Sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy: Cần giải quyết những vướng mắc

P.VINH - H.GIANG 08/11/2018 02:11

Từ ngày 1.11.2018, các địa phương Nông Sơn, Quế Sơn, Nam Trà My, Phước Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn thực hiện sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Trong số 12 địa phương còn lại, ngoài 8 đơn vị đã có quyết định phê duyệt đề án, các huyện Duy Xuyên, Phú Ninh, Tây Giang và TP.Hội An vẫn đang hoàn chỉnh đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Ở những địa phương đã thực hiện, tìm hiểu tại Nông Sơn và Nam Trà My, phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận, ngoài những thuận lợi, các địa phương cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc đặt ra sau sáp nhập.

Không gian phòng làm việc của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nông Sơn sau khi sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Ảnh: Đ.V
Không gian phòng làm việc của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nông Sơn sau khi sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Ảnh: Đ.V

Băn khoăn về tính pháp lý

Ngày 28.9.2018, Huyện ủy Nông Sơn công bố quyết định sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy theo đề án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Theo đó, chức năng quản lý tài chính, tài sản của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện được chuyển về Văn phòng Huyện ủy, còn 3 biên chế viên chức của đơn vị này được chuyển về Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nông Sơn. Tuy đến ngày 1.11.2018 mới có hiệu lực, nhưng ngay sau khi công bố quyết định sáp nhập, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nông Sơn với mô hình mới đã đi vào hoạt động. Ông Bùi Xuân Trung - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nông Sơn cho biết, do trước đây lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị nên khi sáp nhập hai đơn vị này mọi hoạt động đều diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất đơn vị đang hết sức quan tâm là vấn đề về thủ tục pháp lý liên quan đến con dấu.

Theo phân tích của ông Trung, trước đây khi chưa sáp nhập, lãnh đạo kiêm nhiệm hai chức danh Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện được cấp 2 con dấu khác nhau. Khi cấp các bằng sơ cấp chính trị hoặc giấy chứng nhận thì dùng con dấu của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị theo đúng Quyết định 185-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm. Tuy nhiên khi sáp nhập thì con dấu của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị bị thu hồi, chỉ còn con dấu khối đảng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nông Sơn. “Chính vì vậy mà hiện giờ chúng tôi rất băn khoăn khi việc cấp bằng cho các học viên của địa phương phải thay đổi rất nhiều. Ví dụ, trước đây trên văn bằng, chứng chỉ ghi tiêu đề là “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, bây giờ khi chuyển qua khối Đảng phải ghi là “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM”, và con dấu xác nhận là của Ban Tuyên giáo. Chúng tôi mong muốn cấp trên sớm có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để đồng nhất quy chuẩn mới. Nếu chậm trễ hoặc không thực hiện đồng nhất, có thể văn bằng và giấy chứng nhận mà chúng tôi cấp cho học viên khi đến địa phương khác sẽ bị lệch đi, ảnh hưởng đến quyền lợi của học viên” - ông Trung nói.

Sớm hướng dẫn cụ thể

Sau huyện Nông Sơn, Nam Trà My là địa phương thứ hai của tỉnh thực hiện chủ trương sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Thực hiện việc sáp nhập này, có 4 biên chế viên chức và 1 hợp đồng 68 của trung tâm được chuyển về Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My. Việc thực hiện chủ trương trên nhận được sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của hai đơn vị. Cũng như huyện Nông Sơn, trước khi sáp nhập hai đơn vị này, Nam Trà My đã thực hiện chủ trương Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, ngoài những thuận lợi trong việc lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị; giảm biên chế, tinh gọn được tổ chức bộ máy, cái khó đặt ra sau khi sáp nhập là dư kế toán của trung tâm, vì theo đề án vị trí việc làm Huyện ủy chỉ có 1 kế toán. Địa phương cũng rất băn khoăn trong việc thực hiện chính sách tiền lương đối với các giảng viên kiêm chức, giảng viên chính của trung tâm khi chuyển về Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Vì vậy, tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi như thế nào về chuyên môn, chính sách tiền lương sau khi hợp nhất hai đơn vị này để đơn vị mới hoạt động hiệu quả; giải quyết phù hợp các chế độ chính sách liên quan cho cán bộ yên tâm công tác.

Còn theo ông Đỗ Đức Huynh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nông Sơn, ngoài những băn khoăn về cơ chế pháp lý, địa phương cũng đang gặp khó khăn trong việc chi trả chế độ cho 3 viên chức thuộc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện khi qua làm việc ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Trong đó 1 viên chức có thời gian 5 năm công tác nên Huyện ủy Nông Sơn đã làm hồ sơ đề nghị xét tuyển công chức và đang chờ phê duyệt. “Việc giải quyết chế độ cho 2 trường hợp viên chức còn lại khi họ đang đảm nhận công việc của khối Đảng như một công chức là điều mà chúng tôi hết sức băn khoăn; mong cấp trên sớm có chỉ đạo chung để đảm bảo quyền lợi cho những trường hợp này. Trước mắt, chúng tôi động viên 2 viên chức này tiếp tục hoàn thành tốt công việc và đợi đủ thời gian 5 năm công tác sẽ làm hồ sơ đề nghị xét tuyển” - ông Huynh nói.

P.VINH - H.GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy: Cần giải quyết những vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO