Sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố: Nhiệm vụ đột phá

NGUYỄN ĐOAN 28/09/2018 02:05

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, Quảng Nam xác định sắp xếp, tổ chức lại thôn/khối phố trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ đột phá nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức và hoạt động ở cơ sở. Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành hợp nhất, sáp nhập các thôn kết thúc trong tháng 11.2018.

Đảng ủy xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) họp Chi bộ thôn Kim Đới và Chi bộ thôn Kim Thành để thống nhất các nội dung liên quan việc sáp nhập hai thôn.  Ảnh: NGUYÊN ĐOAN ẢNH
Đảng ủy xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) họp Chi bộ thôn Kim Đới và Chi bộ thôn Kim Thành để thống nhất các nội dung liên quan việc sáp nhập hai thôn. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN ẢNH

 1.309 THÔN KHÔNG ĐỦ TIÊU CHUẨN

Quảng Nam hiện có 1.309 thôn chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô số hộ. Do vậy, việc tổ chức, sắp xếp lại thôn theo chủ trương Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) là việc làm cần thiết.

Bất cập ở cơ sở

Đối chiếu với điều kiện thành lập thôn theo Thông tư 09 ngày 29.12.2017 của Bộ Nội vụ, huyện Bắc Trà My chỉ có 2 thôn đạt quy mô số hộ, còn đến 72 thôn chưa đạt. Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, thời gian qua, tổ chức và hoạt động của thôn trên địa bàn huyện từng bước đi vào nền nếp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Nhiều thôn có quy mô quá nhỏ, số hộ quá ít nhưng vẫn được bố trí số cán bộ hoạt động không chuyên trách và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội như những thôn có quy mô lớn. Vì vậy, số lượng người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở thôn trên địa bàn huyện rất lớn, với tổng số 788 người. Điều này dẫn đến tăng ngân sách chi trả phụ cấp, cũng như ngân sách khoán quỹ phụ cấp kinh phí hoạt động ở thôn; hơn nữa, các thôn có quy mô nhỏ nhưng chiếm số lượng nhiều dẫn đến không phù hợp trong quản lý, tổ chức và hoạt động. “Để khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế, cũng như sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm được nguồn ngân sách chi hàng năm..., việc tổ chức, sắp xếp lại thôn trên địa bàn huyện là hết sức cần thiết” - ông Nhuần nói.

Qua rà soát, thống kê theo tiêu chuẩn hiện hành, Sở Nội vụ cho biết, toàn tỉnh có 1.719 thôn thì hết 1.309 thôn không đảm bảo về quy mô số hộ (chiếm 76%), trong đó có 549 thôn chưa đạt 50% quy mô số hộ. Báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh được tổ chức vào tháng 7.2018, UBND tỉnh cũng đã nhìn nhận, cá biệt tại một số khu vực miền núi có thôn chỉ khoảng 20 hộ (quy định phải có từ 200 hộ trở lên) nhưng vẫn bố trí đủ 10 chức danh người hoạt động không chuyên trách thôn. Chính số lượng thôn nhiều, việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh chưa được thực hiện tại nhiều nơi đã dẫn đến số lượng người hoạt động không chuyên trách thôn rất đông, với 7.926 người. Nếu tính luôn 5 chức danh khác ở thôn như phó bí thư, các chi hội trưởng phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, bí thư đoàn thanh niên thì số người hoạt động không chuyên trách cấp thôn cả tỉnh khoảng 16.000 người. Điều này khiến mức chi ngân sách hàng năm rất lớn nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả hoạt động ở cấp cơ sở.

