Những ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung mọi nỗ lực để triển khai sản xuất vụ hè thu 2015 theo đúng kế hoạch. Các cơ quan chuyên môn và chính quyền nhiều địa phương cũng tích cực thiết lập nhiều phương án đối phó với nguy cơ hạn hán.
Khẩn trương cày phơi ải
Từ đầu tháng 5 đến nay, có mặt trên nhiều cánh đồng của huyện Phú Ninh, đâu chúng tôi cũng thấy nông dân ra quân phát dọn cỏ bờ và cày phơi ải để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa hè thu 2015. Ông Ngô Văn Phụng ở thôn Ngọc Giáp (xã Tam Dân) cho biết: “Đông xuân vừa rồi, 5 sào lúa của tôi liên tục bị sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, đạo ôn, rầy nâu gây hại nên năng suất đạt không cao. Vì thế, thu hoạch xong là tôi lập tức vệ sinh đồng ruộng, rải vôi bột và cày phơi ải để triệt tiêu mầm bệnh”. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào hôm qua 10.5, ông Trần Ngọc Bằng - Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, vụ hè thu 2015 nông dân trên địa bàn huyện sẽ triển khai gieo sạ 3.200ha lúa. Theo ông Bằng, trong vòng 2 tuần trở lại đây, bên cạnh việc tập trung chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến và phổ biến rộng rãi khung thời vụ, cơ cấu giống thì ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền cơ sở cũng tích cực vận động nông dân khẩn trương làm đất nhằm chủ động cắt đứt cầu nối sâu bệnh. Ông Bằng nói: “Nhờ được tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi nên thời gian qua các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân Phú Ninh có điều kiện đầu tư mua sắm máy móc để thực hiện việc cơ giới hóa các khâu sản xuất. Qua thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay toàn huyện có không dưới 100 máy cày 4 bánh loại lớn và ít nhất 200 máy cày bông sen, vì vậy tiến độ làm đất đang diễn ra rất nhanh”.
Nhờ đẩy mạnh việc cơ giới hóa, tiến độ làm đất đang diễn ra rất nhanh.Ảnh: NGUYỄN SỰ |
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, vụ hè thu tới ngoài việc tổ chức canh tác 7.600ha bắp, 10.000ha rau đậu các loại thì nông dân toàn tỉnh còn triển khai xuống giống 42.000ha lúa, chủ yếu sử dụng những giống trung - ngắn ngày nhằm giảm thiểu tối đa tác động bất lợi của thời tiết cũng như tiết kiệm nguồn nước tưới và các chi phí đầu vào khác. Việc gieo sạ số diện tích lúa vừa nêu bắt đầu thực hiện từ ngày 15.5 và kết thúc vào 31.5.2015. Tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống, bố trí lúa trổ từ ngày 25.7 đến ngày 10.8 và phấn đấu thu hoạch xong trước ngày 5.9, chậm nhất là đến 10.9 để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra vào thời điểm cuối vụ. Do khoảng thời gian nghỉ giữa 2 vụ quá ngắn nên từ cuối tháng 4 dương lịch đến nay ngành nông nghiệp và các địa phương của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nhà nông khẩn trương làm đất với phương châm gặt lúa đông xuân đến đâu thì cày phơi ải đến đó. Tính đến thời điểm này, trong tổng số 42.000ha đất sản xuất lúa thì đã có 60% diện tích được phát dọn cỏ bờ và cày phơi ải.
