Những năm qua, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương miền núi trong tỉnh nỗ lực triển khai công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư vùng thiên tai; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn.
Nhiều hạn chế
Khu vực miền núi Quảng Nam (gồm các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn) có địa hình hầu hết là đồi núi, độ dốc lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra đã tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Ông Lê Nhãn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, thực hiện cơ chế, chính sách sắp xếp ổn định dân cư theo Nghị quyết số 12 và số 31 của HĐND tỉnh, từ năm 2017 - 2020 chính quyền 9 huyện miền núi đã tổ chức sắp xếp, di dời chỗ ở cho 6.905 hộ dân, trong đó có 2.914 hộ dân ở những vùng thiên tai cần phải di dời.
Tổng kinh phí hỗ trợ người dân di chuyển nhà cửa là hơn 349 tỷ đồng. Tỉnh cũng chi gần 274 tỷ đồng xây dựng 44 khu tái định cư với tổng diện tích 62,7ha để bố trí chỗ ở cho 2.034 hộ dân di dời theo diện tập trung.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc sắp xếp ổn định dân cư đã bộc lộ không ít hạn chế. Đơn cử, việc chọn địa điểm quy hoạch bố trí dân cư, công tác đánh giá mức độ an toàn khi rà soát quy hoạch chưa có đầy đủ cơ sở khoa học, dẫn đến một số điểm tái định cư có nguy cơ sạt, trượt trong mùa mưa bão, nhất là ở các huyện miền núi cao.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, một số khu tái định cư tập trung, nhất là các khu tái định cư do dân góp vốn thực hiện thiếu quy hoạch chi tiết nên rất khó khăn trong việc bố trí tái định cư cũng như các công trình phúc lợi khác. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cho các khu - điểm tái định cư tập trung ở miền núi còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách trung ương nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ngân sách tỉnh chưa có nguồn vốn riêng theo mục tiêu đầu tư các khu - điểm phục vụ công tác sắp xếp ổn định dân cư. Đáng chú ý, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 425 về việc thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, UBND tỉnh chưa ban hành danh mục đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi để bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025...
Nhu cầu di dời còn khá lớn
Ông Lê Nhãn cho biết, hiện nay nhu cầu sắp xếp, bố trí ổn định dân cư phòng chống thiên tai trên địa bàn 9 huyện miền núi còn khá lớn. Tổng số hộ cần phải di dời trong giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh (Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2025) đã được UBND 9 huyện miền núi phê duyệt là 5.280 hộ, trong đó di dời tập trung 2.958 hộ và di dời xen ghép 2.322 hộ.
“Qua rà soát, tổng số điểm tái định cư phòng chống thiên tai cần xây dựng quy hoạch chi tiết tại 9 huyện miền núi trong giai đoạn 2022 - 2025 là 57 điểm với tổng diện tích 94,7ha và tổng số hộ bố trí là 2.958 hộ. Dự tính, tổng kinh phí xây dựng quy hoạch chi tiết 57 điểm tái định cư này là 11,4 tỷ đồng. Theo dự thảo đề án của Sở NN&PTNT, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh gần 9,7 tỷ đồng, nguồn ngân sách huyện và lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án khác hơn 1,7 tỷ đồng” - ông Nhãn nói.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư vùng thiên tai mang lại hiệu quả cao cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Các đơn vị liên quan phải tích cực phối hợp rà soát nội dung quy hoạch các khu - điểm tái định cư phòng chống thiên tai đảm bảo phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội các cấp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện… ở từng địa phương.
Quy hoạch phát triển các khu - điểm dân cư gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện địa hình tự nhiên, thuận lợi cho việc sản xuất, phù hợp với phong tục tập quán của người dân bản địa, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
“Rút kinh nghiệm từ thực tế, việc triển khai rà soát quy hoạch các khu - điểm tái định cư phòng chống thiên tai khu vực miền núi phải được tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
Các địa phương có trách nhiệm quy hoạch các khu - điểm tái định cư đảm bảo có đủ điều kiện về đất ở, đất canh tác và thuận lợi trong việc kết nối hạ tầng giao thông, điện, y tế, giáo dục, nguồn nước... nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới” - ông Trương Xuân Tý nói.
Linh hoạt nguồn vốn bố trí tái định cư
Cuối tuần qua, tại cuộc họp với lãnh đạo Sở NN&PTNT và UBND 9 huyện miền núi xung quanh công tác rà soát quy hoạch các điểm tái định cư phòng chống thiên tai khu vực miền núi Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các huyện miền núi cân đối quỹ đất để quy hoạch các điểm tái định cư theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư theo quy định hiện hành. Đặc biệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về bố trí sắp xếp, ổn định dân cư miền núi.
Chủ động và linh hoạt lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số - miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025) và Quyết định số 590 (ngày 18.5.2022) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình “Bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” để đầu tư kết cấu hạ tầng các điểm tái định cư sau quy hoạch...