Sớm sắp xếp

Nói về phương án sắp xếp, tổ chức lại khối phố trên địa bàn, ông Văn Bá Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) cho biết, thị trấn hiện có 16 khối phố, sau khi sáp nhập, sắp xếp lại sẽ giảm còn 10 khối phố. Công tác nắm bắt dư luận  cho thấy, nhân dân thống nhất với chủ trương, vì cho rằng đây là điều kiện cần thiết góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, giảm gánh nặng cho ngân sách. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện sắp xếp, tổ chức lại khối phố cho phù hợp, đủ các điều kiện theo quy định. Đảng ủy thị trấn Nam Phước xác định tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, ủng hộ và sớm thực hiện hoàn thành chủ trương sáp nhập, tổ chức lại khối phố trên địa bàn, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Sau 10 năm chia tách thôn, tối 20.9 vừa qua, 2 Chi bộ thôn Kim Đới và Kim Thành mới có dịp ngồi họp với nhau dưới sự chủ trì của Thường trực Đảng ủy xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ). Năm 2008, nhiều đảng viên trong hai chi bộ trên cùng sinh hoạt chung tại Chi bộ thôn Kim Đới đã họp để thống nhất việc chia tách thôn. Lần này, họ họp bàn để lấy ý kiến thống nhất các nội dung nhằm chuẩn bị hợp nhất hai thôn theo chủ trương, trước khi tổ chức lấy kiến nhân dân. Tại cuộc họp, ông Châu Ngọc Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã thông tin, thành phố có 109 thôn, trong đó có 102 thôn không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 09 của Bộ Nội vụ. Theo phương án của UBND TP.Tam Kỳ sẽ có 59 thôn thực hiện hợp nhất, sáp nhập và 43 thôn giữ nguyên. Sau khi hợp nhất, sáp nhập TP.Tam Kỳ còn 85 (giảm 24 thôn). Theo phương án này, xã Tam Thăng có 9 thôn sẽ giảm còn 8 thôn; trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập hai thôn Kim Đới (230 hộ) và Kim Thành (219 hộ). Các thôn khác tạm thời vẫn giữ nguyên, dù hầu hết không đạt quy mô số hộ nhưng do địa giới hành chính tách biệt, không liền kề nên không thể sáp nhập.

Qua thảo luận tại cuộc họp, đảng viên 2 Chi bộ thôn Kim Đới và Kim Thành thống nhất cao với chủ trương, phương án sáp nhập 2 thôn Kim Đới và Kim Thành. Sau khi sáp nhập thành thôn mới lấy tên Kim Đới như ngày trước. Ông Tô Xuân Quang - Bí thư Chi bộ thôn Kim Thành cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và cần tập trung thực hiện tốt các khâu để nhanh chóng hoàn thành việc sáp nhập thôn. Bởi lẽ, nếu để kéo dài việc thực hiện sẽ nảy sinh tư tưởng “ngóng chừng” trong cán bộ thôn, làm ảnh hưởng đến phong trào chung của hai thôn. “Riêng về công tác cán bộ, Đảng ủy xã Tam Thăng cần tổ chức cuộc họp với Chi ủy hai chi bộ để bàn bạc, lựa chọn cán bộ đảm đương nhiệm vụ của thôn mới sau khi sáp nhập. Chúng ta phải lựa chọn cho được cán bộ trẻ, có năng lực, tâm huyết, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện nay càng tốt, để không chỉ thúc đẩy phong trào ở cơ sở mà còn tạo nguồn cho cán bộ cho xã, thành phố trong tương lai” - ông Quang đề nghị.

HỖ TRỢ CÁC CHỨC DANH DÔI DƯ

Quảng Nam đang khẩn trương xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ nghỉ việc do sắp xếp lại thôn, khối phố.

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là việc sáp nhập, tổ chức lại thôn, khối phố phải tôn trọng ý kiến nhân dân, các giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là việc sáp nhập, tổ chức lại thôn, khối phố phải tôn trọng ý kiến nhân dân, các giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Các địa phương đều có chung nhìn nhận, việc tổ chức, sắp xếp lại thôn, khối phố sẽ góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, từ đó có điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, thôn mới sau khi sáp nhập, tổ chức lại sẽ có tổ chức bộ máy, cơ chế hỗ trợ như thế nào cho hoạt động hiệu quả, đảm bảo công tác quản lý và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm. Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, sau khi thực hiện chủ trương, huyện Hiệp Đức còn 47 thôn (giảm 24 thôn). Cũng theo đó, sẽ giảm khoảng 102 người hoạt động không chuyên trách (33,44%) và 150 người giữ các chức danh khác ở thôn (36,85%) so với tổng số hiện tại. Như vậy, sẽ giảm chi ngân sách và có điều kiện nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý điều hành. Còn ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thông tin, nếu sắp xếp, tổ chức lại thôn, Bắc Trà My giảm được 34 thôn (bằng 42,50% số thôn hiện có), sẽ giảm được 170 người hoạt động không chuyên trách ở thôn; và 170 trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội có hưởng phụ cấp.

Từ thực tiễn của địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, toàn huyện có 66 thôn, thì có 64 thôn không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Sau khi sáp nhập, hợp nhất huyện Phước Sơn còn lại 40 thôn. Có 12 thôn không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số nhưng huyện đề xuất với tỉnh cho giữ nguyên, không thực hiện sắp xếp, tổ chức lại vì các lý do địa hình phức tạp, độ dốc lớn; liên quan đến phong tục tập quán của người dân và công tác quản lý về an ninh trật tự. Khẳng định quyết tâm sẽ thực hiện hoàn thành việc tổ chức, sắp xếp lại thôn trên địa bàn huyện theo đúng kế hoạch, chỉ đạo của tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Hà cũng kiến nghị tỉnh cần quan tâm có cơ chế hỗ trợ hợp lý cho các cán bộ thôn thôi việc nhằm động viên, ghi nhận những đóng góp của họ đối với phong trào chung ở địa phương.