Chủ động ứng phó với hạn
Khẩn trương xây dựng phương án chống hạn cụ thể trên địa bàn Theo cơ quan chuyên môn, vụ sản xuất hè thu 2015 của Quảng Nam được dự báo sẽ xảy ra khô hạn nặng từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 8 dương lịch vì nhiều khả năng lượng mưa ít hơn và nền nhiệt độ cao hơn mức trung bình nhiều năm. Đặc biệt, dòng chảy trên các con sông tiếp tục giảm dần, duy trì ở mức thấp và tình trạng xâm nhập mặn chắc chắn cũng diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp dự báo trong vụ tới toàn tỉnh sẽ có gần 15.000ha đất canh tác lúa và rau màu bị thiếu nước tưới. Cách đây vài ngày, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất hè thu 2015, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, để hạn chế thiệt hại cho nhà nông, ngay từ bây giờ UBND các cấp phải khẩn trương xây dựng phương án chống hạn cụ thể trên địa bàn, đồng thời nhanh chóng củng cố và kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống hạn năm 2015 để theo dõi, chỉ đạo thực hiện hiệu quả những biện pháp đối phó. Các đơn vị liên quan cần tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn, chống nhiễm mặn thích hợp. |
Tháng 2.2015, từ nguồn ngân sách tỉnh cấp, chính quyền thị xã Điện Bàn đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng tuyến đập bổi ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện với tổng chiều dài xấp xỉ 96m. Thế nhưng, khi công trình này đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì gần cuối tháng 3 vừa qua, mưa lũ bất ngờ xuất hiện đã cuốn trôi hơn 60m đập. Trước tình hình đó, UBND tỉnh vừa thống nhất chủ trương hỗ trợ thị xã Điện Bàn hơn 1 tỷ đồng để nhanh chóng khắc phục sự cố này. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, sáng qua 10.5 việc thi công đã chính thức được triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 23.5 nhằm tạo lá chắn ngăn mặn giữ ngọt để các trạm bơm điện nằm dọc tuyến sông Thu Bồn - Vĩnh Điện hoạt động ổn định, đảm bảo chủ động cung ứng nguồn nước cho ít nhất 2.000ha đất sản xuất lúa trong vụ hè thu 2015 sắp đến.
Nhằm đảm bảo nước tưới cho các loại cây trồng, ngoài việc chi 100 triệu đồng nâng cấp và gia cố đập Ba Suối ở xã Tam Dân thì bằng nhiều nguồn vốn huy động, huyện Phú Ninh cũng vừa đầu tư 3,5 tỷ đồng để tiến hành bê tông hóa 5km kênh chính tại các xã Tam Đại, Tam Dân, Tam Lộc, Tam Đàn. Theo ông Trần Ngọc Bằng, hiện nay các đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay từ đầu vụ hè thu này. Ông Bằng nói thêm: “Ngay từ giữa vụ đông xuân 2014 - 2015 ngành nông nghiệp huyện Phú Ninh và các địa phương đã phối hợp xây dựng cụ thể phương án phòng chống hạn trong vụ hè thu sắp tới với tổng kinh phí được phê duyệt hơn 2 tỷ đồng. Khi tình huống xấu xảy ra, với số tiền vừa nêu chúng tôi sẽ tập trung nạo vét hệ thống hồ chứa, đập thời vụ, kênh mương và lắp đặt ít nhất 15 máy bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước ngọt giải hạn cho cây trồng”.
Theo ông Lê Muộn, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi cần tính toán, cân đối lượng nước hiện có của công trình để bố trí diện tích sản xuất cho phù hợp, cắt giảm diện tích sản xuất ở những nơi có nguồn nước tưới được dự báo sẽ bị cạn kiệt sớm. Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm theo phương pháp “ướt khô xen kẽ”, tưới luân phiên, nhất là các hồ chứa nước có nguồn nước đang bị thiếu hụt. Ngoài ra, vận động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, đắp bờ vùng bờ thửa và thực hiện các biện pháp chống hạn truyền thống, tận dụng tối đa lượng nước tiêu từ các công trình thủy lợi và nguồn nước của ao hồ, sông suối để chống hạn.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các biện pháp trên thì cũng cần phải củng cố, kiện toàn những tổ thủy nông cơ sở, tăng cường công tác quản lý, điều hành, phân phối nước thông qua hoạt động của các tổ chức thủy nông cơ sở và các tổ chức sử dụng nước ở địa phương. Đối với những trạm bơm có nguồn nước bị nhiễm mặn, phải theo dõi chặt chẽ lịch thủy triều, quan trắc thường xuyên độ mặn để bơm lách triều, tuyệt đối không được vận hành bơm nước có nồng độ mặn lớn hơn 0,8‰ vào đồng ruộng. Các cơ quan có trách nhiệm cần phối hợp với các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn xây dựng và thực hiện quy chế xả nước phát điện hợp lý, bổ sung dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn để đẩy mặn, đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm điện hoạt động, phục vụ cấp nước cho sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân ở vùng hạ du...
NGUYỄN SỰ