BÀI CUỐI: TINH GỌN ĐỂ NÂNG CHẤT
Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở có đăng ký tham gia hoạt động GDNN, phân bố ở Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành, Đại Lộc, Nam Giang, Thăng Bình và Hiệp Đức. Tổng cộng có hơn 1.530 cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, người dạy nghề, với 874 biên chế. Các cơ sở GDNN đã được đầu tư cơ sở vật chất với tổng kinh phí hơn 750 tỷ đồng (không tính giá trị đất). Tính đến năm 2017 các cơ sở GDNN đã tuyển sinh hơn 67 nghìn người học, trong đó trình độ cao đẳng chiếm 17,5%, trung cấp 19,2%, sơ cấp 63,3%. Cũng bởi chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nên dù số người được đào tạo nghề nhiều nhưng trình độ lao động không cao, không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội.
|
Thực hiện hiệu quả việc sắp xếp cơ sở GDNN sẽ giải quyết được tình trạng thiếu - thừa cục bộ cơ sở thiết bị dạy nghề hiện nay. Ảnh: D.L |
Đông, nhưng không hiệu quả
Mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh phân bố rộng khắp, nhân sự đông, vì thế mà khi tính đến phương án sắp xếp, sáp nhập theo Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), cơ quan tham mưu là Sở LĐ-TB&XH gặp không ít khó khăn trong tính toán các phương án. Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Việc sắp xếp các cơ sở GDNN bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có con người và cơ sở vật chất. Chúng tôi xác định đây là việc rất khó, nhưng phải làm, vấn đề là làm như thế nào. Trên cơ sở góp ý, kiến nghị của các sở, ngành, cơ sở GDNN, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu phương án sắp xếp tổng thể các cơ sở GDNN công lập của tỉnh. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt phương án tổng thể, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp của từng trường hợp cụ thể, và trong mỗi phương án này sẽ giao việc bố trí, sắp xếp con người do cơ quan nào chủ trì, việc bố trí sắp xếp cơ sở vật chất thiết bị do cơ quan nào chủ trì”. Thực hiện lộ trình sắp xếp, Sở LĐ-TB&XH đã đề ra các giải pháp cả trên phương diện chỉ đạo, lãnh đạo, truyền thông mạnh mẽ, để tạo sự đồng thuận của các cấp, nhất là ở những đơn vị chịu tác động trực tiếp. Đặc biệt, sở sẽ cùng với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu để có chế độ, chính sách phù hợp đối với viên chức, người lao động dôi dư, bị ảnh hưởng sau sắp xếp.
Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, hệ thống GDNN của tỉnh trong thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu. Ngành nghề đào tạo còn tràn lan, chưa trọng tâm, không hình thành nên thế mạnh đào tạo ở mỗi cơ sở. Một số nghề đào tạo không gắn với thị trường, nhu cầu xã hội. Trong khi đó thiếu đào tạo ở lĩnh vực công nghệ cao để có thể đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Về đội ngũ nhà giáo, ông Thùy cũng khẳng định còn nhiều hạn chế về kỹ năng nghề, khả năng ứng dụng trong nghiên cứu và giảng dạy còn thiếu, chương trình đào tạo không cập nhật kịp thời những tiến bộ của khoa học kỹ thuật; cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề lạc hậu, không theo kịp công nghệ...
Nâng chất theo lộ trình
Ông Nguyễn Thùy cho hay, dự thảo đề án sắp xếp các cơ sở GDNN của tỉnh do Sở LĐ-TB&XH soạn thảo sẽ bám sát mục tiêu sắp xếp theo hướng tinh gọn, đủ năng lực đào tạo ở các cấp trình độ với quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành nghề, đáp ứng được nhu cầu của cả người học và thị trường lao động. Dự thảo đề án cũng đưa ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn. Từ đầu năm 2019 đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ giảm 4 cơ sở GDNN công lập, còn 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp và 2 trung tâm GDNN; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước; có 1 cơ sở GDNN tự chủ tài chính. Theo đó, tỉnh sẽ giữ nguyên Trường Cao đẳng Y tế quảng Nam; thành lập Trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Nam trên cơ sở sáp nhập 3 trường Cao đẳng Công nghệ, Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật, Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam; sáp nhập Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam với Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật & du lịch thành Trường Trung cấp Văn hóa - du lịch Quảng Nam; giữ nguyên Trường Trung cấp Nghề thanh niên, dân tộc miền núi tỉnh.
Bước đi thứ hai là đến năm 2025, tỉnh sẽ nâng cấp Trường Cao đẳng Y tế tỉnh thành trường đại học; giữ nguyên Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Trung cấp Nghề thanh niên, dân tộc miền núi; nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa - du lịch thành trường cao đẳng. Tiếp tục giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước và có thêm ít nhất 1 cơ sở GDNN tự chủ tài chính. Đến năm 2030, toàn tỉnh không còn trường trung cấp, mà sẽ có 3 trường cao đẳng gồm Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Văn hóa - du lịch, Cao đẳng Dân tộc miền núi Quảng Nam; tiếp tục giảm 10% biên chế sự nghiệp. Ngành nghề đào tạo tại các trường sẽ được sắp xếp, điều động phù hợp với điều kiện về con người, cơ sở vật chất, thế mạnh từng khu vực phát triển kinh tế của tỉnh. Riêng đối với các trung tâm GDNN đang hoạt động gồm Trung tâm Dạy nghề và xúc tiến việc làm (Liên minh Hợp tác xã tỉnh), Trung tâm Dạy nghề thanh niên (Tỉnh đoàn), Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) sẽ phải tiến tới tự giải thể, nếu hoạt động phải tự chủ hoàn toàn về tài chính theo lộ trình từ năm 2020 đến 2025.
Tự chủ, đáp ứng yêu cầu phát triển “Khi xây dựng phương án sắp xếp cơ sở GDNN, cơ quan tham mưu là Sở LĐ-TB&XH nên tìm hiểu kỹ để đưa ra cơ chế chính sách phù hợp đối với các trường, phục vụ sự nghiệp đào tạo nhân lực có nghề cho xã hội. Dứt khoát phải phân luồng học sinh ngày càng mạnh, để cho học sinh đi học nghề, bởi mục tiêu cuối cùng cũng là giải quyết việc làm. Khi sắp xếp lại phải bổ sung cơ chế tự chủ, hiệu trưởng được quyền quyết định tuyển dụng, sắp xếp con người, trả lương, chương trình theo khung của Bộ LĐ-TB&XH, đó là cơ chế mở. Sắp xếp không có nghĩa là nhà nước trút bỏ hết trách nhiệm, mà phải có phần nào nhà nước đảm bảo, phần nào nhà trường tự chủ. Nhân sự, tài chính, điều hành, quản lý sẽ có sự ràng buộc giữa nhà nước và nhà trường”. |
DIỄM LỆ