Kiến nghị trên của ông Hà cũng là kiến nghị chung của các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại thôn trên địa bàn. Ông Nguyễn Phi Thạnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng, hiện số lượng cán bộ thôn được bố trí đủ năm chức danh theo Quyết định số 10/2012/QĐ-UBND ngày 29.5.2012. Theo đó mỗi thôn bố trí không quá 5 người, gồm: bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, công an viên, phó trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng. Theo tinh thần Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy, trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại thôn phải gắn với sắp xếp bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ, uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm để sớm đi vào ổn định và hoạt động hiệu quả, gắn với chủ trương hợp nhất chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Tuy nhiên, để tạo sự thuận lợi cho công tác cán bộ ở cơ sở, tỉnh cần có sự chỉ đạo cụ thể ngay từ bây giờ. Đồng thời sớm có cơ chế hỗ trợ 100% đối với chức danh kiêm nhiệm, chứ chỉ được hưởng 50% như hiện nay là rất thiệt thòi cho người cán bộ ở cơ sở.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang khẳng định, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ đối với các trường hợp dôi dư do việc thực hiện hợp nhất, sáp nhập thôn. Hiện nay, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đang được giao xây dựng dự thảo đề án “Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có nguyện vọng nghỉ thôi việc khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tổ chức chính trị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2021”. Tất cả đối tượng dôi dư do việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) phải được tính toán giải quyết hỗ trợ phù hợp, tương xứng với thời gian công tác, cống hiến. Về định hướng cơ cấu cán bộ thôn mới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, phải làm đúng theo quy định của Trung ương là chỉ còn 3 cán bộ/thôn. Cụ thể, một đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; một đồng chí phó bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn và một đồng chí công an viên kiêm thôn đội trưởng.

KHÔNG THAY ĐỔI TÊN LÀNG

Theo phương án sắp xếp, sáp nhập cấp thôn của các địa phương, toàn tỉnh sẽ giảm được 478 thôn; trong đó, có nhiều địa phương giảm mạnh số thôn, nhưng sẽ không gây xáo trộn nhiều, không làm ảnh hưởng đến các quyền lợi của người dân.

Sở Nội vụ tổ chức hội nghị quán triệt, hướng dẫn kế hoạch thực hiện sắp xếp, tổ chức lại thôn trên địa bàn tỉnh.  Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Sở Nội vụ tổ chức hội nghị quán triệt, hướng dẫn kế hoạch thực hiện sắp xếp, tổ chức lại thôn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Có nơi giảm đến 50 thôn

Dự kiến nhiều địa phương như Bắc Trà My, sau khi hợp nhất, sáp nhập sẽ còn 46 thôn (giảm 34 thôn); Đại Lộc còn 110 thôn (giảm 50 thôn); Điện Bàn còn 141 thôn (giảm 41 thôn); Núi Thành còn 103 thôn (giảm 35 thôn)... Tại thị trấn Trà My (Bắc Trà My), sau khi giải thể, ghép các cụm dân cư, sáp nhập sẽ còn lại 6 khối phố (giảm 3 khối phố) với tổng số 1.898 hộ, diện tích tự nhiên 2.012,63ha. Ông Trương Đình Tuyết - Bí thư Đảng ủy thị trấn Trà My khẳng định, các công việc liên quan đến sắp xếp, tổ chức lại khối phố trên địa bàn đều được thực hiện bám sát nội dung, phương pháp và thời gian đề ra theo Kế hoạch 4225/KH-UBND của UBND tỉnh. Sau khi có dự thảo phương án về việc sắp xếp, tổ chức lại khối phố của UBND thị trấn, Đảng ủy thị trấn Trà My tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các vị lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo huyện, những người có uy tín, cán bộ, đảng viên.

“Quá trình thực hiện phải hết sức tôn trọng ý kiến nhân dân. Nhân dân phải là nhân tố quyết định. Đồng thời tôn trọng các giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử của địa phương. Chủ trương sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố phải thực hiện quyết liệt, đúng theo kế hoạch nhưng các tên làng sẽ không thay đổi; tất cả thủ tục hành chính vẫn được giữ nguyên, mọi người dân đều đảm bảo các quyền lợi. Chúng ta cần có cách tiếp cận như vậy trong công tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, nơi nào gặp vướng mắc, khó khăn thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp đứng ra vận động, giải thích, đối thoại, chia sẻ, có cách làm thật bài bản, không tùy tiện, cảm tính, làm sao để có sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân”. (Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang)

Theo đó, nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực tại hội nghị đã được tiếp thu, bổ sung hoàn thiện dự thảo. UBND thị trấn Trà My cũng đã tổ chức 9 cuộc họp với cử tri là đại diện các hộ ở khu vực thành lập khối phố mới, với sự tham dự của Thường trực Đảng ủy thị trấn, thành viên mặt trận, các đoàn thể, Ban chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại khối phố. Có 100% cử tri tham dự đã thống nhất với chủ trương, phương án sáp nhập khối phố trên địa bàn thị trấn. “Ban đầu một số hộ cũng có ý kiến là nên giữ nguyên các khối phố như hiện nay, vì tình cảm nhân dân vốn đã được gắn bó qua các phong trào. Chúng tôi kiên trì giải thích, vận động là việc sáp nhập chỉ có thay đổi về mặt hành chính trên giấy tờ, còn tình làng nghĩa xóm, nhà cửa, đất đai, các quyền lợi liên quan... đều không bị ảnh hưởng gì. Từ đó, các hộ này đều thống nhất với chủ trương, không còn xuất hiện quan điểm “không nhập về, không đi đâu hết” trong nhân dân” - ông Tuyết chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố là vấn đề phức tạp, liên quan đến quá trình lịch sử, truyền thống, văn hóa của nhân dân, tâm tư cán bộ, đảng viên; nhưng đa số ý kiến cử tri của huyện đều đồng thuận với chủ trương và có góp ý, sau khi sáp nhập thôn mới hãy giữ lại các tên làng như lâu nay. Đây là những nguyện vọng rất chính đáng. “Ghi nhận những tâm tư tình cảm từ nhân dân, cán bộ ở cơ sở, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để vận động, giải thích cụ thể các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố trên địa bàn. Địa phương quyết tâm thực hiện tốt chủ trương này nhằm tinh giảm bộ máy ở cơ sở gắn với đảm bảo thuận lợi và hiệu quả trong quản lý, tổ chức và hoạt động cấp thôn” - ông Vũ nói.

Phải tạo sự đồng thuận

Sau khi hoàn thành việc khảo sát, đánh giá thực trạng và xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại các thôn trên địa bàn; các địa phương đang khẩn trương thực hiện từng bước theo kế hoạch được hướng dẫn, như xây dựng đề án thành lập thôn mới ở từng địa phương; đặc biệt là tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ trong khu vực thành lập thôn mới về đề án. Theo Sở Nội vụ, trong số 1.309 thôn không đạt tiêu chuẩn, có 934 thôn sẽ được sắp xếp, tổ chức lại bằng hình thức hợp nhất, sáp nhập. Còn 375 thôn không đạt quy mô số hộ nhưng các huyện, thị xã, thành phố đề nghị giữ nguyên không sắp xếp, tổ chức lại vì có đặc thù.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhìn nhận, tổ chức, sắp xếp lại thôn, khối phố là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm xây dựng bộ máy ở cơ sở tinh gọn, giảm số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách gắn liền với nâng cao hiệu quả hoạt động; góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. “Vì lợi ích chung đó mà chúng ta phải tập trung vào làm. Các cấp ủy phải quán triệt cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở hiểu sâu sắc tinh thần Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh. Cán bộ, đảng viên phải có sự thống nhất cao về chủ trương, hiểu rõ kế hoạch thực hiện, từ đó làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân. Người dân phải đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện chủ trương, đảm bảo đúng nguyên tắc, lộ trình đề ra” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

Chia sẻ với những tâm tư tình cảm của cán bộ cơ sở tại hội nghị trực tuyến vừa được tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nêu rõ: Quảng Nam xác định việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố là nhiệm vụ đột phá trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), vì nó thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh. Việc sắp xếp, tổ chức lại các thôn, khối phố cho phù hợp với tiêu chuẩn gắn với thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, kết nối giao thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Lập đề án xong rồi thì các địa phương phải nghĩ kế để thực hiện hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại thôn; trên cơ sở bàn bạc, nghiên cứu thật kỹ, cùng nêu quyết tâm với tỉnh, tỉnh luôn lắng nghe, cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

 NGUYỄN ĐOAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố: Nhiệm vụ đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO