Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh: Tinh gọn, hiệu quả

DIỄM LỆ 07/03/2019 06:57

Giải pháp cho việc sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh hiệu quả, thuận lợi tuyển sinh, đào tạo chứ không phải phép cộng gộp cơ hữu là câu chuyện không hề đơn giản.

Các trường nghề hiện nay vẫn tiếp tục tuyển sinh đào tạo nghề khi chưa có quyết định chính thức về việc sắp xếp. Ảnh: D.L
Các trường nghề hiện nay vẫn tiếp tục tuyển sinh đào tạo nghề khi chưa có quyết định chính thức về việc sắp xếp. Ảnh: D.L

Xu thế chung

Đã có nhiều hội nghị, hội thảo, cuộc họp bàn về việc sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập theo tinh thần Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 6. Trên cơ sở ý kiến của tất cả sở ngành, trường nghề, địa phương, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng đề án sáp nhập tất cả 2 trường cao đẳng và 4 trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh thành một trường cao đẳng, đào tạo đa ngành nghề, vì phương án này được các đơn vị hoàn toàn đồng ý thực hiện. Đề án đã được hoàn thiện sau khi Ban Cán sự đảng UBND tỉnh cho ý kiến đồng ý. Sở LĐ-TB&XH tiếp tục gửi công văn xin ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH về đề án sắp xếp này. Ngày 31.1.2019, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã có công văn số 160 cho ý kiến về đề án. Công văn nêu chung những định hướng về nguyên tắc sáp nhập, rằng phải đánh giá được tính hiệu quả của phương án, trước mắt, cần thực hiện sáp nhập các cơ sở GDNN có trên 50% ngành, nghề đào tạo trùng nhau; thận trọng trong việc sáp nhập trường yếu, hoạt động kém hiệu quả vào trường hoạt động hiệu quả...

Chính vì thế, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đưa ra đề xuất sáp nhập thành 2 trường cao đẳng. Trên cơ sở đó lấy Trường Cao đẳng Công nghệ tỉnh làm nòng cốt, sáp nhập ngành nghề lĩnh vực kỹ thuật của các trường vào; và lấy Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật tỉnh làm nòng cốt để sáp nhập ngành nghề đào tạo lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế, nông lâm thành một trường. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng sáp nhập thành 2 trường ổn hơn vì sẽ tận dụng được thế mạnh của 2 trường cao đẳng, đào tạo chuyên sâu ngành nghề phục vụ cho định hướng phát triển của tỉnh và các dự án đã và đang đầu tư vào tỉnh. Ông Thùy dẫn chứng thêm rằng tỉnh đang thực hiện phân luồng đào tạo rất mạnh, nên việc đào tạo sẽ là áp lực lớn nếu chỉ còn một trường. Việc GDNN cũng khác giáo dục đại học về phương thức đào tạo, nặng về thực hành nên một lớp chỉ có từ 18 - 35 người, nếu còn một trường sẽ gây áp lực cho công tác quản lý, đào tạo.

Theo hướng chỉ còn một đầu mối

Tuy nhiên, phương án mà Sở LĐ-TB&XH đưa ra không nhận được sự đồng thuận của đại diện các sở, ngành trong cuộc họp vào sáng 6.3. Thực trạng của các trường hiện nay đều khó tuyển sinh, hiệu quả không cao. Đại diện Sở Nội vụ, Sở Tài chính đều thống nhất rằng quan điểm của Nghị quyết 19 và Chương trình hành động số 15 của tỉnh là sắp xếp lại trên cơ sở chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Nếu thế tỉnh nên lấy một trường cao đẳng làm nòng cốt, sau đó sáp nhập tất cả các trường vào như đề án trước đây đã được Ban Cán sự đảng UBND tỉnh thông qua. Những năm gần đây, theo thống kê của Sở Tài chính thì các cơ sở GDNN đều tuyển sinh giảm nên nguồn thanh quyết toán kinh phí đào tạo nghề giảm dần. Điều đó chứng tỏ năng lực hoạt động kém hiệu quả, cần thiết được cải tổ. Ông Võ Văn Viên - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh cho rằng hoạt động của các trường nghề hiện nay kém hiệu quả, lãnh đạo chưa đủ tầm để quản lý và phát huy hiệu quả của trường. Vì vậy quan điểm ngày càng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục sẽ hiệu quả hơn, trường công lập trên địa bàn tỉnh chỉ còn một trường để tập trung đầu tư cả cơ sở vật chất lẫn con người, hướng đến lộ trình tự chủ tài chính tốt hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh yêu cầu Sở LĐ-TB&XH khi xây dựng lại đề án phải đánh giá kỹ lại năng lực, hiệu quả lại tất cả các trường. Quan điểm chung của tỉnh là chỉ còn một trường cao đẳng, đảm bảo hiệu quả sau khi sắp xếp lại, giảm đầu mối, giảm biên chế, tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động chứ không phải sắp xếp cơ học. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, định hướng lâu dài là phải hoạt động tự chủ. Khi có đề án rồi lại thêm một lần gửi cho các cơ sở GDNN, lấy ý kiến rộng rãi để có báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến rồi UBND tỉnh mới triển khai. Sở LĐ-TB&XH phải quán triệt, động viên tinh thần giáo viên, cán bộ quản lý ở các cơ sở GDNN, để họ yên tâm công tác. Quan điểm không làm vội vàng, quyết liệt nhưng thật thận trọng.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh: Tinh gọn, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO