Đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện năm học tới vừa được HĐND huyện Phú Ninh thông qua.
Việc sắp xếp trường, lớp nhầm nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Ảnh: VINH ANH |
Bất cập
Hiện nay, Phú Ninh có 34 trường công lập, với 54 điểm trường, 395 lớp học, 12.053 học sinh (mầm non 2.264 em, tiểu học 5.694 em, THCS 4.075 em). So với quy mô trường, lớp thì tổng số biên chế giáo viên hiện có và biên chế được giao năm 2018 của huyện không đủ để thực hiện nhiệm vụ và bố trí đứng lớp. Đặc biệt, bậc học mẫu giáo thiếu 44 giáo viên, tiểu học thiếu 46 giáo viên, trong khi bậc THCS lại thừa thiếu cục bộ (hiện thừa 53 giáo viên). Theo đánh giá, quy mô trường, điểm trường trên địa bàn huyện chưa hợp lý như: nhiều điểm trường lẻ có số lượng học sinh ít; bố trí giáo viên mất cân đối giữa các môn học, giữa một số trường trong cùng cấp học… Trong khi, thực trạng một cơ sở giáo dục có nhiều điểm trường lẻ, việc bố trí phòng học, trang thiết bị phục vụ dạy học dàn trải, làm tăng kinh phí đầu tư xây dựng, hiệu quả dạy và học không cao;…
Theo đề án được thông qua, mục tiêu đặt ra đến năm 2021 là 100% trường học trên toàn huyện đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và phát triển thể chất cho học sinh; sắp xếp giảm 2 trường, 11 điểm trường có quy mô nhỏ; giảm 10% biên chế so với năm 2015; đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định. Cùng với mục tiêu sắp xếp trường, điểm trường, dự kiến sẽ có 99 phòng học mới, 131 phòng phục vụ học tập, hiệu bộ, chức năng, nhà đa năng được đầu tư xây dựng; 8 phòng học nâng cấp, cải tạo. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 141 tỷ đồng gồm ngân sách trung ương, tỉnh, huyện và các nguồn huy động khác.
Lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân
Theo lãnh đạo huyện, việc sắp xếp trường, lớp phải phù hợp với thực tế địa phương và đặc thù từng cấp học; không làm ảnh hưởng đến việc công nhận lại chuẩn và đạt chuẩn của các trường để đến năm 2020, đảm bảo được công nhận huyện NTM; không làm phát sinh đầu tư cơ sở giáo dục, sử dụng lãng phí các điểm trường sắp xếp lại.
Theo đó, đến năm 2020, bậc mầm non sẽ được sắp xếp điểm lẻ vào điểm chính. Huyện sẽ có cơ chế giao các điểm lẻ cho các tổ chức, cá nhân để hoạt động với tư cách là trường mầm non tư thục nhằm tiếp nhận học sinh dưới 5 tuổi. Điều này vừa không gây lãng phí vừa huy động được xã hội hóa đầu tư vào giáo dục. Với tiểu học, cơ bản sẽ nhập trường chứ không xóa điểm lẻ. Ví dụ ở xã Tam Đàn có Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Đinh Tiên Hoàng, nhập lại thành một trường tiểu học của Tam Đàn nhưng có 2 phân hiệu. Việc nhập trường chủ yếu là giảm bộ máy hành chính, tức là giảm hiệu trưởng, hiệu phó nhưng 2 phân hiệu vẫn tồn tại, hoạt động bình thường. Với bậc THCS, đề án tập trung giải quyết thực trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên.
UBND huyện Phú Ninh cũng cho biết, vấn đề giáo dục hết sức nhạy cảm và tác động đến xã hội nên sau khi tỉnh có chủ trương, huyện sẽ tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong quá trình thực hiện việc sắp xếp trường, lớp trên địa bàn.
ANH ĐÔNG