lớn trong công tác dồn điền đổi thửa nhưng nhìn chung quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn nhỏ lẻ, việc hình thành những vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản còn khiêm tốn.
Trong khi đó, ông Võ Văn Nghi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho rằng, những năm gần đây do nhiều lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ và các ngành nghề khác nên tình trạng suy giảm thâm canh, thậm chí là bỏ ruộng hoang diễn ra ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương như Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Núi Thành... Mặc dù một bộ phận nông dân không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp nhưng không muốn giao lại ruộng đất cho chính quyền địa phương quản lý hoặc cho doanh nghiệp thuê đất dài hạn vì có tâm lý sợ mất đất và trông chờ có dự án vào đầu tư để nhận tiền bồi thường.
“Từ tâm lý của người dân như thế nên thời gian qua chuyện tích tụ đất đai rất khó thực hiện. Vì vậy, việc hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô vừa và lớn để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư còn hạn chế” - ông Nghi nói.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, thực trạng chế biến nông sản ở Quảng Nam hiện nay chủ yếu nhỏ lẻ. Phần lớn cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông - lâm - thủy sản tại nhiều địa phương theo phương thức hộ gia đình, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm và chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống đơn giản chứ chưa chế biến sâu.
Đặc biệt, nguồn nguyên liệu cho chế biến còn phụ thuộc vào mùa vụ, đa số cơ sở chưa có phương án dự trữ nguyên liệu nên lúc thừa lúc thiếu theo mùa vụ. Còn sản xuất trái vụ thì hay bị rủi ro nên sản phẩm hầu như không có nhiều. Điều này đã gây khó khăn cho việc phát triển, ứng dụng công nghệ chế biến đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản.
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp, nguyên liệu chế biến cũng thiếu tính ổn định, sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu không nhiều. Đặc biệt, nguồn lực về vốn, công nghệ, nhân lực và năng lực quản trị, hội nhập còn hạn chế. Riêng về lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ cây trồng cạn và lâm nghiệp, nhìn chung quy mô còn rất nhỏ...
Đồng bộ các giải pháp
Theo thống kê, bình quân hằng năm ngành nông nghiệp của tỉnh cung ứng ra thị trường hơn 100.000 tấn sản phẩm thủy sản, hơn 270.000 tấn rau củ quả các loại và hơn 60.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ mạnh nhất với sản lượng mỗi năm 6.000 tấn rau củ quả, 5.000 tấn thịt heo, 4.000 tấn thịt bò, 400 tấn thịt gia cầm.
Tính đến thời điểm này, trong tổng số 8.451 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh thì có hơn 400 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 26 doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân tổ chức sản xuất mỗi năm 4.000ha giống lúa hàng hóa, 300ha giống đậu xanh theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. Đối với lĩnh vực chế biến gỗ, hiện toàn tỉnh có 27 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 17 đơn vị sản xuất - chế biến dăm gỗ xuất khẩu với sản lượng hàng năm gần 930.000 tấn nguyên liệu. Cạnh đó, toàn tỉnh có 7 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu với quy mô vừa và lớn, sản lượng bình quân mỗi năm đạt gần 11.000 tấn.
Nhiều ý kiến cho rằng, để việc sản xuất - chế biến nông sản tạo bước đột phá mạnh mẽ, thời gian tới các ngành, các cấp phải nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, vấn đề quan trọng nhất là cấp có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu tập trung, tích tụ ruộng đất để xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản và đảm bảo việc cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho lĩnh vực chế biến.
Theo ông Trần Châu Giang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, thời gian tới Chính phủ, các bộ ngành và UBND tỉnh cần ưu tiên bố trí nguồn lực đủ mạnh để tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế hỗ trợ liên quan đến chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn cũng như chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất – chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
“Sự tiếp sức kịp thời từ Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã có điều kiện đầu tư xây dựng những mô hình sản xuất với quy mô lớn. Đặc biệt, có đủ năng lực tài chính để mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm, nhất là những nông sản xuất khẩu như ớt, các loại thủy hải sản...” - ông Giang nói.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, ngay từ bây giờ chính quyền các cấp cần tập trung rà soát quy hoạch sử dụng đất và cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi để từ đó có định hướng phát triển phù hợp. Đồng thời phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu và thị hiếu thị trường để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo cung ứng cho các cơ sở chế biến nông sản hoạt động.
“Để đầu ra nông sản, nhất là những sản phẩm xuất khẩu ổn định, những đơn vị liên quan cần tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin định hướng thị trường kịp thời. Từ đó, giúp doanh nghiệp hoạch định bài bản chiến lược sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...” - ông Cường nói.