Sắp xếp các quỹ tài chính ngoài ngân sách

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 08/12/2018 00:11

Chuyện các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhiều, chồng chéo, thiếu hiệu quả, lợi nhuận chủ yếu từ tiền gửi ngân hàng đã được bàn đến nhiều năm qua nhưng vẫn không có sự thay đổi nào đáng kể. Quảng Nam đã lên kế hoạch cải tổ các quỹ này, chậm nhất vào quý II.2019. Vẫn chưa thể nói trước điều gì về sự thay đổi này, nhưng điều dễ thấy là Nhà nước mong muốn sẽ tiết kiệm được chi phí, hạn chế nguồn lực ngân sách, giảm bớt đi gánh nặng đầu tư để các đơn vị này mở rộng cơ hội tăng trưởng hữu hiệu hơn, chất lượng hơn.

Nhiều tàu cá của ngư dân được đóng từ nguồn hỗ trợ vốn của Quỹ hỗ trợ ngư dân.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nhiều tàu cá của ngư dân được đóng từ nguồn hỗ trợ vốn của Quỹ hỗ trợ ngư dân.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

NHIỀU NHƯNG KHÔNG MẠNH!

Không kể 13 quỹ tài chính ngoài ngân sách hình thành từ ngân sách và “từ tâm” của xã hội thì có đến 7 quỹ bảo tồn và phát triển vốn thực sự là không ít. Nhưng sự vận hành của các quỹ nhiều năm qua vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn.

Nhiều...

Ông  Phan Thanh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước (Tam Giang - Núi Thành) vừa lên tiếng yêu cầu được hỗ trợ vốn cho dự án thì được ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tiếp thị ngay Quỹ hỗ trợ ngư dân. Theo ông Tấn, ngay năm 2018, quỹ này đã ký kết hợp đồng cho vay đóng mới tàu được 20 trường hợp với hợp đồng cam kết cho vay 30 tỷ  đồng. Tổng số giải ngân dự kiến trong năm là 29,821 tỷ đồng. Quỹ sẵn sàng phối hợp, xác định, thẩm định dự án cho vay, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Dự kiến năm 2019 sẽ chi cho vay đóng mới 16 tàu. Không chỉ Quỹ hỗ trợ ngư dân mang niềm vui đến ngư dân, doanh nghiệp, khi ông Nguyễn Ba – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Quế Sơn đã xây dựng thành công chuỗi giá trị liên kết khép kín thương hiệu heo sạch thảo mộc PIGECO và gà ta vàng thảo mộc Quế Sơn, có ý định mở rộng quy mô sản xuất, nhưng thiếu đất, vốn… nên mọi kế hoạch đều phải dừng lại… tìm đến, đã nhận lời mời gọi từ Quỹ hỗ trợ HTX.

Hai câu chuyện kể trên chỉ là lát cắt sự vận hành của các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, 20 quỹ tài chính ngoài ngân sách tại Quảng Nam có quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động rộng và đa dạng. Tổng nguồn vốn đến hết ngày 30.11.2018 của các quỹ gần 1.431,16 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách đã chiếm đến 68,9% (985,996 tỷ đồng). Tổng nguồn thu năm 2018 khoảng 490,84 tỷ đồng. Số thu từ hỗ trợ của ngân sách chiếm 32,8% (gần 161,07 tỷ đồng). Tổng số vốn sử dụng trong năm là 686,364 tỷ đồng và số quỹ có thể tồn đến hết năm khoảng 752,65 tỷ đồng.

...nhưng không mạnh!

Gần như các quỹ tài chính ngoài ngân sách đều khẳng định họ đã làm đúng chức năng, góp phần vào sự phát triển của Quảng Nam. Hoạt động của các quỹ được xác nhận đúng mục đích, dòng vốn từ khu vực kinh tế tư nhân và các nguồn lực tài chính từ hỗ trợ của ngân sách đã trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương, giải quyết tốt an sinh xã hội. Tuy nhiên, những con số thống kê cho thấy góc nhìn ngược lại. Thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho thấy đến cuối năm 2018, hiện Quỹ Đầu tư phát triển tồn quỹ đến 325,658 tỷ đồng, Quỹ Phát triển đất tồn 223,726 tỷ đồng, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa 97,309 tỷ đồng. Những thống kê này cho thấy khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách còn hạn chế, dự án cho vay và giải ngân thấp chưa đáp ứng được kế hoạch đề ra.

