Những năm qua, đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ở huyện Nam Trà My đã đồng lòng góp công, góp của thực hiện cuộc di dân “lịch sử” cho chính mình. Ở nơi gặp nhiều khó khăn nhất về mặt bằng tái định cư, sự đồng thuận của người dân đã giúp cuộc di dân ấy thành công ngoài mong đợi.
Hiến đất cho nóc
Đầu năm 2019, xã Trà Mai bắt đầu cuộc khảo sát về việc di dời dân ở nóc Loong Póc (thuộc thôn 3 của xã). Cả nóc có tổng cộng 42 hộ, toàn bộ là người Ca Dong. Chính quyền xã xuống gặp dân để phổ biến chủ trương, lắng nghe nguyện vọng của bà con. Cuộc gặp đầu tiên, đa số ý kiến bày tỏ sự lo ngại. Nóc Loong Póc đã hình thành hàng chục năm, nhà cửa, vườn tược đều đã ổn định, dù địa điểm di dời trong dự kiến chỉ cách đó chừng vài trăm mét, nhưng kéo theo đó là quá nhiều băn khoăn. Chưa có mặt bằng, kinh phí cho việc dựng nhà mới, rồi cây cối, vườn tược ở nơi cũ… là điều được nhắc đến nhiều nhất. Kéo dài đến tận nửa đêm, kết quả cuộc gặp đầu tiên chỉ dừng lại ở việc thông báo chủ trương di dời nhằm tránh sạt lở.
Lần đầu chưa được, cán bộ xã về với Long Póc lần thứ hai. Câu chuyện lần này đi xa hơn, không chỉ gói gọn trong địa phương thôn, xã. Dẫn chứng chuyện sạt lở ở Khe Chữ (xã Trà Vân) và những ẩn họa, bà con bắt đầu thấy được cái đúng, cái lý của việc phải di dời. Phương án đưa ra được bà con thống nhất, là di dời xuống cách đó hơn hai trăm mét. Vẫn là làng cũ, nhưng vị trí này cách xa taluy âm của đường Đông Trường Sơn hơn, không lo sạt lở mỗi khi mưa lũ nữa. Mừng hơn nữa, là hộ ông Nguyễn Hồng Vịnh, chủ khoảng đất nơi bà con chuẩn bị di dời, đã đồng thuận hiến đất cho cả làng. Kể cả nhà ông Vịnh, 42 hộ đều được cấp mỗi hộ 200m2 đất để làm nhà mới. Xã cử người đi đo đất, cắm mốc phân chia cho bà con. Để giữ “cái tình”, bà con hoán đổi với chủ đất bằng một phần rẫy, bằng vài ngày công, cao nhất là… một triệu đồng. Người hiến đất là ông Vịnh cũng không nề hà gì chuyện đổi chác. Có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, đề nghị đổi lại cho ông mấy gốc cây giống bù vào đúng số cây trên đất cũ, ông cũng vui vẻ đồng ý. Chuyện “giải phóng mặt bằng” thành ra đơn giản. Có đất rồi, bà con trong xóm luân phiên đổi công làm từng nền đất. Hết nhà này sang nhà khác.
Trưởng thôn 3 - ông Nguyễn Xuân Lếp kể, ngày dời về làng mới, mỗi nhà góp một ít để già làng cúng đất. Xong chia thành nhóm để dỡ nhà, dời đồ đạc, dựng lại nhà trên đất mới. “Có hộ vì quá khó khăn, nhà neo người như bà Hồ Thị Vị, Hồ Thị Manh, bà con sẵn lòng làm giúp hết mọi việc, chủ nhà không phải trả khoản tiền công nào, cũng không phải đổi công lại. Gia đình nào không đủ người để trả công cho hàng xóm, cũng chỉ phải đóng góp 30 nghìn đồng/ngày công. Số tiền này gọi là tiền cơm nước thôi, vì bà con đi làm đường Đông Trường Sơn ngay phía trên nóc, chủ thầu đã trả hơn 200 nghìn mỗi ngày công lao động. Hơn hết là cái tình hàng xóm với nhau” - ông Lếp nói.
