Đã hơn 2 năm soạn thảo với nhiều lần chỉnh sửa, song đến nay đề án sắp xếp trường lớp, đội ngũ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được thông qua.
Giảm trường, giảm lớp
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT - đơn vị chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố soạn thảo đề án cho biết, tinh thần chung của đề án là sắp xếp tinh gọn song phải theo nhu cầu, điều kiện của mỗi địa phương với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân và học sinh (HS). Để giảm trường lớp phải dựa trên nguyên tắc căn cứ vào số lượng HS, số lớp, đảm bảo quyền lợi học tập của HS và xa hơn là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Gắn với trường lớp, việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cũng dựa trên nguyên tắc tinh gọn và hiệu quả.
Sở xây dựng phương án không bố trí tối đa vị trí việc làm theo định mức quy định tại Thông tư 06 (liên Bộ GD-ĐT và Nội vụ) và Thông tư 16 (Bộ GD-ĐT). Cụ thể, trừ những trường học có số lớp khá lớn, còn lại tinh thần là giảm cấp phó hiệu trưởng. Tương tự, tỷ lệ giáo viên (GV)/lớp, số lượng nhân viên/trường cũng được bố trí thấp hơn quy định để có thể tinh giản biên chế theo chủ trương chung của tỉnh.
Dù đề án đang trong giai đoạn soạn thảo, song thời gian qua Sở GD-ĐT phối hợp với các địa phương rà soát, sắp xếp trường, điểm trường, lớp, số HS/lớp gắn với bố trí đội ngũ cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều địa phương đã chủ động, tích cực tổ chức lại trường lớp theo hướng giảm điểm trường lẻ, sáp nhập trường chưa đủ số lớp theo quy định, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.
Năm học 2018 - 2019, cả tỉnh giảm 12 trường, 78 điểm trường, 74 lớp dù số HS tăng gần 5.000. Đến năm học 2019 - 2020, số HS tăng khá nhiều với hơn 8.000 em song toàn tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện sắp xếp, giảm được 107 lớp, 99 điểm trường và 26 trường so với năm học trước. Bậc học tiểu học giảm nhiều nhất, trong 2 năm học qua giảm 31 trường, 97 điểm trường; tiếp đến là giáo dục mầm non giảm 8 trường, 83 điểm trường.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) cho rằng, có thể thấy việc sắp xếp trường lớp bậc học mầm non đã giúp cho trẻ được học tập trung ở điểm trường chính có điều kiện thuận lợi hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng. Ở các bậc học khác cũng tương tự khi HS không phải học điểm trường lẻ ít được đầu tư về điều kiện học tập bằng điểm trường chính.
Vướng đội ngũ
Ông Hà Thanh Quốc cho biết, đề án sắp xếp trường lớp, đội ngũ bắt đầu soạn thảo từ đầu năm 2018. Sở phối hợp với Sở Nội vụ làm việc với từng huyện, thị xã, thành phố để rà soát, thẩm định kế hoạch sắp xếp. Qua nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, có thể nói việc xây dựng đề án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong đó nan giải nhất là vấn đề đội ngũ. Hiện nay tất cả cấp học đang thiếu GV, đặc biệt là mầm non và tiểu học. Riêng bậc THCS đang thừa 93 GV nhưng không thể bố trí sang giảng dạy ở cấp học khác.
“Với điều kiện hiện tại, đề án chỉ có thể tập trung giảm đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên, còn GV không thể giảm. Tính đến 31.8.2019, cả tỉnh thiếu hơn 2.200 GV, trong đó nhiều nhất là tiểu học thiếu 937, mầm non thiếu 563” - ông Quốc chia sẻ.
Không chỉ thiếu GV, do cơ chế phân cấp trong công tác quản lý ngành, (bậc mầm non, tiểu học và THCS thuộc quyền quản lý của các địa phương) cũng ảnh hưởng đến quá trình rà soát, sắp xếp trên quy mô toàn tỉnh, nhất là giải quyết tình trạng thừa - thiếu cục bộ. Trong khi đó, việc thực hiện sắp xếp có tác động đến quyền lợi, uy tín cá nhân của đội ngũ cán bộ quản lý dôi dư vì họ không còn làm quản lý nữa, thậm chí không thể bố trí làm GV do quá trình thoát ly giảng dạy khá lâu.
Ngoài ra, chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên sau khi sắp xếp vẫn còn lúng túng do chưa có quy định cụ thể. Một vấn đề nan giải khác, đó là nhiều trường học thiếu một số vị trí việc làm như văn thư, quản lý thư viện, y tế học đường (nhiều năm nay không tuyển dụng) ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Từ thực tế đó, ông Hà Thanh Quốc đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai xét tuyển GV. Sau đó, tổ chức thi tuyển chỉ tiêu còn thiếu, chậm nhất là trong dịp hè năm 2020, để khắc phục khó khăn về đội ngũ cho các trường.
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT) kiến nghị thêm, cần có dự phòng về biên chế để khi triển khai giáo dục phổ thông mới có GV giảng dạy vì hiện nay môn ngoại ngữ thứ 2 hay âm nhạc, năng khiếu chưa có biên chế.
Miền núi tồn tại nhiều điểm trường lẻ gây khó khăn cho dạy và học
Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay, do điều kiện kinh tế - xã hội nên các trường học ở địa phương miền núi tồn tại điểm trường lẻ khá nhiều. Theo thống kê, 102 trường tiểu học, trường tiểu học và THCS của 9 huyện miền núi có tổng cộng 354 điểm trường lẻ (trung bình mỗi trường ngoài điểm chính còn có thêm ít nhất là 2 cơ sở lẻ). Việc có nhiều điểm trường lẻ gây khó khăn không chỉ ở việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị mà còn bố trí giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất. Không có đủ giáo viên, nhiều trường học hiện phải bố trí giáo viên tiểu học dạy luôn các môn này. Cạnh đó là tình trạng lớp ghép vẫn còn khá nhiều.
Theo ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, với điều kiện miền núi của tỉnh hiện nay không thể xóa được tình trạng lớp ghép vì địa bàn cách trở, mỗi nóc cùng độ tuổi chỉ có vài học sinh buộc phải ghép chung với độ tuổi khác thành một lớp. Cũng vì điểm trường lẻ nhiều và thiếu giáo viên nên tỷ lệ học 2 buổi/ngày của miền núi khá thấp, chỉ đạt 72,7%, so với mặt bằng chung của tỉnh là 89,7%. (T.VY)
Kiến nghị nâng mức hỗ trợ đối với học sinh và giáo viên miền núi
Sở GD-ĐT vừa kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ của một số chế độ chính sách đối với học sinh và giáo viên miền núi. Cụ thể, mức hỗ trợ tiền ăn tại trường cho học sinh theo Nghị định 116 hiện nay là 596.000 đồng/tháng, trung bình chưa đến 20.000 đồng/ngày 3 bữa ăn là quá thấp. Chế độ nghỉ tết, đồ dùng cá nhân của học sinh theo Thông tư liên tịch 109 ban hành năm 2009 đến nay không còn phù hợp do trượt giá, mỗi năm học sinh có 2 vòng tàu xe về quê gồm nghỉ hè và nghỉ tết nhưng thực tế chỉ hỗ trợ tiền 1 vòng.
Đối với giáo viên, Nghị định 61 và Nghị định 116 quy định cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mỗi năm ít nhất 1 lần tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị bạn trong nước. Tuy nhiên, những năm qua các trường học chưa triển khai thực hiện do không được cấp kinh phí. (A.SẮC)