Sắp xếp dân cư miền núi: Cơ hội sửa những hạn chế cũ

HỒ TRUNG TÚ 26/06/2023 09:48

(ĐS 21/6) - Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định sắp xếp, ổn định dân cư miền núi trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 968 tỷ đồng, đang đi vào giai đoạn cuối. Trong bài viết này chúng tôi chỉ giới hạn vấn đề ở chuyện việc tái định cư này liệu có là cơ hội để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong các chương trình định canh định cư trước đây, xét dưới góc độ phong tục tập quán của người miền núi.

Nền văn hóa xưa cũ của đồng bào vùng núi chỉ có thể bảo tồn và phát huy trong không gian du lịch (ảnh minh họa). Ảnh: L.T.K
Nền văn hóa xưa cũ của đồng bào vùng núi chỉ có thể bảo tồn và phát huy trong không gian du lịch (ảnh minh họa). Ảnh: L.T.K

Thuở du canh du cư

Trước 1975 các tộc người miền núi ở Quảng Nam như Cơ Tu, Giẻ Triêng, Bh’nong, Xê Đăng, M’Nông, Co… đều du canh du cư. Khái niệm “du canh du cư” thật ra đã được các nhà nghiên cứu khẳng định là không thích hợp, nó chỉ đúng với các dân tộc chăn nuôi trên sa mạc; ở Trường Sơn chuyện thay đổi nơi ở, nơi canh tác là “luân canh luân cư” thì đúng hơn.

Nghĩa là nơi ở sau 3 - 5 năm thì nhà cửa cũ nát, xuống cấp, mưa dột, nền đất của bản làng cũng nhiễm bẩn vì phân heo phân gà trộn lẫn với bùn rất mất vệ sinh. Rẫy ở quanh làng đất đã bạc màu, thú rừng trong vùng cũng bị săn bắt nên bỏ chạy xa vào rừng sâu, đến như chuột, sóc cũng không còn để bẫy.

Bỏ đất cũ, cả làng dọn đi chỗ khác, và tất cả lại sạch sẽ tinh tươm. Cứ sau một vòng chừng 15 - 20 năm thì làng lại quay về chỗ cũ. Đó thực sự là một lựa chọn hợp lý, nó giúp môi trường sống không xuống cấp và thêm nữa, chính việc thay đổi chỗ ở luân phiên này mà nguồn đạm, nguồn thịt trong bữa ăn của họ không bao giờ thiếu.

Từ ngày định canh định cư

Sau 1975 nhận thấy việc du canh du cư theo nếp cũ là phá rừng, và khiến đời sống người dân khó được nâng cao nên nhà nước đã ra nhiều chương trình lồng ghép trong bảo vệ rừng và định canh định cư. Từ đó, cộng đồng các dân tộc miền núi Quảng Nam được đầu tư rất lớn như làm nhà ở, khai mở làm lúa nước.

Các khu định canh định cư cho dân vẫn được xây theo mô hình quần cư, tức nhiều hộ gia đình, nhiều căn nhà độc lập quay quanh một khu đất sinh hoạt chung của làng.

Thế nhưng người dân vẫn mang nếp sống thuở du canh du cư vào những căn nhà gỗ trụ vuông, mái lợp tôn được nhà nước cấp. Do đó, sau chừng mười năm, môi trường sống của làng bản bị ô nhiễm khủng khiếp, nhưng người dân vẫn phải sống chung với nó, không thể chuyển đi nơi khác vì không được phép.

Chất lượng sống thấp. Nhưng vấn đề quan trọng nhất của chương trình định canh định cư cũ gây ra là mối quan hệ gia đình của người dân tộc miền núi bị phá vỡ. Nếu trước đây sống du canh du cư, theo phân công lao động trong gia đình thì đàn bà lo giã gạo, bổ củi nấu cơm, đàn ông cả ngày trong rừng hết đặt bẫy bắt thú đến chặn suối bắt cá. Người đàn ông được khẳng định vai trò của mình trong cộng đồng. Không tự hào gì hơn với người đàn ông khi mang được con nai, con heo rừng về rồi xẻ thịt chia cho cả làng.

