Để giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Nam Trà My đang tập trung các nguồn lực để quy hoạch, sắp xếp lại không gian sống, cùng với đó là giải quyết sinh kế lâu dài cho người dân.
Lạc hậu vì nằm biệt lập
Cộng đồng người Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông ở Nam Trà My lâu nay sinh sống phân tán, co cụm ở nhiều địa hình khác nhau, khó tiếp cận các nguồn lực đầu tư bài bản của Nhà nước, đó là rào cản sự phát triển. Thói quen, tập quán sống du canh du cư ở một số nơi vẫn tồn tại, càng làm cho đồng bào tách biệt với thế giới bên ngoài. Đến các xã Trà Vân, Trà Tập, Trà Leng... nhiều nóc, bản chỉ lèo tèo 5 - 7 nóc nhà, từ trung tâm xã vào tận nơi có khi băng rừng vượt suối cả nửa ngày đường. Giao thông cách trở, hàng hóa, nông sản đồng bào làm ra thường bị mất giá trị.
Đường vào khu dân cư thôn 1 xã Trà Leng. Ảnh: T.HỮU |
Ngay cả những sản phẩm mang tính thương hiệu tại địa phương như quế Trà My, nông dân thường bị tư thương ép giá. Hạ tầng giao thông vừa yếu vừa thiếu là yếu tố đầu tiên đồng bào vùng cao khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, là nguyên nhân dẫn đến cái nghèo dai dẳng. Theo thống kê của UBND huyện Nam Trà My, trên địa bàn có 224 điểm dân cư thuộc 43 thôn của 10 xã phân bố rải rác, mật độ dân cư thưa thớt. Trừ 59 điểm dân cư có đường giao thông đến các khu dân cư, hầu hết làng, nóc còn lại đều “trắng” đường giao thông nội bộ. Đáng chú ý, trong số 59 điểm dân cư, chỉ có 26 khu dân cư có hệ thống nước sinh hoạt còn vận hành, 55 điểm dân cư đầu tư hệ thống lưới điện quốc gia.
Tại xã Trà Leng, nơi có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi so với các xã còn lại trên địa bàn, nhưng có đến 366/546 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 67%. Có hàng chục điểm dân cư nằm giữa rừng già. Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng thừa nhận, nạn khai thác vàng trái phép tái diễn do địa hình quá hiểm trở, lực lượng chức năng khó tiếp cận hiện trường. Nông sản làm ra bị hẹp đường tiêu thụ do giao thông cách trở. Theo lộ trình, địa phương sẽ sắp xếp, sáp nhập 16 khu dân cư hiện tại thành 12 khu dân cư. Từ năm 2015, Nam Trà My đã hình thành nhiều khu dân cư xen ghép. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My phân tích, phân bố dân cư rải rác kéo theo đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh rất khó khăn do chi phí đầu tư khá lớn vượt khả năng ngân sách nhà nước. Điều này ảnh hưởng lớn đến lưu thông các sản phẩm, hàng hóa tại địa phương, là nguyên nhân của khó nghèo, tụt hậu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nam Trà My nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: quy hoạch, sắp xếp lại dân cư là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả của sắp xếp lại dân cư ở nhiều nơi và chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân vùng cao. “Quy hoạch dân cư bài bản sẽ “đoạn tuyệt” được tình trạng du canh du cư, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập làm đòn bẫy giảm nghèo, bảo vệ môi trường” - ông Bửu khẳng định.
Không vội vã
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, Nam Trà My muốn quy hoạch, sắp xếp dân cư phải gắn kết bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống địa phương, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, xã hội của từng vùng miền. “Đưa dân đi phải tuyệt đối nhận được đồng thuận của đồng bào. Nơi chuyển đến phải đảm bảo đất ở, đất sản xuất, khu dân cư được đầu tư các hạ tầng thiết yếu (điện - đường - trường - trạm - nước sạch...). Phải rút ra bài học xương máu từ cách bố trí các làng tái định cư thủy điện miền núi” - bà Thanh nói. Huyện Nam Trà My đã quán triệt chủ trương trên đến những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Trong quy hoạch, sắp xếp dân cư, chỉ ưu tiên hình thức xen ghép dân cư, hạn chế đầu tư mới các khu dân cư tập trung. Về xây dựng đường giao thông nông thôn, địa phương chỉ hỗ trợ xi măng, sắt thép làm cầu cống và một phần kinh phí để vận chuyển vật liệu, mua lương thực, thực phẩm, nhân dân đóng góp ngày công, tự khai thác, tận dụng cát sỏi ở cát bãi bồi dọc sông suối.
Năm 2017, Nam Trà My sẽ bố trí 14 điểm dân cư với 802 hộ trên địa bàn 10 xã. Nguồn vốn thực hiện hơn 71 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 29 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 22 tỷ đồng và nguồn đầu tư điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 20 tỷ đồng). Ổn định nơi ăn chốn ở cho dân gắn với việc trồng rừng, trồng các loại cây dược liệu, chuối, chăn nuôi, vệ sinh môi trường...
Tại buổi làm việc giữa Ban Dân tộc HĐND tỉnh với lãnh đạo huyện Nam Trà My về quy hoạch dân cư giữa tháng 3 vừa qua, nhiều ý kiến thống nhất cần thiết phải sắp xếp lại dân cư cho đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông. Trước mắt, vận động các hộ dân di chuyển về sinh sống tại các khu vực cạnh đường giao thông theo từng nhóm nhỏ để từng bước hình thành các điểm dân cư ven đường. Chỉ ưu tiên cho hình thức sắp xếp dân cư ghép; trường hợp các khu có điều kiện quá khó khăn hoặc có nguy cơ bị thiên tai đe dọa mới đầu tư xây dựng khu dân cư tập trung. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh lưu ý, trong điều kiện nguồn lực eo hẹp, địa phương không nên vội vã sắp xếp dân cư theo chủ quan của mình, mà lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân, tôn trọng các giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào. Quy hoạch dân cư cần hạn chế sự can thiệp của cơ giới hóa vào điều kiện cảnh quan tự nhiên, môi trường sống của người dân. Bố trí đất ở phải tính toán quỹ đất canh tác, để đồng bào tìm được sinh kế ổn định. Điều quan trọng nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
TRẦN HỮU