Sắp xếp lại Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy đang được tỉnh tính toán nhưng vẫn chưa chọn ra phương án hợp lý nhất.
Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh sẽ được sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng vẫn chưa chọn được phương án phù hợp. Ảnh: D.LỆ |
Tâm tư người trong cuộc
Năm 2004 Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh được tái lập trên cơ sở Trạm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, đồng thời thành lập phòng khám trực thuộc. Không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc sức khỏe, ban còn phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, bảo mật thông tin về tình trạng sức khỏe cán bộ tỉnh. Theo ông Trương Đức Minh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) yêu cầu sắp xếp và cơ cấu lại nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ tốt hơn, nên ban và phòng khám của ban cần thiết phải tồn tại. “Việc tổ chức cơ cấu lại phòng khám thế nào, tôi thiết nghĩ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, những người có trách nhiệm trong việc sắp xếp cần xem xét tính chất của việc đảm bảo sức khỏe cho cán bộ tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị tốt hơn. Đồng thời tôi kiến nghị việc sắp xếp làm sao phải để cho những người làm chuyên trách ở đây cảm thấy được đối xử công bằng” - ông Minh nói.
Nhiệm vụ của Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh là quản lý hồ sơ sức khỏe cán bộ tỉnh từ cấp trung, cao cấp phục vụ cho công tác tổ chức; chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ngoại trú tại phòng khám thuộc ban, phát hiện bệnh ban đầu và định hướng điều trị tốt nhất cho cán bộ; tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, phục vụ tại nhà đối với cán bộ cao tuổi, hưu trí trong và ngoài giờ làm việc, chăm sóc sức khỏe cho các đoàn cán bộ đến tỉnh công tác. Ông Trương Đức Minh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh đề xuất, tỉnh cần tính toán về nhiều khía cạnh, chỉ nên chuyển đổi cơ quan quản lý về nhà nước đối với ban từ Tỉnh ủy sang Sở Y tế. Như thế, ban sẽ tồn tại là một đơn vị độc lập trực thuộc Sở Y tế, chức năng nhiệm vụ vẫn đảm bảo, không gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh. Khi đó sẽ thuận lợi về việc điều động cán bộ, bố trí trang thiết bị thuận tiện hơn. Về lâu dài, ông Minh cho rằng tỉnh có thể xem xét cho phép ban thực hiện công việc khám chữa bệnh dịch vụ như một số nơi trong nước đã làm, nhằm đảm bảo tăng thu, cải thiện đời sống cán bộ, y bác sĩ. Khi nhất thiết phải sắp xếp, ông Minh cho rằng cần chuyển nguyên trạng đơn vị thành một khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới đảm bảo được nhiệm vụ chính trị của ban. |
Ông Minh cho hay, ban hiện có 11 cán bộ chuyên trách, nhân viên, chủ yếu là ở phòng khám của ban (trong đó 7 người làm nhiệm vụ chuyên môn), gồm 10 biên chế và hợp đồng 68 cùng 1 hợp đồng làm bảo vệ. “Khi có thông tin sắp xếp, anh em tâm sự với tôi rằng họ cảm thấy dường như sứ mệnh lịch sử của ban nói chung và phòng khám nói riêng không còn. Phòng khám chỉ có 3 bác sĩ, nhưng một người đã làm đơn xin nghỉ hưu sớm theo chế độ 108, một bác sĩ làm đơn xin thôi việc vì lý do cá nhân, và một điều dưỡng trưởng cũng xin nghỉ. Trên thực tế họ vẫn còn đang đi làm vì Thường vụ Tỉnh ủy chưa có ý kiến, nhưng tâm lý làm việc không còn như trước” - ông Minh chia sẻ. Ông Minh bộc bạch, những cán bộ chuyên trách của ban đều được tuyển chọn kỹ càng nên họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao chứ không so đo về phương diện kinh tế. Những cán bộ này chỉ hưởng lương và phụ cấp tăng thêm chứ không có nguồn nào khác nữa.
Phương án nào cũng khó
Ông Lê Văn Dũng - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho hay, Tỉnh ủy đã có dự thảo đề án với hai phương án và tổ chức một số cuộc làm việc với những đơn vị liên quan về việc sắp xếp lại ban. Theo cả hai phương án, việc sắp xếp lại đều vẫn còn tồn tại Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, trong đó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy vẫn kiêm nhiệm trưởng ban, Giám đốc Sở Y tế là phó ban, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh là phó ban trực. Chỉ có phòng khám thuộc ban có sự biến động. Trong đó, phương án đầu tiên sẽ chuyển nguyên trạng phòng khám thuộc ban hiện tại đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh và thành lập một khoa chăm sóc sức khỏe cán bộ trong bệnh viện, phó ban trực hiện tại sẽ là trưởng khoa này. Phương án này sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc thăm khám sức khỏe cán bộ tỉnh, kết nối với bệnh viện các tuyến trong và ngoài tỉnh thuận lợi. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, như thế Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại gặp khó khăn khi thực hiện lộ trình tự chủ tài chính, nhưng không có quyền quyết định về nhân sự (hiện nay Sở Y tế tuyển dụng và bố trí công việc). Vì thế, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã có ý kiến với tỉnh chỉ nhận chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh chứ không tiếp nhận phòng khám của ban chuyển đến.
Phương án thứ hai được đưa ra là sẽ chuyển toàn bộ nhân sự về Sở Y tế quản lý, không còn tồn tại phòng khám thuộc ban nữa, nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ được giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Như thế có nghĩa ban sẽ còn nhưng làm nhiệm vụ kiêm nhiệm, và giải thể hẳn phòng khám. Về con người, Sở Y tế có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, trình độ và nguyện vọng cá nhân của mỗi người. Về phương án này, có ý kiến cho rằng nếu giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì việc thăm khám sức khỏe cho cán bộ tỉnh như chế độ lâu nay sẽ gặp trở ngại, vì khi đó sẽ thực hiện khám chữa bệnh chung tại bệnh viện. Còn nếu cấp thẻ cho cán bộ để được ưu tiên khi khám chữa bệnh, e rằng người dân sẽ có ý kiến. Kể cả việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ hưu trí, cao tuổi cũng bất tiện hơn vì không thể thăm khám tận nhà, nhất là ngoài giờ làm việc.
Phương án nào đưa ra để lựa chọn cũng gặp phải khó khăn nên đến nay việc sắp sếp lại Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh vẫn chưa thể thực hiện. Mặt khác, ông Lê Văn Dũng cho biết, hiện nay trung ương đang lấy ý kiến về việc sửa đổi Hướng dẫn số 23 năm 2008 của Ban Bí thư đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ. Tỉnh đang chờ hướng dẫn của cấp trên để tiến hành sắp xếp theo đúng chủ trương, tinh thần của trung ương.
DIỄM LỆ