Giống như một định chế tài chính, các quỹ nêu trên sẽ sống dựa vào lãi vay các dự án đầu tư. Nhưng nguồn vốn gia tăng hàng năm của các quỹ này phần lớn lại được bổ sung từ ngân sách. Lợi nhuận chủ yếu từ tiền lãi ngân hàng. Theo thống kê mới nhất, lãi ngân hàng của Quỹ Đầu tư phát triển chiếm đến 70% doanh thu (24,57/36,4 tỷ đồng), Quỹ Phát triển đất 12,627/14,257 tỷ đồng (gần 90%). Thậm chí Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa không cho vay dự án nào nên năm 2018, doanh thu của quỹ cũng chính là 5,604 tỷ đồng lãi ngân hàng. Hiện nay, quỹ này đang phối hợp với Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam để thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh của Công ty CP Giao thương Quảng Xưa.
Theo ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết số 15/NQ – HĐND ngày 19.7.2018 của HĐND tỉnh về lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển giai đoạn 2018 – 2020 của Quỹ Đầu tư phát triển không có gì mới, gần như chỉ chủ yếu tiếp nhận các dự án từ năm 2017. Cho dù quỹ này đã bảo toàn vốn. Số dự án cho vay đảm bảo theo kế hoạch tài chính và tăng 37,6% so với năm 2017. Song, nợ xấu còn chiếm đến 6,39% (nợ quá hạn 14,25 tỷ đồng của dự án Đầu tư xây dựng khu phố chợ Điện Nam Trung). Những con số này thể hiện việc đầu tư trực tiếp, huy động vốn, cho vay đầu tư của quỹ chưa tạo thành kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.

SẮP XẾP VÀ KIỆN TOÀN

Dự kiến quý II.2019, Quảng Nam sẽ hoàn tất việc sắp xếp, sáp nhập, kiện toàn các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Dự án khu phố chợ Nam Phước là một trong những dự án được Quỹ đầu tư phát triển cho vay để hoàn thiện.Ảnh: T.D
Dự án khu phố chợ Nam Phước là một trong những dự án được Quỹ đầu tư phát triển cho vay để hoàn thiện. Ảnh: T.D

Sắp xếp và sáp nhập

Theo kế hoạch, Quỹ Khuyến học tỉnh sẽ ra đời từ sáp nhập của ba quỹ: khuyến học, học bổng Chanchu và học bổng Đất Quảng với nguồn vốn từ 3 quỹ này. Hai quỹ đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em sẽ được hợp nhất với tên gọi mới là Quỹ đền ơn đáp nghĩa và bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Nam.

Không chỉ sáp nhập hay hợp nhất, Quảng Nam cũng sẽ tiến hành kiện toàn mô hình quản lý, cơ chế hoạt động mới của khá nhiều quỹ khác. Quỹ bảo trì đường bộ chỉ giữ lại tên, nhưng chính thức giải thể hội đồng quản lý và văn phòng chuyển giao về Sở GTVT. Lý do được tính đến là theo chế độ và chính sách hiện tại, quỹ này hoàn toàn trùng với nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách.

Quỹ bảo vệ và phát triển rừng không bị giải thể, nhưng cơ chế hoạt động sẽ thay đổi. Sở NN&PTNT không còn được ủy quyền trực tiếp quản lý bởi lý do quỹ này cũng đã có một hội đồng quản lý. Sự sắp xếp sẽ mang đến một sắc thái mới là giảm bớt tổ chức trung gian trong điều hành hoạt động quỹ. Đồng thời quỹ này sẽ kiện toàn hội đồng quản lý, bổ sung thêm thành viên là cơ quan thuế để tăng cường hoạt động thu, đối tượng thu theo quy định, tránh chồng chéo việc chi bảo vệ, phát triển rừng vốn đã được ngân sách phân bổ. Không chỉ vậy, kế hoạch này còn chính là cơ chế, có thể kiểm soát tính hiệu quả của việc chi cho bảo vệ rừng.

Tiến trình của cuộc sắp xếp hay sáp nhập các quỹ lần này đã chính thức xác nhận Quỹ cho vay hộ nghèo chỉ là nguồn vốn ngân sách để Chi nhánh Ngân hàng Chính sách – xã hội cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay. Còn Quỹ cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hình thành từ sự vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện từ lòng “trắc ẩn” của cộng đồng. Vì vậy, hai quỹ này không phải là quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Kiện toàn

Không sắp xếp, sáp nhập hay giải thể, 4 quỹ: Đầu tư phát triển, Phát triển đất, Hỗ trợ ngư dân và Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một hội đồng quản lý quỹ chung sẽ ra đời cùng với một ban điều hành thống nhất để kiện toàn các quỹ nêu trên. UBND tỉnh quyết định giao cho Quỹ Đầu tư phát triển nhận ủy thác của 3 quỹ còn lại. Tuy nhiên, nguồn vốn hoạt động của các quỹ sẽ được quản lý, theo dõi riêng biệt, tách bạch từng nguồn ủy thác. Sự phân định này nhằm tránh những rủi ro trong việc sử dụng vốn, đưa đến nhiều thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát phù hợp các quy định pháp luật.

Cải cách lần này không thể đặt 7 quỹ còn lại (gồm: Phòng chống thiên tai, Khám chữa bệnh người nghèo, Hỗ trợ phát triển HTX, Hỗ trợ nông dân, Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ, Vì người nghèo, Vận động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin) vào một cuộc thay đổi. Tất cả sẽ được giữ nguyên theo cơ chế và định chế ban đầu. Theo ông Trần Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các quỹ nêu trên được hình thành và hoạt động theo cơ chế đặc thù của Trung ương hoặc của tổ chức đoàn thể. Không thay đổi, nhưng buộc phải xác định lại tính chất, mô hình, sắp xếp tinh gọn bộ máy, giảm chi phí quản lý, sử dụng cán bộ kiêm nhiệm quản lý. Không giao thêm biên chế chuyên trách để quản lý quỹ.

Cuộc sắp xếp, sáp nhập sẽ kéo 20 quỹ tài chính ngoài ngân sách do UBND tỉnh quản lý hiện tại chỉ còn lại 12 quỹ. Sự sắp xếp này sẽ chính thức hoàn tất vào quý II.2019. Cho dù vấn đề này đặt ra đã rất nhiều năm, thậm chí có nhiều ý kiến phản biện cơ quan tài chính lẫn chính quyền buộc phải giải thể khi ngân sách vẫn là “bầu sữa” nuôi dưỡng các quỹ này. Dự kiến năm 2019 ngân sách sẽ cấp gần 145,15 tỷ đồng (trong đó sẽ có 75 tỷ đồng (51,7%) được cấp cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Hỗ trợ ngư dân, Hỗ trợ nông dân và Quỹ cho vay hộ nghèo). Tuy nhiên, chậm còn hơn không, cho dù chỉ mới dự kiến. Đó cũng là cách thể hiện quyết tâm cải cách của Quảng Nam. Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói lộ trình này đã được đề ra từ năm 2016. Trì hoãn mãi cuối cùng cũng được thực hiện. Hy vọng sự sắp xếp này sẽ phù hợp, tiến đến tinh giảm đầu mối và giảm phần chi phí quản lý hành chính, chi các hoạt động kèm theo. Các quỹ này sẽ hoạt động đúng chức năng và hiệu quả hơn!

CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG SẼ ĐƯỢC THỪA HÀNH

Ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển: “Sẽ thực thi đúng kế hoạch”

Số vốn chỉ có 100 tỷ đồng, được cấp nhỏ giọt nhưng đến bây giờ đã quay vòng gấp 5 lần thì không thể nói là không hiệu quả được. Không phải không có nhiều nhà đầu tư, nhưng quỹ phải sàng lọc để chọn cho vay. Quy chế quỹ khác ngân hàng. Muốn vay được vốn của quỹ thì không thiếu bất kỳ một giấy tờ hoặc điều kiện tài sản bảo đảm. Các dự án không bảo đảm tài sản thế chấp hoặc sợ tốn kém về đánh giá tác động môi trường sẽ ngại đến vay dù lãi suất có thấp hơn.

Có thể nói, cơ chế chuyển đổi đầu tư công chậm đã khiến giải ngân chậm, liên quan đến việc phê duyệt các dự án đầu tư tư nhân, nên có độ trễ nhất định hoặc các nhà đầu tư đã trả vốn vay trước thời hạn. Lượng vốn dồn trả nhiều, dẫn đến vốn tạm thời nhàn rỗi của quỹ gửi tại các ngân hàng thương mại tăng cao.

