Sắp xếp dân cư ở Nam Giang

THÁI BÌNH 28/11/2018 02:23

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, hàng trăm hộ dân sinh sống ở khu vực ảnh hưởng thiên tai ở huyện Nam Giang được hỗ trợ di dời đến nơi ở mới an toàn.

Đến nay, huyện Nam Giang đã hoàn thành 360 nhà ở cho đồng bào vùng thiên tai uy hiếp đến nơi ở mới theo Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND. Ảnh: T.B
Đến nay, huyện Nam Giang đã hoàn thành 360 nhà ở cho đồng bào vùng thiên tai uy hiếp đến nơi ở mới theo Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND. Ảnh: T.B

An cư

Nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng ven bờ sông Azá là khu tái định cư mới của thôn Pà Căng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang. Mặc dù mới được thành lập nhưng cuộc sống của người dân ở đây đang dần ổn định, những khu vườn đã xanh tốt bên cạnh những ngôi nhà mới. Khu tái định cư này được san ủi mặt bằng từ giữa năm 2017, đến nay được UBND huyện đầu tư hệ thống điện lưới, nước sạch tập trung. Nơi đây có 20 hộ dân sinh sống thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết số 12 - HĐND tỉnh. Anh Bh’nướch Tiếu, một trong những hộ dân vừa di dời ngôi nhà cũ từ trên núi cao xuống khu tái định cư, đang khẩn trương lắp những ván gỗ còn lại với sự giúp đỡ của hàng xóm để hoàn thiện ngôi nhà. Anh Bh’nướch Tiếu cho hay: “Ngôi nhà cũ có nguy cơ sạt lở, điều kiện đi lại rất khó khăn, diện tích đất ở lại chật hẹp. Khi có Nghị quyết 12, gia đình tôi được chính quyền xã, huyện xét chuyển đến khu tái định cư an toàn, có đất sản xuất ổn định cuộc sống”.

Khi về nơi ở mới, mỗi hộ dân được chính quyền địa phương bố trí tối thiểu 200m2 đất ở, hỗ trợ kinh phí di chuyển nhà là 20 triệu đồng, san lấp nền nhà 30 triệu đồng, hỗ trợ nước sinh hoạt không quá 1,5 triệu đồng, kéo đường dây điện đấu nối từ cột điện đến từng hộ là 3,5 triệu đồng, làm đường dân sinh bằng xi măng không quá 10 triệu đồng và được hỗ trợ về đất sản xuất… Bên cạnh đó huyện cũng đang kết hợp nhiều nguồn vốn từ các chính sách khác để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng ở những khu tái định cư cũng như hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Anh Bh’nướch Thắng, cùng trú tại thôn Pà Căng, huyện Nam Giang cho hay: “Dưới nhà cũ không còn an toàn bởi năm trước sạt lở gây lo lắng cho bà con. Khi đến khu mới, địa phương có họp triển khai, định hướng cho gia đình làm nhà gần đường giao thông để thuận tiện đi lại”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Doãn Bing - Chủ tịch UBND xã Cà Dy, nói: “Đến nay trên địa bàn xã đã triển khai tốt Nghị quyết 12. Nhân dân hiểu được nguy cơ mất an toàn nơi ở cũ, nhiều hộ thiếu đất ở hiện nay, đặc biệt các hộ đang ở trong rừng phòng hộ... nên đồng thuận di dời. Riêng xã trong năm 2018 này có 39 hộ di dời đến nơi ở mới”.

Giảm nhẹ thiên tai

Qua gần 2 năm thực hiện nghị quyết này, toàn huyện Nam Giang đã thực hiện di dời được 360 hộ dân về nơi ở mới, với kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Trong năm 2019, huyện sẽ tiếp tục di dời xen ghép, di dời tại chỗ 370 hộ dân. Nam Giang là huyện miền núi có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh giúp địa phương có nguồn lực sắp xếp lại dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đánh giá, việc triển khai Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh đã góp phần thay đổi diện mạo đời sống của người dân vùng cao. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã thực hiện được 360 nhà. Trong đó năm 2017 là 209 nhà, năm 2018 đến nay di dời được 151 nhà. “Đó là chủ trương lớn nên huyện tập trung thực hiện, nhờ chính sách này mà người dân có điều kiện ổn định cuộc sống tốt hơn. Huyện đang kết hợp nhiều nguồn vốn từ các chính sách khác để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng ở những khu tái định cư cũng như hỗ trợ người dân phát triển sản xuất” - bà Như cho biết.

Đợt mua lũ kéo dài vào cuối năm 2017 đã gây sạt lở núi nghiêm trọng ở một số huyện miền núi của tỉnh, làm nhiều người bị chết và bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị đất đai vùi lấp, hư hỏng nặng. Nhờ sự quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, bước vào mùa mưa năm 2018 nhiều hộ dân ở nhiều huyện miền núi như Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My… đã được di dời nhà về những nơi ở an toàn. Rút kinh nghiệm từ các chương trình sắp xếp dân cư trước đây, hiện nay tỉnh chủ trương thực hiện tái định cư theo hình thức xen ghép chủ yếu. Trường hợp cần thiết mới san lấp mặt bằng xây dựng các khu dân cư tập trung, trong san lấp phải đảm bảo các giải pháp kỹ thuật phù hợp địa hình, hạn chế thấp nhất việc san ủi làm thay đổi kết cấu tự nhiên gây nguy cơ sạt lở.

THÁI BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp dân cư ở Nam Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO