Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Theo hướng mở và linh hoạt (bài 1)

DIỄM LỆ 16/07/2018 09:22

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập” của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Quảng Nam đang từng bước sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng mở và linh hoạt. Việc sắp xếp này sẽ là giải pháp cho nhiều mục tiêu về nâng cao chất lượng đào tạo, tinh giản đội ngũ biên chế, tận dụng cơ sở vật chất, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động..., nếu được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.

Thời điểm còn hoạt động, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề huyện Bắc Trà My hoạt động mạnh trong lĩnh vực đào tạo nghề. Ảnh: D.L
Thời điểm còn hoạt động, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề huyện Bắc Trà My hoạt động mạnh trong lĩnh vực đào tạo nghề. Ảnh: D.L

BÀI 1: ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC

Nghị quyết số 19 định hướng địa bàn cấp huyện cần sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề. Trong thực tế, việc này được Quảng Nam thực hiện từ năm 2015. Thậm chí đến năm 2017 tỉnh đã giải thể các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề cấp huyện và giải quyết ổn thỏa câu chuyện nhân lực.

Chủ động hướng đi

Trước đây toàn tỉnh có 13 trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên hoặc giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề cấp huyện (tùy theo chức năng mà mỗi địa phương có cách gọi khác nhau). Các trung tâm này ra đời với sứ mệnh đào tạo bổ túc văn hóa cho những người chưa học hết bậc học phổ thông, đào tạo nghề cho học sinh để được cộng điểm thi tốt nghiệp. Vì vừa có chức năng giáo dục thường xuyên, vừa có chức năng hướng nghiệp, dạy nghề nên đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các trung tâm này cũng thuộc dạng “tổng hợp”, được phái cử từ các đơn vị GD-ĐT, LĐ-TB&XH, nông nghiệp... Có địa phương hoạt động của trung tâm hiệu quả, sôi động, nhưng cũng có nơi chỉ hoạt động cầm chừng. Năm 2015, sau nhiều cuộc họp bàn do UBND tỉnh chủ trì với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở LĐ-TB&XH, Sở GD-ĐT, hai đơn vị chủ quản trực tiếp của các trung tâm, phương án tối ưu đã được đưa ra là hợp nhất chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị thành trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề cấp huyện, giao cho Sở LĐ-TB&XH quản lý về chuyên môn, UBND cấp huyện quản lý con người. Tuy nhiên, các đơn vị này tiếp tục lặp lại chuyện cũ: có nơi hoạt động hiệu quả nhưng có nơi không gượng dậy được. Từ đó, bài toán giải thể được UBND tỉnh đưa ra, giao cho các sở, ngành và UBND cấp huyện tính toán cho từng đơn vị cụ thể.

Những nghề đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn được đào tạo nhiều tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: D.L
Những nghề đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn được đào tạo nhiều tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: D.L

Trên cơ sở xem xét thực trạng và hiệu quả hoạt động, năm 2017 tỉnh đã giải thể 13 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề cấp huyện. Là đơn vị phối hợp thực hiện, ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Đây được xem là một bước đi phù hợp trong giai đoạn chưa có Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6. Ban đầu việc giải thể các trung tâm cũng lấn cấn chuyện sắp xếp nhân lực, nhưng sau nhiều cuộc họp bàn làm việc với các đơn vị này ở huyện, việc giải thể được thực hiện với sự đồng thuận cao. Bài toán con người cũng được giải quyết hợp lý, phân công công tác phù hợp”.

Kinh nghiệm cho hôm nay

Một trong những nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra đối với lĩnh vực GDNN là sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Đồng thời bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Trong đó, Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao và các cơ sở GDNN cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.

Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng đặt ra vấn đề sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Theo đó, về cơ bản trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Trong khi đó, ở cấp huyện thực hiện sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề.

Việc giải thể các trung tâm giáo dục - dạy nghề cấp huyện đã tạo nền tảng và những kinh nghiệm thực tế, để bây giờ có thể vận dụng trong thực hiện sắp xếp lại các cơ sở GDNN trong toàn tỉnh. Đặc biệt là kinh nghiệm xử lý về nhân sự - những người chịu tác động trực tiếp của việc giải thể, sáp nhập các đơn vị. Như ở trường hợp giải thể trung tâm giáo dục - dạy nghề cấp huyện, kinh nghiệm được rút ra là tùy theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn mà bố trí nhân sự phù hợp ở ngành giáo dục (phòng GD-ĐT, trường học) hoặc LĐ-TB&XH. Nhưng trước hết là phải tạo được sự đồng thuận của các cấp, ngành, đoàn thể, đặc biệt là ở các đơn vị chịu tác động trực tiếp trong việc sắp xếp. Muốn làm được việc này phải có phương án sắp xếp khoa học, khả thi; phải đảm bảo rằng sau khi sắp xếp sẽ đạt được kết quả, hiệu quả tốt hơn về mọi mặt.

Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My chia sẻ, khi thực hiện giải thể Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề Bắc Trà My, huyện phải xây dựng đề án, đưa ra bàn bạc, thảo luận rất kỹ để có cách làm tốt nhất. Lãnh đạo huyện còn phải gặp gỡ, làm việc với những người trực tiếp bị tác động, chia sẻ tâm tư, nghe họ đề đạt nguyện vọng cá nhân. Sau đó, Ban Thường vụ huyện mới quyết định cụ thể việc điều động con người sao cho phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, nhu cầu công việc. Như tại địa phương, giám đốc trung tâm được bố trí làm hiệu trưởng trường học, giáo viên phân công về đứng lớp, một số người có chuyên môn kỹ thuật thì bố trí công tác tại trung tâm kỹ thuật về nông - lâm nghiệp của huyện.

Ông Trần Đình Quế - Trưởng phòng Đào tạo nghề Sở LĐ-TB&XH cũng đồng tình, từ câu chuyện giải thể các trung tâm giáo dục - nghề nghiệp cấp huyện, có thể thấy vấn đề quan trọng nhất trong sắp xếp lại các đơn vị là con người. Phải có phương án tối ưu để giải quyết, từ việc bố trí viên chức lãnh đạo, quản lý, viên chức chuyên môn nghiệp vụ, người lao động theo hợp đồng. Đối với những người nghỉ việc, mất việc do sắp xếp phải có chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp; việc thực hiện bố trí, sắp xếp con người phải được thực hiện công khai, dân chủ. “Khi triển khai thực hiện việc sắp xếp phải được thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan liên quan, có phân công trách nhiệm cụ thể, luôn bám sát tiến độ sắp xếp đề ra. Cũng phải thường xuyên có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng để việc sắp xếp theo đúng phương án được phê duyệt; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. Đó thực sự là bài học kinh nghiệm quý để bây giờ tỉnh bắt đầu lộ trình sắp xếp các cơ sở GDNN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6” - ông Quế nói.

----------------------
Bài 2: Lấy ý kiến, xây dựng đề án

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Theo hướng mở và linh hoạt (bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO