Ngày hội sáng tạo lớn nhất khu vực Trung Đông vừa diễn ra tại Dubai với nhiều ý tưởng, sản phẩm đa dạng, gây ấn tượng từ chủ đề biến đổi khí hậu, kiến trúc, nơi làm việc hiệu quả, đáng chú ý là công nghệ về chăm sóc sức khỏe.
Tuần lễ triển lãm thiết kế Dubai là sân chơi để hàng nghìn sinh viên từ khoảng 100 trường đại học trên khắp thế giới trình bày những ý tưởng độc đáo cũng như trưng bày, giới thiệu những sản phẩm ứng dụng trong tương lai. Trong đó, phải kể đến giải pháp về công nghệ nanobot trong cuộc chiến chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh của các sinh viên trường Đại học Hoàng gia Anh. Kháng thuốc kháng sinh hiện là vấn đề báo động trên toàn cầu, giết chết khoảng 400 nghìn người mỗi năm, thậm chí có thể khiến 10 triệu người tử vong vào năm 2050 nếu thế giới không tìm ra những giải pháp mới để chống lại thực trạng này. Nhiều đột phá y học của thế kỷ trước có thể bị mất đi ý nghĩa do tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng.
Nanobot là một loại rô bốt siêu nhỏ với kích cỡ chỉ vài nanomet, có khả năng xâm nhập và điều khiển các bộ phận ở mức độ phân tử. Với công nghệ này, các nhà khoa học có thể lập trình và đưa rô bốt này vào trong cơ thể để chúng chủ động chữa bệnh tật của cơ thể. Nanobot trong y học được xem là một cuộc cách mạng trong điều trị bệnh. Từ đó, các sinh viên của Anh giải thích ý tưởng cấy rô bốt nano mỏng hơn sợi tóc này vào máu của bệnh nhân để chống lại vi khuẩn kháng thuốc.
Chiếc áo choàng y tế thông minh là một sản phẩm được nhiều người quan tâm. Từng trải qua thời gian nằm viện điều trị bệnh xuất huyết não, Mariam Ibrahim, sinh viên thuộc đại học Mỹ ở Cairo (Ai Cập) phát triển ý tưởng về áo choàng cho bệnh nhân trong bệnh viện có trang bị cảm biến để kiểm tra thường xuyên những dấu hiệu về sức khỏe như nhiệt độ cơ thể, huyết áp, nhịp tim của bệnh nhân. Tất cả dấu hiệu này có thể được truyền qua ứng dụng điện thoại thông minh. Qua đó, bác sĩ có thể đưa ra một cái nhìn tổng quan hoàn chỉnh về bệnh nhân để có thể đưa ra xét nghiệm, điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Sau ba năm nghiên cứu, một nhóm sinh viên theo học thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan đã phát triển thành công “Excelscope 2.0”, một thiết bị cầm tay (di động) có thể xét nghiệm máu và chẩn đoán bệnh sốt rét một cách hiệu quả chỉ trong thời gian ngắn, và gởi kết quả đến bác sĩ. “Điều này hợp lý hóa quá trình chẩn đoán và làm giảm khối lượng công việc của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe” - nhà thiết kế Jan Sebastian van Ackeren nói. Mẫu thiết kế này rất tiện dụng cho các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Excelscope 2.0 có một cục pin có thể chạy liên tục trong ba ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt rét là bệnh đe dọa tính mạng do ký sinh trùng gây ra và do muỗi mắc bệnh truyền sang người. Hiện có khoảng 40% dân số thế giới có nguy cơ bị sốt rét, trong đó chủ yếu là người dân ở những quốc gia nghèo nhất, gây tử vong hơn một triệu người mỗi năm.
Mexico, một trong những thành phố thủ đô đông dân và ô nhiễm nhất thế giới với chất lượng không khí có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khu vực. Paralelo Mexico - sản phẩm của các sinh viên thuộc Học viện Công nghệ Monterrey (Mexico) sử dụng dữ liệu và thuật toán để trực quan hóa mức độ khí thải CO2, lưu lượng cũng như nhiệt độ môi trường chung quanh. Vì thế, Mexico Paralelo - được xem là một thiết bị đồ họa dữ liệu cũng cho thấy rõ hệ lụy từ sự phát triển nhanh chóng ở đô thị Mexico.