(QNO) - Tại Đà Nẵng hiện có 95 cựu chiến binh (CCB) đã từng chiến đấu, công tác tại Trường Sa và làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo giai đoạn 1984-1987. Trận đánh tại đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988 và những năm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đã khắc ghi trong tâm khảm họ biết bao kỷ niệm sâu sắc.
CCB Nguyễn Văn Tấn (tổ 16, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu): Vượt mọi khó khăn thử thách
CCB Nguyễn Văn Tấn. |
Tôi là chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân, đi trên tàu đầu kéo Đại Lãnh, cùng ra Trường Sa làm nhiệm vụ một đợt với hai tàu 604 và 605. Hai tàu bạn đi xây dựng nhà giàn ở đảo Gạc Ma, còn tàu chúng tôi xây dựng nhà giàn tại đảo Tốc Tang. Hai đảo cách nhau 30 hải lý, tức hơn 50km. Chiều 13.3.1988, tàu đến đảo, chúng tôi khẩn trương đưa vật liệu lên xây dựng công trình.
Trên tàu có chiếc radio sử dụng pin. Trưa ngày 14.3, chúng tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc danh sách 74 chiến sĩ hy sinh và mất tích trong trận đánh tại đảo Gạc Ma vào sáng cùng ngày. Chúng tôi bàng hoàng xúc động, ai nấy đứng lặng nhìn về phía đảo Gạc Ma để tưởng niệm đồng đội.
Chúng tôi tiếp tục bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng công trình với tinh thần hết sức khẩn trương. Làm việc bất kể ngày đêm, cứ thủy triều xuống thì hối hả thi công, đến khi thủy triều lên thì về tàu nghỉ, cho đến khi đổ được trụ bê tông cao hơn mặt nước mới chuyển sang chế độ làm ban ngày, đêm nghỉ.
Ở đảo không có rau xanh, thức ăn bữa nào cũng là cá do chúng tôi câu và bắt được. Thiếu rau xanh, nhiều anh em bị phù nề, có những người không đi được. Trên tàu có một y tá nhưng rất thiếu thuốc, thường hễ chữa hết phù nề lại chuyển sang teo cơ… Vượt qua mọi khó khăn thử thách, cả đơn vị ra sức thi công, hoàn thành công trình trước kế hoạch hơn 20 ngày. Vừa về đến đất liền, chúng tôi lại tiếp tục nhận nhiệm vụ đi xây nhà giàn ở đảo Đá Nam.
Được anh em bầu làm Trưởng ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP.Đà Nẵng giai đoạn 1984-1987, tôi rất mong lãnh đạo thành phố quan tâm giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn và ước ao được trở lại thăm quần đảo Trường Sa của Tổ quốc thân yêu.
CCB Phan Văn Đức (tổ 24, phường Mân Thái, quận Sơn Trà): Kiên quyết giữ đảo, không sợ hy sinh
CCB Phan Văn Đức. |
Chúng tôi đi tàu 604 đến khu vực đảo Gạc Ma vào chiều ngày 13.3.1988. Chiều hôm ấy có một số tàu chiến Trung Quốc đến uy hiếp và dùng loa phát bằng tiếng Việt, ngang ngược yêu cầu tàu ta phải rời đảo ngay. Anh em trên tàu vẫn bình tĩnh, kiên quyết giữ vững vị trí và khẩn trương lo chuyển vật liệu vào đảo.
Ba giờ sáng ngày 14.3.1988, Thiếu úy Trần Văn Phương và khoảng 20 chiến sĩ đã lên cắm cờ trên đảo Gạc Ma. Đến khoảng 6 giờ hôm ấy thì lính Trung Quốc tràn lên đảo và xông vào giật cờ của ta. Quân ta kiên quyết giữ cờ. Chúng hung hăng xả súng bắn vào anh em, đồng thời pháo từ tàu chiến của chúng bắn xối xả vào tàu chúng tôi. Tàu bị trúng đạn chìm. Tôi bị thương ở tay trái và bám được một miếng gỗ, trôi ra khơi thì được tàu cứu hộ của ta đến cứu.
Vừa về đến cảng Cam Ranh, tôi đã thấy anh em đồng đội hối hả bốc vật liệu xuống tàu để tiếp tục đi xây dựng công trình phòng thủ ở quần đảo Trường Sa, bất chấp mọi hy sinh, gian khổ.
Đã 29 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ trận đánh tại đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988. Tôi hết sức căm phẫn vì tàu Trung Quốc đã xâm chiếm đảo Gạc Ma của chúng ta, lại còn láo xược phát loa nói rằng “đây là lãnh thổ Trung Quốc…”.
CCB Nguyễn Lê Cao Nghiêm (số 2 đường Ỷ Lan Nguyên Phi, quận Hải Châu): Năm nào cũng tổ chức tưởng niệm các liệt sĩ
CCB Nguyễn Lê Cao Nghiêm. |
Tôi cùng nhập ngũ một đợt và cùng huấn luyện một đơn vị với 9 chiến sĩ ở Đà Nẵng - hy sinh ngày 14.3.1988 tại đảo Gạc Ma. Hồi ấy, sau khi huấn luyện, nhiều đồng chí về Trung đoàn 83 Công binh Hải quân, rồi đi làm nhiệm vụ ở các đảo, còn tôi và một số đồng chí được điều về Vùng 3 Hải quân, đóng tại bán đảo Sơn Trà. Tôi nhớ như in, từ đầu tháng 3.1988, tình hình ở Trường Sa đã trở nên căng thẳng và chúng tôi thường xuyên được quán triệt tinh thần sẵn sàng đi làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo.
Chiều 14.3.1988, khi đang huấn luyện bổ sung thì chúng tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc danh sách 74 chiến sĩ hy sinh và mất tích ở đảo Gạc Ma. Toàn đơn vị nghẹn ngào xúc động và ai cũng sẵn sàng lên đường bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Tôi cùng các thành viên trong Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP.Đà Nẵng giai đoạn 1984-1987, năm nào cũng tổ chức đi thắp hương tưởng niệm tại gia đình 9 liệt sĩ Trường Sa ở Đà Nẵng và tích cực vận động giúp đỡ những gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
CCB Phạm Phú Mạnh (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà): Mong chính quyền quan tâm, giúp đỡ
CCB Phạm Phú Mạnh (phải) và các CCB Trường Sa ở Đà Nẵng. |
Đơn vị tôi đang xây dựng nhà giàn ở đảo Tốc Tang B thì nghe thông báo về trận đánh tại đảo Gạc Ma vào sáng ngày 14.3.1988. Chỉ huy đơn vị đã phát động đợt thi đua “Noi gương các liệt sĩ đã hy sinh vì Trường Sa”, nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công. Cán bộ, chiến sĩ ra sức phấn đấu, vượt nắng thắng mưa để nhanh chóng hoàn thành công trình được giao.
Sau khi xuất ngũ, do không có việc làm ổn định, nên cuộc sống gia đình tôi rất bấp bênh. Ai gọi gì làm nấy, bữa có bữa không, gia cảnh gặp nhiều khó khăn. Tôi rất mong được các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ.
Thỉnh thoảng, tôi lại đi ra bãi biển, nhìn về phía khơi xa, lòng nao nao tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh tại đảo Gạc Ma. Qua đọc báo, nghe đài, tôi hết sức bất bình về hành động lấn chiếm, khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông. Tôi nguyện sẽ động viên con cháu hăng hái tòng quân nhập ngũ, để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
LÊ VĂN THƠM (ghi)