Giữa “cơn xoáy” thông tin về chương trình nghệ thuật thực cảnh được cho là hoành tráng và kỷ lục ở Hội An, lại có người lục tìm những bức ảnh cũ về một cồn bắp ở Cẩm Nam để mà hoài nhớ. Tôi cũng mở tung những góc ảnh cũ và nhận ra có chút phôi pha của phố…
Bức ảnh cũ về cồn bắp ở bờ nam sông Hoài. Ảnh: H.X.H |
1. Nhìn bức ảnh cũ được chụp một cách tình cờ, một cồn bắp Cẩm Nam chạy hút về phía xa, còn cận cảnh là cây cầu tre với lơ thơ vài bóng người. Có lẽ đấy là lần dừng chân ở một quán đơn sơ nơi bờ bắc sông Hoài, khách thấy cảnh thơ mộng bèn lôi máy ảnh ra chụp. Cũng không chắc đó là cái cồn giờ đang “lọt thỏm” vào nơi đang thi công dự án Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, hay là ở mé bên kia - nơi cồn Cẩm Nam vẫn đang xanh những triền bắp.
Dù là ở đâu, thì vẫn đang có một không gian cũ được gợi nhắc, rất tha thiết…
Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho hay, lâu nay các nhà nghiên cứu đã nói nhiều về văn hóa cồn bàu Hội An. Cảnh quan của đô thị thương cảng trên sông luôn là cảnh quan sinh thái, ấy là chưa kể mở rộng mối gắn kết sinh thái - văn hóa ở nơi được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới. “Tầm nhìn rất khó chịu!”, ông Trung nói ngắn gọn về những “vướng víu” trong khoảng không gian đang xây dựng dự án Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, mỗi khi phóng tầm mắt về hướng Cẩm Nam hay Cẩm Châu.
Dường như phố cổ đang chật chội quá mức cần thiết, trở thành thứ đáng lo ngại nhất với chính những người đang ở phố. Cồn bắp Cẩm Nam được nhắc lại nhiều thời gian gần đây, có thể chỉ là một duyên cớ. Ông Trung lấy phố cổ làm tâm, vạch một đường compa tưởng tượng, nhận ra mọi thứ chỉ “quanh quẩn” trong vòng bán kính xấp xỉ 5 cây số: Lai Nghi - An Bàng - Thương Tín - biển… Ấy vậy mà các dự án giờ lại cứ đổ dồn về phía Đồng Hiệp. “Hội An đã quy hoạch 120ha trên phía Thanh Hà để thu hút các công trình văn hóa đa năng, nhưng không mấy nhà đầu tư mặn mà” - ông Trung so sánh. Nên chi, thêm một vài cồn bắp phải chịu “khuất thân” trong nhịp điệu xây dựng đang lan nhanh đến vùng đệm của phố cổ, rất nhiều người có lý do để tiếc thương chút ký ức bãi biền sót lại. Với Hội An, phố cần không gian sống ở phía sông, cần nhịp thở và tầm mắt phóng về phía cồn bãi.
2. Nhưng trong ký ức Hội An, làng và phố không hề “đứng yên”. Đó là quy luật tất yếu.
Tài liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam, do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện năm 1941 - 1943, ghi nhận “làng Hội An” là một trong những làng được thành lập khá sớm trên mảnh đất thuộc TP.Hội An hiện nay. Địa danh này đã được khắc trên bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật (niên đại 1640) tại động Hoa Nghiêm, Ngũ Hành Sơn. Làng Hội An lúc ấy rộng khoảng 60 mẫu, trong đó đất đô thị (thổ phố) chỉ có 12 mẫu nhưng dân cư chủ yếu làm thương mãi. Trong bài viết của tác giả Võ Hồng Việt trong đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng số 5 (năm 2014) và đang lưu giữ trên website của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, có chi tiết đáng chú ý: Phần lớn diện tích làng Hội An thuộc phạm vi phố cổ và khu vực trung tâm TP.Hội An hiện nay.
Có nghĩa là những tên làng xưa như Sơn Phong, Cẩm Phô, Minh Hương… đã “lọt thỏm” vào phố thị sầm uất, được xếp vào các phường trực lệ của “Ville Faifo”, tức thị xã Hội An thời Pháp bảo hộ. Thị xã Faifo do vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập năm 1898, đến tháng 8.1899 Toàn quyền Đông Dương của Pháp ký chuẩn y. Và rồi, theo thời gian phố lan xa như vệt sóng. Va đập giữa phố - làng bắt đầu từ đó. Ở nơi “hội nhân, hội thủy, hội văn” như phố Hội, sự va đập càng thêm mãnh liệt. Khi những mô hình vệ tinh mở về vùng ven để giảm tải áp lực cho vùng lõi di sản, giới quản lý du lịch xem đấy là phương án tốt nhưng giới nghiên cứu văn hóa lại không nghĩ như thế. Những náo động ở khu vực rừng dừa Bảy Mẫu, với những nông dân chấp nhận làm “người mẫu” để tham gia tour du lịch, bắt đầu được nhắc đến với một nỗi lo ngại mơ hồ…
Nay đến lượt những bãi biền được đề cập theo cách mà người ta vẫn thường nói về một số phận.
Chương trình “Ký ức Hội An”, nếu có chỗ chưa phù hợp, nếu còn khác biệt về tên gọi… thì vẫn có thể chỉnh sửa. Còn với dự án công viên Ấn tượng Hội An - nơi dựng lên để trình diễn “Ký ức Hội An” đang được bàn tán nhiều - nếu sai sót thì sẽ rất khó có cơ hội để khắc phục. Cũng là mở rộng ranh giới tự nhiên của phố bằng một công trình đồ sộ, cũng có thể ranh giới tự nhiên của làng sẽ thu hẹp bớt lại như cách vận hành lâu nay của thương cảng cũ, nhưng nhiều người rơi vào cảm giác mất mát. Như thể phố Hội đã vơi mất một chút mềm mại và bình lặng…
HỨA XUYÊN HUỲNH