An cư trên vùng đất mới
Mưa núi sầm sập đổ xuống mái tôn. Ngồi trong căn bếp, anh Hồ Thái Lâm nói, thật may vì đã kịp dời đi trước mùa mưa. “Nhà tôi dời đi vào ngày 7.8 vừa rồi. Làm hơn một tháng thì xong, rộng rãi hơn hẳn nhà cũ. Chỗ này thoải mái hơn, lại không sợ đá lăn vào nhà, vào vườn, chỉ có mặt bằng hơi dốc nên lúc đầu làm nền nhà vất vả lắm. Cả làng, giờ chỉ còn vài nhà chưa làm được nền gạch, nền xi măng cứng thay cho nền đất, còn lại nhà cửa cơ bản hết cả” - anh Lâm chia sẻ.
Ở Loong Póc, bà con linh động chọn vị trí đất với nhau. Chưa có nhà sinh hoạt chung, họ chọn một ngôi nhà giữa làng để làm nơi hội họp. Nửa phía dưới nóc đi bộ lên, nửa phía trên đi xuống, tiện cho bà con. Ngồi với chúng tôi, anh Võ Hồng Bảy, cán bộ địa chính của xã kể lại, ban đầu, khi anh em đi vận động, bà con chỉ san nền xong rồi để đó, đề nghị ăn Tết lúa mùa xong mới xin phép làng để di dời. Nhưng đó là thời điểm vào mùa mưa, nếu cứ chờ đợi, nguy cơ sạt lở còn lơ lửng trên đầu. Song, đã là tục, để thay đổi cũng là một điều khá khó. Xã xuống vận động tiếp, hướng dẫn bà con để lại nhà bếp (nhà cúng), còn nhà sàn thì di dời trước. Một số đảng viên ở nóc gương mẫu làm trước, bà con bắt đầu rục rịch làm theo. Điện được kéo về nơi mới, hạ tầng nhanh chóng hoàn thiện. “Chúng tôi khi đi vận động đều nói về cái mới, cái được, giải thích cho bà con lợi ích của việc di dời. Chuyện gì trong khả năng hỗ trợ của xã như đo đạc, cắm mốc giúp bà con, liên hệ nhờ sửa lại đường sá, kéo điện…, xã đều đẩy nhanh tiến độ để kịp cho bà con dựng lại nhà cửa. Nhờ đó mà chỉ trong vòng vài tháng Loong Póc di dời được toàn nóc, không còn hộ nào ở lại nơi cũ” - anh Bảy nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Mai - Nguyễn Văn Nhân thông tin, việc di dời, sắp xếp dân cư ở Trà Mai bắt đầu từ năm 2017. Giai đoạn đầu, tiến độ có chậm, nhưng sau khi làm được tại một vài điểm, các điểm khác việc tuyên truyền, vận động thuận lợi hơn nhiều. “Chúng tôi đã làm được 4 khu tái định cư cho dân, gồm khu Bãi Tranh, khu Km33, Tắk Ven và Loong Póc, với tổng số gần 210 hộ của 4 thôn. Hiện nay, chỉ còn khoảng 20 hộ có nhu cầu di dời, sắp xếp lại dân cư và đang tiến hành khảo sát, tìm địa điểm. Cái khó nhất vẫn là quỹ đất, bởi địa hình ở địa phương khá chật hẹp, không có mặt bằng sẵn mà phải tự tạo mặt bằng. Nhờ các chính sách hỗ trợ, địa phương cũng lồng ghép tạo được nguồn lực nhất định hỗ trợ bà con di dời. Mọi việc đều dựa vào sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, giúp công cuộc di dời, sắp xếp dân cư ở địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực” - ông Nhân cho hay.