Tại diễn đàn tham vấn doanh nghiệp về cơ chế tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch cho nông dân do UBND tỉnh vừa tổ chức, các bên liên quan cùng mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến khó khăn cũng như đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm tạo cú hích cho lĩnh vực này trong thời gian đến.
Người dân làng sản xuất rau sạch Mỹ Hưng (Bình Triều, Thăng Bình) đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: H.S |
Có 4 nhóm sản phẩm chủ lực gồm heo, gà, tôm, rau củ quả được lãnh đạo chính quyền các địa phương cùng nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) tham gia thảo luận, tháo gỡ vướng mắc để hướng đến chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Theo đó, sẽ tập trung vào 4 mục tiêu cụ thể là tăng cường sản xuất nông nghiệp sạch, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học, tiếp cận các cơ chế và chính sách, sự phát triển bền vững của sản phẩm nông nghiệp sạch.
Rau sạch khó tiêu thụ
HTX sản xuất rau sạch Mỹ Hưng ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình đang phát triển cầm chừng, bởi sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, trong khi chi phí đầu vào cao. Trước đây, có một doanh nghiệp đến hợp đồng với đơn vị này thu mua sản phẩm nhưng sau đó nợ tiền dây dưa nên nông dân không hợp tác nữa và từ đó gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra. Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nêu lên một nghịch lý, trên địa bàn hiện có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học đứng chân với số lượng hơn 5 nghìn người, nhu cầu sử dụng sản phẩm rất cao nhưng những năm qua lại không hợp tác tiêu thụ sản phẩm của HTX sản xuất rau sạch Mỹ Hưng mà đi mua ở các địa phương khác. Ông Hương nói: “Nên chăng chúng ta cần có một chế tài ràng buộc với các đơn vị đó để giúp nông dân Mỹ Hưng tìm đầu ra. Có như vậy sản phẩm rau sạch mới có được chỗ đứng bền vững”.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hàng năm ngành nông nghiệp tỉnh cung cấp cho thị trường gần 90 nghìn tấn sản phẩm thủy sản, 23 nghìn tấn sản phẩm nhóm ngũ cốc và rau củ quả, xấp xỉ 1,2 triệu tấn sản phẩm thịt gia súc và gia cầm. Được biết, hiện nay toàn tỉnh có hơn 3 nghìn cơ sở tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản. |
Tương tự, huyện Đại Lộc cũng có nhiều thế mạnh để phát triển các vùng chuyên canh rau củ quả nhưng nỗi lo đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán hết sức nan giải. Theo quy hoạch, địa phương có 120ha đất trồng rau, trong đó làng rau Bàu Tròn ở xã Đại An khoảng 47ha. Hiện nay, diện tích người dân mở rộng sản xuất đã vượt quy hoạch 400 - 500ha. Tuy nhiên, việc đóng cửa nhà sơ chế rau củ quả Bàu Tròn, rau rạch khó tiêu thụ khiến nông dân không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, mỗi ngày có 4 - 5 chiếc ô tô tải đến địa phương thu mua nông sản nhưng giá cả bị đẩy xuống thấp. Trước đây có vài doanh nghiệp vào hợp tác thu mua nhưng cũng chỉ được một thời gian vì bị thương lái phá giá.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hàng năm diện tích gieo trồng rau trên địa bàn tỉnh hơn 13.000ha, trong đó những nơi có điều kiện thuận lợi để hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn như Bàu Tròn (Đại Lộc), Điện Minh (Điện Bàn), Trà Quế (Hội An), Bình Triều (Thăng Bình), Trường Xuân (Tam Kỳ)… Tuy nhiên, hiện nay tỉnh vẫn chưa có quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn một cách bài bản, ngoại trừ một vài địa phương đã tiến hành quy hoạch riêng với tổng diện tích hơn 1.100ha. Trong những năm 2013 - 2014, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ 4 cơ sở áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt - VietGAP với tổng diện tích 41ha. Thế nhưng, hiện giờ chỉ mỗi HTX rau sạch Mỹ Hưng còn duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn ấy với diện tích khoảng chừng 11ha...
Mù mờ trong việc nhận biết sản phẩm sạch
Theo nhiều ý kiến tại diễn đàn, những năm qua việc phối hợp, liên kết giữa nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học còn khá rời rạc. Các bên chưa tìm được tiếng nói chung nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, chủ yếu bán cho những thương lái nhỏ, do đó giá cả và sức cạnh tranh không cao. Ở các kênh bán lẻ, xảy ra tình trạng trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc để cung cấp cho người tiêu dùng. Trong khi đó, những đơn vị sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến việc quảng bá sản phẩm, tư vấn chăm sóc khách hàng mà chủ yếu chạy theo lợi nhuận khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Ngoài ra, sản phẩm VietGAP chưa được thông tin rộng rãi, các HTX vẫn chưa chú trọng nhiều đến vấn đề nhãn mác, bao bì, tiếp thị sản phẩm để tạo được ấn tượng đầu tiên với người tiêu dùng.