Kể từ ngày định canh định cư, việc của đàn bà vẫn vậy, nhưng đàn ông không biết làm gì nữa vì các cánh rừng quanh làng đã cạn thú. Họ chỉ biết ở nhà giữ con cho vợ đi rẫy rồi mang rượu ra uống. Nạn say rượu ở các bản miền núi Quảng Nam đã không ít lần được các cấp hội phụ nữ báo động nhưng vẫn chưa có cách giải quyết triệt để.

Cần làm gì trước một đợt tái định cư mới?

Quảng Nam giờ lại đứng trước cơ hội để có thể sửa chữa được những hạn chế trong các chương trình định canh định cư trước đây, khi chi ra một ngân sách lớn để tái định cư cho đồng bào các dân tộc miền núi của tỉnh.

Một câu hỏi lớn, quan trọng được đặt ra khi quy hoạch khu dân cư mới cho đồng bào miền núi là làm những khu dân cư đó theo mô hình quy hoạch nào trong 3 mô hình dưới đây:

1. Mô hình bản làng cũ, tức các hộ dân ở chung quanh một sân bản sinh hoạt chung có gươl, nhà rông ở trung tâm. Tức nhà chỉ có ở mà không có vườn, nơi nuôi gà nuôi heo.

2. Mô hình một trục đường dọc và các căn nhà nằm ở hai bên như một khu đô thị, đường phố. Nhà có thể chỉ 5m bề ngang, hoặc rộng hơn là 15m như ta thường thấy hiện nay. Mô hình này tuy có thể có nơi đặt chuồng heo, gà nhưng cũng không có chỗ để đặt chuồng bò chuồng trâu. Và quan trọng nhất là sẽ không có vườn rau, nơi trồng cà trồng bí, những thứ thường chỉ thấy trên rẫy, khi rẫy có nguồn nước. Định cư rồi rẫy có nguồn nước không còn nhiều nữa nên các nhà gần như thiếu hẳn nguồn rau xanh trong bữa ăn.

3. Mô hình nhà có vườn ao chuồng (VAC). Đây là mô hình chúng tôi muốn các nhà thực hiện chủ trương hướng đến vì nó tối ưu, giúp đời sống, chất lượng sống của người dân tăng cao, nhất là khi quỹ đất ở miền núi dồi dào. Có vườn rau, vườn cây ăn trái, rồi có ao cá, chỉ mỗi bữa ăn người mẹ vớt lên một con cá rô phi thôi thì chất đạm đã đủ cho cả nhà nhất là với trẻ con và người ốm, người già. Chuồng thì heo gà dành cho những dịp lễ tết chứ nguồn đạm từ chuồng trại không thể đáp ứng bữa ăn hằng ngày như ao được.

Mô hình nhà miền núi có VAC này chúng tôi đã thấy ở các bản người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống người dân mà còn là điểm tham quan du lịch rất thu hút.

Và khả năng bảo tồn văn hóa

Vâng, chính khả năng thu hút du lịch mới là cơ hội để các bản làng ở miền núi có thể bảo lưu, giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa của mình. Bảo dân cần phải giữ gìn vẻ đẹp chiếc khố của người đàn ông, học giữ gìn các buổi lễ tế, cúng cơm mới hoặc biểu diễn những đêm kể trường ca trên gươl, múa tâng tung da dá là vô cùng khó nếu trong tay họ lúc nào cũng có youtube để xem và dàn karaoke để hát. Bảo lưu chỉ để bảo lưu và chỉ để họ biết thì mọi chuyện sẽ dần rơi vào lụi tàn.

Cái nền văn hóa xưa cũ đó chỉ có thể bảo tồn và phát huy trong không gian du lịch. Mà chỉ làm được du lịch khi bản làng sạch đẹp.

Theo chúng tôi, bản làng chỉ có thể sạch đẹp khi mỗi hộ dân là một mô hình VAC miền núi đúng nghĩa, không như VAC đồng bằng. Và đợt ổn định dân cư, có thể nói là đợt tái định cư mới này là cơ hội tốt nhất sửa chữa những hạn chế từ định canh định cư trước đây, làm thay đổi bộ mặt miền núi một cách căn cơ nhất.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp dân cư miền núi: Cơ hội sửa những hạn chế cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO