Theo dự báo, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, vụ đông xuân 2015 - 2016 sẽ thiếu hụt lượng nước tưới, vụ hè thu 2016 sẽ hạn nặng, xâm nhập mặn sớm. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần phải có phương án chống hạn để bảo đảm sản xuất nông nghiệp trong thời gian đến.
Hồ chứa nước Cao Ngạn chỉ đạt xấp xỉ 50% dung tích hữu ích. Ảnh: P.NAM |
Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino thể hiện rõ rệt trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2015 và sẽ kéo dài hết mùa xuân năm 2016. Ông Trương Xuân Tý - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, tổng lượng mưa trung bình 3 tháng mùa lũ (tháng 9, 10 và 11.2015) trên địa bàn tỉnh là 1.209,43mm, bằng 74,92% so với cùng kỳ năm 2014 và bằng 77,47% cùng kỳ so với trung bình nhiều năm. Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 73 hồ chứa thủy lợi. Tại thời điểm ngày 20.11, tổng nguồn nước tại các hồ thủy lợi đạt 77,6% dung tích hữu ích (DTHI), thiếu khoảng 156,44 triệu mét khối. Một số hồ chứa lớn thiếu hụt nguồn nước như hồ Phú Ninh tích đạt 53,8% DTHI, thiếu 126,38 triệu mét khối; hồ Thái Xuân tích đạt 47,8% DTHI, thiếu 5,94 triệu mét khối; hồ Việt An tích đạt 38,7% DTHI, thiếu 12,35 triệu mét khối... Đối với các hồ thủy điện, nguồn nước thủy điện Sông Tranh 2 đã tích 74,89%, thiếu hơn 131 triệu mét khối so với DTHI. Trong khi đó, lưu vực sông Vu Gia chỉ có hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 tích cơ bản đảm bảo, đạt hơn 73% DTHI. Tổng dung tích 3 hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 tích đạt 48,67%, thiếu hụt hơn 338 triệu mét khối nước so với DTHI. Theo dự đoán của cơ quan chuyên môn, các hồ chứa thủy lợi sẽ khó đảm bảo cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2016 nếu như không có mưa tiểu mãn và mưa bổ sung trong tháng 7, tháng 8.
Để đối phó với hiện tượng El Nino gây nhiều khả năng hạn hán, xâm nhập mặn sớm trong năm 2016, Sở NN&PTNT đã chủ động triển khai các biện pháp chống hạn như tổ chức nạo vét kênh dẫn và bể hút các trạm bơm điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn; nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp gây ách tắc dòng chảy; đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Thu Bồn (huyện Duy Xuyên), sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), Sông Đầm (Tam Kỳ); đắp đập bổi chống hạn ở miền núi, trung du; vận hành tăng cường các trạm bơm điện cố định nhằm tận dụng hiệu quả nguồn nước từ các sông; kiểm tra và lắp đặt trạm bơm dã chiến để tận dụng lượng nước hồi quy từ các khe suối, kênh tiêu, ao hồ để bơm nước; đắp bờ be ruộng để giữ nước làm đất gieo sạ... Một trong những giải pháp căn cơ để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đối với những diện tích đất lúa không đảm bảo nguồn nước tưới, chuyển sang trồng các loại cây như bắp, đậu phụng, sắn, mè... Ông Võ Văn Nghi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết, sản xuất các cây trồng cạn ít tốn nước tưới hơn sản xuất lúa. Cụ thể sản xuất cây bắp, đậu phộng chỉ tốn lượng nước tưới bằng 30 - 40% lượng nước tưới cho lúa. Tuy nhiên, một số cây trồng cạn tuy ít tiêu tốn nước tưới nhưng vào những giai đoạn quan trọng của cây như bắp trổ cờ, phun râu đến chín sáp, đậu phụng ra hoa, đâm tia hình thành quả... cần phải có nước tưới. Nếu bị hạn trong giai đoạn này thì năng suất thấp, thậm chí mất trắng.
Về cây lúa, ông Nghi cho biết, sẽ thực hiện theo đúng cơ cấu giống và lịch thời vụ đông xuân 2015 - 2016, bố trí cho lúa trổ từ ngày 15 đến 31.3.2016, trổ tập trung từ 20 đến 31.3.2016. Riêng vùng sử dụng nước của kênh chính bắc Phú Ninh và Khe Tân cho lúa trổ từ ngày 15 đến 25.3.2016 để cắt nước tu sửa kênh mương từ ngày 10.4.2016 và cấp nước trở lại vào ngày 25.5.2016. Ngoài các giải pháp trên, để đối phó với hiện tượng El Nino, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng phải tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về ý thức tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm như tưới “ướt - khô xen kẽ” cho lúa từ giai đoạn bón thúc lần 1 đến khi lúa làm đòng. Mặt khác, để thích ứng và sống chung với hạn, về lâu dài cần tăng cường trồng rừng, bảo vệ môi trường. Để môi trường tự cân bằng sinh thái, cần áp dụng ngay các biện pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến, dần dần đưa sản xuất nông nghiệp thoát khỏi sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.
PHƯƠNG NAM