Không thể nhìn sự vận hành của quỹ bằng con số cộng trừ. Mà phải nhìn nó ở những con số biết nói. Tháo gỡ vấn đề này là chuyện phải làm gì để có thêm nhiều dự án cho vay, sử dụng vốn như thế nào tương thích trong từng giai đoạn chứ không phải vì một hay vài năm gặp trở ngại mà đánh giá chung cho cả một quá trình.

Quỹ không làm gì khác ngoài những quy định đã được công bố. Đánh giá hiệu quả hay không là chuyện của cấp trên. Sắp xếp như thế nào, quỹ không đủ quyền quyết định. UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã quyết định sắp xếp thì chúng tôi sẽ chấp hành đúng chủ trương.

Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: “Kiến nghị trung ương sớm xây dựng, ban hành khung pháp lý”

UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, kiện toàn phương án sắp xếp lại các quỹ tài chính có tính chất tương đồng về mục tiêu, nguồn thu, chi theo hướng tinh gọn bộ máy nhưng tiến trình này vẫn chậm (theo Nghị quyết 05/NQ - HĐND ngày 19.7.2018).

Sự chồng chéo hay vướng mắc từ những khung pháp lý không thống nhất dường như đã trói tay các quỹ hoạt động. Quảng Nam cần kiến nghị trung ương sớm xây dựng, ban hành khung pháp lý thống nhất trong việc quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách, tạo điều kiện cho các quỹ rộng đường phát triển. Sự thống nhất về cơ chế quản lý, xây dựng bộ máy chuyên trách tinh gọn, hiệu quả phải được dựa trên sự kiện toàn, sáp nhập của các quỹ tài chính có cùng mục tiêu, tính chất, trùng với nhiệm vụ chi ngân sách. Kiên quyết giải thể các quỹ tài chính không có khả năng tài chính độc lập, hoạt động kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

Tiến trình đầu tư trực tiếp, cho vay của các quỹ tài chính cần được kiểm soát chặt chẽ. Tuân thủ pháp luật, chế độ báo cáo tài chính theo quy định, công khai rộng rãi hoạt động của các quỹ tài chính. Tăng cường huy động ngoài ngân sách. Tất cả hướng đến việc tự đảm bảo nguồn chi hoạt động của các quỹ.

Ông Trần Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động”

Các quỹ tài chính đã thực hiện thu, chi theo đúng quy định, phù hợp theo mục tiêu. Đã huy động thêm nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân để cho vay, ứng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, sửa chữa đóng mới tàu đánh bắt hải sản xa bờ, để sản xuất kinh doanh… và hỗ trợ cho các hoạt động nhằm giúp cho các bệnh nhân nghèo, học sinh, sinh viên và các gia đình, cá nhân gặp khó khăn hoạn nạn, ốm đau, thiên tai…, góp phần thúc đẩy phát triển và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, số lượng quỹ nhiều. Một số quỹ trùng lặp về mục tiêu, nguồn thu, nhiệm vụ chi và đối tượng phục vụ dẫn đến chồng chéo chức năng nhiệm vụ, phân tán nguồn lực, hạn chế hiệu quả. Tổ chức bộ máy của một số quỹ còn cồng kềnh. Công tác ủy thác và nhận ủy thác giữa các quỹ chưa được phân định rõ ràng, cụ thể.

UBND tỉnh dự kiến đến quý I.2019 sẽ hoàn tất sáp nhập, hợp nhất và kiện toàn các quỹ. Sự sắp xếp này không ngoài việc thực hiện các nghị quyết của trung ương, của tỉnh. Tiến tới hoạt động của các quỹ một cách hợp lý để tránh sự chồng chéo, trùng lắp giữa các quỹ nhằm quản lý tập trung, khai thác hiệu quả nguồn vốn ngân sách, tăng quy mô vốn, năng lực hoạt động, tinh giản bộ máy và tiết kiệm chi ngân sách, rà soát công tác ủy thác giữa các quỹ để hoạt động các quỹ có hiệu quả hơn.