Xây dựng mô hình chăn nuôi heo sạch và cung ứng sản phẩm an toàn là vấn đề cần được tính đến. |
Ở lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Hương cho biết, địa phương có các lò giết mổ tập trung nhưng thương lái không đem gia súc, gia cầm đến giết mổ, vì thế sản phẩm thịt bày bán ở nhiều chợ đều không thể kiểm định được chất lượng. Đặc biệt, việc quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng gặp rất nhiều thách thức. Xoay quanh vấn đề này, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, mới đây đã làm việc với các ngành, đơn vị liên quan của huyện Thăng Bình để thống nhất chọn địa điểm và các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng thịt heo an toàn với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Nhìn nhận ở góc độ người tiêu dùng, các thành viên tham gia diễn đàn cho rằng, quá khó để trở thành “người tiêu dùng thông minh”. Bởi, cơ bản còn thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn và có chất lượng cao, chưa nắm được địa chỉ cơ sở sản xuất uy tín. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng lại thích sử dụng các sản phẩm giá rẻ. Là đơn vị có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng ngày rất lớn (khoảng 8.000 người), đại diện Công ty CP Ô tô Trường Hải cho biết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được doanh nghiệp này quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, dù công ty đã hợp đồng với một đơn vị cung cấp sản phẩm sạch nhưng không chắc sản phẩm đó có sạch hay không. “Vì lợi nhuận, người nông dân có thể sản xuất không đúng quy trình, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, công tác tuyên truyền đóng một vai trò quan trọng để người dân sản xuất đúng sản phẩm sạch, có như vậy việc tiêu thụ mới mang tính lâu dài, bền vững” - đại diện Công ty CP Ô tô Trường Hải nói. Các doanh nghiệp còn cho rằng, muốn có thực phẩm sạch, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, nhất là trong việc giúp các bên liên quan tiếp cận kịp thời và đầy đủ cơ chế, chính sách. Hơn nữa, vấn đề tiên quyết là phải tác động thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hàng hóa phải đảm bảo qua dây chuyền sạch, an toàn từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ...
Doanh nghiệp cần được tiếp sức
Việc liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng, quyết định tính bền vững của sản xuất nông nghiệp. Để vấn đề này mang lại hiệu quả thiết thực, ngoài sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì sự năng động và nhạy bén của doanh nghiệp được xem là mũi chủ đạo trong việc định hướng thị trường, tạo ra sự bền vững của chuỗi liên kết sản phẩm sạch. Tại diễn đàn tham vấn, nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh mong muốn được UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại & xuất khẩu Việt Thắng đóng tại tỉnh Hải Dương cho biết, thời gian gần đây việc hợp tác tổ chức sản xuất và thu mua ớt giữa doanh nghiệp này với người dân ở một số vùng của huyện Đại Lộc đã tạo được sự tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, dù rất muốn tiêu thụ sản phẩm với quy mô lớn nhưng rào cản hiện nay là đơn vị chưa có cơ sở thu mua, nhà xưởng bảo quản và chế biến tại địa phương. Trong khi đó, ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương đóng chân trên địa bàn thị xã Điện Bàn thì kiến nghị: “Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất với sức tiêu thụ mỗi năm 10 nghìn tấn sản phẩm thủy sản. Do vậy, rất mong muốn tỉnh hỗ trợ đất sản xuất, khoảng vài nghìn mét vuông để doanh nghiệp phối hợp cùng các HTX và người dân tạo ra những sản phẩm sạch, đi từng bước từ quy mô nhỏ đến lớn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, năm 2016 này Quảng Nam xác định việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch là nhiệm vụ hết sức trọng tâm, cần phải bứt phá mạnh mẽ và phải bắt tay vào thực hiện ngay. “Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuy có lãi nhưng rất bấp bênh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện dưới mọi hình thức để doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân. Từ 4 nhóm sản phẩm chủ lực ban đầu là heo, gà, tôm, rau củ quả, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm để mở rộng sang những cây trồng, con vật nuôi khác. Nhiệm vụ cũng rất quan trọng lúc này là để xây dựng được sản phẩm sạch, nhất thiết phải tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tác động vào nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng” - ông Lê Trí Thanh nói.
VĂN HÀO - VĂN SỰ