Vụ hè thu năm nay được dự báo khó khăn về nước tưới, huyện Thăng Bình dự kiến phải cắt giảm khoảng 220ha. Để bảo đảm cung cấp đủ nước đến cuối vụ cho khoảng 7.100ha trên toàn huyện, ngành thủy lợi huyện và bà con nông dân đang chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Sản xuất 2ha lúa ở diện tích cuối kênh của xã Bình Giang, vừa thu hoạch xong vụ đông xuân 2019 - 2020, ông Nguyễn Đình Mức (ở tổ 1, thôn Hiền Lương) tiến hành cày ải ngay. Bởi theo ông Mức, đất này vốn bị chua phèn, cày ải sớm sẽ giúp phèn bốc hơi, không những vậy, sâu bệnh của mùa vụ trước sẽ không lan sang vụ này. Nhờ đó, hạn chế được các loại dịch bệnh như đạo ôn, vàng lá..., cây lúa sẽ phát triển nhanh hơn, giai đoạn đầu cũng không cần phải bón nhiều phân.
Cũng như ông Mức, khi thu hoạch lúa đông xuân đến đâu bà con nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày ải đến đó, tranh thủ thời tiết nắng nóng để phơi ruộng với mong muốn cải tạo đất, đồng thời hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển vụ. Trên một số chân ruộng trũng chua phèn, bà con đã chuẩn bị vôi để bón trước khi sạ ít nhất 7 - 10 ngày; tổ chức diệt chuột ở vùng gò đồi, bờ tre, bờ ruộng...
Tuyến kênh N22-5-1 cung cấp nước tưới cho hợp tác xã Bình Giang 2 trước kia là những tấm lát đúc sẵn, sau thời gian đã bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nơi trú ngụ của chuột, cỏ dại mọc, gây cản trở, thất thoát nguồn nước. Để chuẩn bị cho vụ hè thu, ngay khi vừa cắt nước vụ đông xuân 2019 - 2020, cụm thủy nông Bình Nguyên, thuộc chi nhánh thủy lợi huyện Thăng Bình đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp thay bằng những tấm lát đúc trực tiếp lên mái kênh.
Ông Trần Ngọc Kim - Cụm trưởng cụm thủy nông Bình Nguyên cho hay, cùng với việc nâng cấp 260m tuyến kênh này, để đảm bảo nước tưới cho diện tích cuối kênh ở xã Bình Giang, cụm thủy nông Bình Nguyên đã và đang tập trung phát dọn kênh thông thoáng, sạch sẽ, gia cố bê tông những đoạn kênh bị sạt lở.
“Ở khu tưới Bình Giang 1 có 200ha, chúng tôi tham mưu cho công ty đầu tư nạo vét hơn 800m lòng dẫn sông từ xã Duy Thành (Duy Xuyên) vào trạm bơm An Lạc 2. Cùng với đó, gia cố bê tông hơn 100m kênh N22-1 và nạo vét từ đầu tuyến đến cuối kênh” - ông Kim chia sẻ.
Xác định vụ hè thu này rất khó khăn cho công tác tưới, ngay từ cuối vụ đông xuân vừa qua, chi nhánh thủy lợi huyện Thăng Bình đã triển khai đến các phòng, ban kiểm tra, xây dựng kế hoạch sửa chữa, nạo vét, khơi thông 180km tuyến kênh do chi nhánh quản lý. Chi nhánh đã sửa chữa, tu bổ đạt 99% kế hoạch, nhờ đó đảm bảo từ giữa tháng 5 nhận nước từ Phú Ninh để bà con xuống giống. Đối với khu tưới trên các hồ Cao Ngạn, Đông Tiển, Phước Hà, chi nhánh mở nước đúng lịch vào ngày 23.5 để bà con kịp xuống giống vào 25.5.
Ông Lê Hải - Phó Giám đốc chi nhánh thủy lợi huyện Thăng Bình cho biết, không chỉ thực hiện các biện pháp công trình mà nhiều biện pháp phi công trình cũng đã được chi nhánh triển khai. Chi nhánh đã làm việc với các địa phương vùng tây về phần diện tích mà các hồ không đảm nhận nước tưới, theo đó dự kiến cắt giảm khoảng 220ha và khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích này. Chi nhánh cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tưới ướt khô xen kẽ, tưới luân phiên giữa các tuyến kênh, tiết kiệm nước, đảm bảo đưa nước đến mặt ruộng nhanh nhất.
Dự lường trước những khó khăn, từ đó, chủ động trong cung cấp nước, chi nhánh thủy lợi huyện Thăng Bình hướng đến mục tiêu đảm bảo nước tưới đến cuối vụ, đặc biệt chú trọng những diện tích cuối kênh. Do đó, chi nhánh mong muốn, bên cạnh nỗ lực của ngành, sự phối hợp của địa phương, người dân cũng cần phải vào cuộc thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm, không tự ý vận hành công trình thủy lợi. Tất cả vì một mùa vụ bội thu.