Sau sự sắp xếp này, các quỹ bảo toàn và phát triển vốn thì ban điều hành, giám đốc các quỹ phải tích cực tìm kiếm các dự án để mở rộng hoạt động cho vay; tìm kiếm, thẩm định các dự án có đủ điều kiện để ứng vốn cho các địa phương, đơn vị để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các quỹ  phục vụ an sinh xã hội không chỉ chờ ngân sách mà phải tăng cường tìm kiếm các nguồn huy động từ xã hội để chi hoạt động, giảm nguồn vốn bổ sung từ ngân sách cấp. Quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động các quỹ được đặt lên hàng đầu, bảo đảm quản lý, sử dụng nguồn lực hiệu quả, công khai, minh bạch.

ĐỪNG "BÌNH MỚI RƯỢU CŨ"

Câu chuyện về các quỹ tài chính ngoài ngân sách (nhóm bảo tồn và phát triển vốn) chủ yếu gửi ngân hàng lấy lãi luôn nóng trên các hội nghị, hay diễn đàn tài chính, nhất là sau hai kỳ họp HĐND tỉnh hồi tháng 12.2017 và tháng 7.2018, nhưng vẫn không có gì thay đổi. Diễn ngôn trên các báo cáo của các quỹ này vẫn là bảo toàn được vốn nhưng lợi nhuận vẫn từ tiền lãi gửi ngân hàng. Những con số thống kê trên cho phép đưa đến kết luận tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu chuyên nghiệp và năng lực yếu kém của các quỹ. Kế hoạch sắp xếp các quỹ đã đưa ra luận bàn từ năm 2016, trì hoãn mãi cho tới bây giờ mới quyết định sắp xếp và kiện toàn các quỹ.  Các động thái này nếu nói làm mất lòng tin của dân chúng về sự điều hành của chính quyền, cơ quan quản lý vẫn không phải là chuyện lạ.

Có thể các quỹ xác quyết là nếu không có họ, sẽ có khá nhiều dự án đầu tư trên đất Quảng Nam nhiều năm qua sẽ không xuất hiện hoặc bị đứng bánh một khi lãi vay ngân hàng quá cao không doanh nghiệp nào chịu nổi. Nhưng đó là câu chuyện đã cũ. Tại sao khi đã có quyết định của HĐND tỉnh về nâng cao năng lực hoạt động, các quỹ này vẫn bổn cũ soạn lại “vốn gửi ngân hàng lấy lãi”? Sự ra đời của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa  được ví như chiếc phao cứu sinh cho sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp đang chênh vênh bên bờ vực phá sản hay đóng cửa đã không thành hiện thực.

Sự thực việc kiện toàn các quỹ như chuyện ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển về các Quỹ Phát triển đất, bảo lãnh tín dụng hay ngư dân không phải là chuyện mới mẻ vì từ nhiều năm nay, quỹ này cũng đã nhận ủy thác của các quỹ khác để cho vay và đầu tư nhưng kết quả vẫn tiếp tục sống nhờ bầu sữa ngân hàng. Đó là lý do khiến nhiều người tỏ vẻ lo ngại một khi sáp nhập, giảm người, thay cơ chế, nhưng động lực quan trọng là việc tìm dự án giải ngân có thực sự tốt lên hay không. Đây chính là điều khó khăn khi sự hợp nhất đã được tiến hành nhưng vẫn chưa có gì thay đổi thì liệu lại thêm phần lãng phí hay không. Nhiều người vẫn e ngại, liệu nếu các quỹ này viện cớ khó khăn, doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu… để tiếp tục gửi ngân hàng lấy lãi. Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói đã từng chất vấn về chuyện các quỹ gửi ngân hàng lấy lãi, nhưng không có sự thay đổi nào đáng kể. Chất lượng làm vốn mồi và cú hích của công cụ tài chính Nhà nước làm động lực phát triển tại địa phương đã không thành hiện thực.

Có lẽ cần một thái độ dứt khoát, nếu các quỹ này tiếp tục sống trong trạng thái không thể cho vay mà dựa vào ngân hàng thì phải có một cơ chế quyết liệt là giải thể để tập trung một đầu mối vào ngân sách, liệu cơm gắp mắm để tiến hành đầu tư phát triển. Nếu không thì cũng sẽ chỉ là “bình mới rượu cũ” mà thôi!

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp các quỹ tài chính ngoài ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO