Khai thác hải sản gần bờ đem lại giá trị sản xuất không cao nhưng gây cạn kiệt nguồn lợi, bởi vậy công tác sắp xếp, tổ chức lại các nghề hợp lý là vấn đề cần thiết.
Trong tổng số 4.171 phương tiện khai thác hải sản của Quảng Nam vào thời điểm này có gần 3.795 tàu thuyền có công suất dưới 90CV. Các phương tiện khai thác gần bờ (tuyến bờ và lộng) có nhiều nghề mang tính thời vụ, một số nghề cho giá trị kinh tế thấp, một số khác khai thác theo kiểu tận diệt nguồn lợi… Ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cho biết: “Chi phí sản xuất trên biển ngày một tăng cao đã thực sự làm nản lòng ngư dân trong mỗi chuyến biển. Dù chỉ bám biển trong ngày, chi phí ít nhưng nhiều tàu thuyền vẫn không bù được phí tổn vì khai thác với số lượng ít do nguồn lợi ngày càng cạn kiệt”. Xã Duy Nghĩa có 108 phương tiện khai thác hải sản thì có đến 88 tàu thuyền có công suất dưới 20CV. Tổng sản lượng khai thác hải sản của xã Duy Nghĩa trong năm 2013 chỉ đạt 1.827 tấn, thấp hơn 12,6% so với chỉ tiêu mà nghị quyết của HĐND xã đề ra. Ông Nam cho biết thêm, hiệu quả sản xuất thấp đã khiến số hộ nghèo là ngư dân tăng lên. Trong khi đó, do thiếu vốn, trình độ dân trí thấp, khó tiếp cận các nghề sản xuất mới trên biển… nên nhân dân khó có điều kiện nâng cao thu nhập.
Ngư dân vùng bãi ngang ven biển ra khơi với các phương tiện nhỏ. Ảnh: QUANG VIỆT |
Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, do lực lượng tàu cá khai thác ven bờ và vùng lộng vẫn còn chiếm tỷ lệ quá cao nên cường lực khai thác rất lớn. Bởi vậy, nguồn lợi sẽ càng suy giảm nếu không có giải pháp hợp lý để phát triển bền vững. Giải pháp được ngành chức năng đưa ra là điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền và nghề nghiệp khai thác ở tuyến ven bờ, vùng lộng theo hướng từng bước giảm hợp lý lượng tàu cá nhỏ. “Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm quy định không phát triển thêm các tàu cá công suất nhỏ hơn 30CV, đặc biệt là các tàu cá theo nghề giã cào. Nhóm ngư dân này sẽ được chuyển đổi sinh kế hợp lý như phát triển du lịch cộng đồng, làng nghề thủ công. Quan trọng hơn là tập trung nghiên cứu, điều tra nguồn lợi, đồng thời chú trọng công tác hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất, giúp ngư dân khai thác bền vững. Để thực hiện việc đó, các quy định về mùa vụ, luồng tuyến, đối tượng khai thác... sẽ được áp dụng tốt hơn” - ông Ngô Văn Định, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết.
Theo ông Định, việc phân chia ranh giới vùng biển ven bờ giữa Quảng Nam với 2 địa phương giáp ranh là TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi vừa được ký kết mới đây đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, đồng thời là cơ sở để xây dựng cơ chế chính sách phát triển nghề cá theo hướng bền vững. “Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh được phổ biến tốt trong thời gian qua tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh là đòn bẩy để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nhận thức cho ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và thực hiện nghiêm ngặt các quy định về mắt lưới, mùa vụ... trong thời gian đến” - ông Định nói.
Để cơ cấu lại sản xuất ở tuyến bờ và vùng lộng, theo Sở NN&PTNT, công tác khuyến ngư cần được tổ chức tốt hơn. Theo đó, công tác chuyển giao, du nhập các nghề mới đem lại giá trị kinh tế lớn đồng thời ít làm tổn hại đến nguồn lợi thủy sản phải được đầu tư nhiều hơn. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Các nghề quen thuộc chỉ khai thác được một đối tượng nguồn lợi thì sẽ khiến cho nguồn lợi đó cạn kiệt nhanh chóng. Làm sao đó để chúng ta du nhập được các nghề có thể khai thác được đồng thời nhiều nguồn lợi, nhất là các nguồn lợi đó chưa được khai thác bấy lâu nay. Điều này cực kỳ cần thiết để giảm cường lực khai thác, đem lại hiệu quả chuyến biển cao”.
NGUYỄN QUANG VIỆT