Sản xuất vụ đông xuân: Thăng Bình gặp khó

VĂN TOÀN – MINH TÂN 17/12/2019 10:47

Chỉ còn khoảng hai tuần nữa, nông dân các địa phương ở huyện Thăng Bình sẽ xuống giống đại trà gieo sạ vụ sản xuất đông xuân 2019 – 2020. Hiện người dân đang tiến hành làm đất, dọn vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ sản xuất. Tuy nhiên, theo ghi nhận, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều nông dân ở Thăng Bình đang lo lắng không đủ nước tưới sản xuất mặc dù hệ thống kênh mương thủy lợi đã được đầu tư, gia cố. Ảnh: TOÀN TÂN
Nhiều nông dân ở Thăng Bình đang lo lắng không đủ nước tưới sản xuất mặc dù hệ thống kênh mương thủy lợi đã được đầu tư, gia cố. Ảnh: TOÀN TÂN

Tại xã Bình Đào, địa phương lưu ý nông dân chú trọng vét mương, làm đất; riêng đối với ruộng bỏ hoang một vụ, tiến hành lập danh sách để vận động người dân sản xuất hết diện tích trong vụ này. Tuy nhiên, vấn đề đang được xã Bình Đào quan tâm hiện nay, đó là tình trạng chuột đồng hoành hành, ảnh hưởng đến tâm lý người dân khi sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Thanh Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết, địa phương hiện đã triển khai nhiều biện pháp để diệt chuột, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn. “Trước thực trạng chuột đồng gây hại, UBND xã đã khuyến khích người dân diệt chuột với mức hỗ trợ là 3.000 đồng/đuôi chuột, nhưng kinh phí không đủ để chi trả; riêng vụ đông xuân năm ngoái địa phương cũng đã chi hơn 30 triệu đồng để diệt chuột. Tình trạng người dân bỏ hoang đất sản xuất hiện nay cũng một phần do chuột cắn phá” – ông Trung lý giải.

Theo ông Nguyễn Thanh Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương, tình trạng chuột sinh sản nhanh, trong khi năm nay không có mưa lụt nên tại các cánh đồng trên địa bàn, chuột gây hại trên cây trồng vụ này là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, tình trạng người dân bỏ hoang đất sản xuất tiếp tục gia tăng. Theo thống kê, 15ha đất sản xuất trên địa bàn chắc chắn sẽ bỏ hoang trong vụ đông xuân 2019 – 2020. Nếu tính luôn vụ này, đây là vụ mùa thứ 3 liên tiếp, diện tích này bị bỏ hoang. “Trước thực tế trên, kế hoạch sản xuất của địa phương chỉ còn khoảng 120ha. Số diện tích bỏ hoang còn lại, cỏ dại mọc um tùm, nếu tính chi phí thuê máy cày làm đất, người dân phải chi 350 nghìn đồng/sào, nên họ cũng ngao ngán” - ông Vinh cho biết.

Nguồn nước tưới phục vụ sản xuất cũng đang là vấn đề được các địa phương ở Thăng Bình quan tâm. Theo Chi nhánh thủy lợi huyện Thăng Bình, hiện nay mực nước tại các hồ thủy lợi như Cao Ngạn, Đông Tiễn chỉ đạt 70% dung tích chứa. Riêng đối với hồ Đông Tiễn nếu tính lượng nước sử dụng đến vụ hè thu năm sau mới chỉ đạt 50% diện tích tưới. Do đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch điều tiết nước trong năm 2020. Huyện Thăng Bình đã chỉ đạo ngành thủy lợi cần phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn kiểm tra hệ thống kênh mương, có biện pháp gia cố, sữa chữa để cấp nước tưới ổn định; các xã, thị trấn chỉ đạo thủy nông cơ sở có kế hoạch nạo vét, khắc phục hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi tại địa phương để chuẩn bị sản xuất. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về thực hiện tưới tiêu khoa học, tiết kiệm nước nhưng vẫn tăng năng suất.

Theo ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, vụ đông xuân 2019 – 2020, toàn huyện dự kiến sản xuất gần 8.300ha lúa. Theo kế hoạch, cuối tháng 12 dương lịch, nông dân toàn huyện sẽ bắt đầu xuống giống đại trà. UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về kế hoạch sản xuất, chuẩn bị các điều kiện về giống, phân bón, kỹ thuật để sản xuất vụ đông xuân đúng lịch thời vụ; quyết liệt hơn đối với tình trạng bỏ hoang ruộng đất, nhất là trên cây lúa. Đặc biệt hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương ra quân diệt chuột, ốc bươu vàng; hỗ trợ người dân các phương tiện bẫy, bả để tổ chức ra quân đồng loạt. “Đối với cây lúa, năm nay huyện Thăng Bình chú trọng đến diện tích lúa thuần có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày; cụ thể giống trung ngày chiếm 60% diện tích, giống ngắn ngày là 35%, còn lại là giống dài ngày. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt kết quả, bên cạnh những khuyến cáo của ngành chức năng, người dân cần thường xuyên thăm đồng, thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật, có phương án phòng chống dịch ngay từ đầu vụ để đạt hiệu quả sản xuất” – ông Hương nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sản xuất vụ đông xuân: Thăng Bình gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO