Tại hội nghị giao ban với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện vào cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cho rằng, việc triển khai chương trình hành động hàng năm cần đổi mới, không rập khuôn, làm phải có sản phẩm cụ thể, khuyến khích những cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Hội nghị được tổ chức nhằm nghe ý kiến thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm và góp ý bảng điểm thi đua công tác mặt trận năm 2023. Những năm qua, Mặt trận các cấp đã tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác theo chủ trương phải được đánh giá bằng sản phẩm cụ thể.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến nay hệ thống hội nghị truyền hình của Mặt trận đã đáp ứng các hội nghị giao ban trực tuyến giữa tỉnh đến 18 điểm cầu cấp huyện và hơn 140 điểm cầu cấp xã.
Mặt trận còn sử dụng hệ thống mạng xã hội zalo, facebook để trao đổi thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, phản ảnh hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Không hỗ trợ xóa nhà tạm dàn trải
Ông Võ Xuân Ca cho rằng cách làm xóa nhà tạm như lâu nay còn bộc lộ nhiều vấn đề. Việc hỗ trợ mang tính dàn trải dẫn đến thiếu bền vững, chưa phát huy được yếu tố cộng đồng trách nhiệm. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các địa phương thực hiện chủ trương xóa nhà tạm cần bám theo Chỉ thị 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên tinh thần hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm.
Thời gian đến, khi phân bổ kinh phí hỗ trợ, Mặt trận sẽ không “rải mành mành” như lâu nay, mà mỗi năm sẽ tập trung cho 1 - 2 địa phương để dứt điểm nhiệm vụ xóa nhà tạm.
Đến nay, 100% cơ quan Mặt trận cấp huyện và 220/241 cơ quan Mặt trận cấp xã mở chuyên mục “Đại đoàn kết” trên sóng truyền thanh; 184/241 xã, phường, thị trấn thành lập trang cộng đồng facebook và đã đăng tải 3.480 tin bài cộng tác về hoạt động của Mặt trận và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong năm 2022.
Mặt trận cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý, trao đổi công việc, trong đó đã vận hành phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc một cách hiệu quả.
Phát huy kết quả năm 2022, ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị Mặt trận các địa phương nghiên cứu hình thức tuyên truyền phù hợp, trong đó thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về vận hành tốt trang cộng đồng (fanpage) của Mặt trận. Bởi qua theo dõi còn nhiều trang cộng đồng của Mặt trận cấp xã được lập ra nhưng hoạt động chưa tích cực, sôi nổi.
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Nguyễn Phi Hùng cho rằng còn một số nhiệm vụ triển khai chưa tốt như tham gia xây dựng đô thị văn minh trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hay phong trào “Đoàn kết sáng tạo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Do đó, năm 2023, Mặt trận các địa phương cần quan tâm thực hiện hiệu quả hơn.
Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng thông tin về những hoạt động trọng tâm cấp tỉnh năm 2023 và đề nghị Mặt trận các địa phương cùng phối hợp thực hiện như: Liên hoan văn nghệ các tổ chức tôn giáo năm 2023; tổ chức đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số tham quan, học tập tại thủ đô Hà Nội; hội nghị biểu dương người có uy tín trong cộng đồng người Hoa tham gia xây dựng đô thị văn minh tại Hội An và Tam Kỳ; tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo các Hội thánh Tin Lành...
Khuyến khích sự sáng tạo
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết năm 2023 sẽ đổi mới chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo hướng cụ thể, thực chất, chặt chẽ, công khai, minh bạch, phát huy tối đa tinh thần tự giác, chủ động của Mặt trận cấp huyện. Đại diện Mặt trận các địa phương cũng đã góp ý nhiều nội dung để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng.
Ông Trần Tấn Dũng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An đề nghị xây dựng bảng điểm thi đua công tác mặt trận năm 2023 cần cụ thể để đánh giá được chất lượng của từng nhiệm vụ. Chẳng hạn về giám sát, phản biện xã hội, không nên đánh giá thiên về số lượng mà cần xem xét kết quả sau khi triển khai thông qua việc chính quyền đã tiếp thu, giải quyết những kiến nghị, góp ý của Mặt trận như thế nào.
Ông Phan Ngọc Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn đề nghị các ban chuyên môn của Mặt trận tỉnh cần theo dõi, kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sở bên cạnh đánh giá thông qua hồ sơ, trình chiếu phóng sự. Ngoài ra cần có “điểm cộng, điểm thưởng” cho địa phương đặc thù, có nhiều dự án, khối lượng công việc lớn và có những cách làm nổi bật, sáng tạo…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca đề nghị Mặt trận các địa phương lấy kết quả, sản phẩm cụ thể làm thước đo công tác mặt trận năm 2023.
Mặt trận tỉnh sẽ cân đối số lượng “điểm thưởng” phù hợp trong bảng điểm thi đua nhằm khuyến khích sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, điểm thưởng sẽ ưu tiên cho những địa phương làm tốt công tác vận động nhân dân trong giải tỏa mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án lớn…
Theo ông Võ Xuân Ca, hiện nay rất nhiều dự án bị ách tắc, giải ngân chậm do thiếu sự đồng thuận của người dân. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận là phải phối hợp tốt với chính quyền vận động, lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân để làm tốt công tác này.
Ông Võ Xuân Ca nhấn mạnh: “Làm Mặt trận có quyền sáng tạo và phải khuyến khích điều đó. Việc triển khai chương trình hành động hàng năm cần đổi mới, không rập khuôn, làm phải có sản phẩm cụ thể”.