Sau 75 năm ngày xuất bản, tác phẩm kinh điển Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind) - được độc giả của báo Le Monde và hệ thống phát hành văn hóa phẩm FNAC tại Pháp bình chọn một trong 100 cuốn sách hay nhất của thế kỷ 20, vẫn là niềm đam mê khám phá, sáng tạo của những nhiều nhà văn và là sức hút cho độc giả.
Cuốn theo chiều gió là tiểu thuyết duy nhất của nữ nhà văn Mỹ Margaret Mitchell (1900 - 1949) được xuất bản năm 1936, lấy bối cảnh là cuộc nội chiến tại Mỹ, xoay quanh những biến động trong cuộc đời của một tiểu thư miền nam là Scarlett O’Hara. Vốn quen với cuộc sống đài các, nhưng Scarlett đã phải bươn trải khắp mọi nơi để tồn tại khi miền nam thất thủ, để rồi vào một ngày không xa nàng nhận ra thử thách lớn nhất của cuộc đời mình không phải là chiếm được trái tim Asley, mà chính là giành lại được tình yêu của chàng lãng tử Rhett Butler. Tác phẩm từng giành giải thưởng văn học Mỹ Pulitzer vào năm 1937.
Scarlett O’Hara và người hầu trong phim Cuốn theo chiều gió (1939). |
Hơn 75 năm sau khi ra mắt Cuốn theo chiều gió, nhà xuất bản New York Simon & Schuster (Mỹ) quyết định quay ngược thời gian khi dự kiến sẽ ra mắt độc giả cuốn sách Chuyến du hành của Ruth (Ruth’s Journey) vào tháng 10 tới đây. Đây được xem là cuốn tiền truyện của Cuốn theo chiều gió kể nói về Mamma - vú em của Scarlett O’Hara. Với Chuyến du hành của Ruth, người hầu trung thành hay nhân vật quan trọng trong cuộc đời của Scarlett O’Hara có một quá khứ và cái tên Ruth, điều mà Margaret Mitchell chưa kịp viết trong Cuốn theo chiều gió. Tiền truyện kể lại chuyện Ruth bị bắt cóc ở Haiti rồi bị đưa về Savannah (bang Georgia, Mỹ) làm nô lệ vào đầu thế kỷ 19. Theo nhà xuất bản, Chuyến du hành của Ruth tập trung vào nhân vật có tên Ruth, một trong những hình tượng được yêu thích nhất trong Cuốn theo chiều gió: sắc sảo, đáng yêu, nhạy cảm và đầy tính đạo đức.
Chuyến du hành của Ruth là tác phẩm được mong đợi của nhà văn Mỹ Donald McCaig, người được biết đến với những tiểu thuyết về cuộc nội chiến ở Mỹ và là tác giả đã đoạt nhiều giải thưởng văn học tại Mỹ. Donald McCaig cũng chính là “hậu bản” thứ hai Rhett Butler’s People được xuất bản năm 2007, viết tiếp những gì mà Margaret Mitchell đã bỏ lửng cho số phận của Rhett Butler và Scarlett O’Hara ở Cuốn theo chiều gió. Trước đó, “hậu bản” Cuốn theo chiều gió đầu tiên là Scarlett của nhà văn Alexandra Ripley mặc dù nhận nhiều lời chỉ trích từ các nhà phê bình, nhưng lại rất thành công về doanh thu.
Được biết, Chuyến du hành của Ruth nhận được đồng ý từ người thừa kế của Margaret Mitchell, dày 416 trang với 2/3 nội dung sẽ kể ở ngôi thứ 3, trong khi phần cuối được kể bởi chính nhân vật Ruth. Theo các nhà phát hành sách, mặc dù có thể cuốn sách không phải một tác phẩm bom tấn nhưng nó sẽ thu hút giới báo chí, các nhà phê bình phim cũng như độc giả toàn cầu. Nhà xuất bản cho biết họ sẽ in khoảng 250 nghìn bản sách trong lần phát hành này. Còn kinh đô điện ảnh Hollywood (Mỹ) cũng rất quan tâm đến cuốn sách này và dự định sẽ chuyển thể tác phẩm thành phim nếu nó bán chạy. Trước đây, bộ phim Cuốn theo chiều gió của đạo diễn Mỹ Victor Fleming dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên ra mắt công chúng vào năm 1939 từng giành 8 giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh Oscar.
QUỐC HƯNG