Giải quyết dứt điểm các tồn tại, chọn lựa những hình thức phù hợp để xử lý những vấn đề vướng mắc… là “mệnh lệnh” của việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ nay đến năm 2015 tại Quảng Nam.
|
Theo thống kê của UBND tỉnh, đến ngày 31.12.2012, sau 10 năm tiến hành sắp xếp, đổi mới DNNN, con số 67 DNNN và các nông lâm trường quốc doanh đã giảm xuống chỉ còn 8 DN 100% vốn NN. Hiện Quảng Nam quản lý 8 công ty TNHH MTV, 1 quỹ đầu tư phát triển và 3 công ty cổ phần. Giai đoạn 2012-2015, sẽ có thêm 4 DN chuyển đổi sang công ty cổ phần với trên 50% vốn NN.
Sau khi cổ phần hóa, nhiều DN trên lĩnh vực dịch vụ môi trường làm ăn có hiệu quả. |
Chưa có con số thống kê chính thức cho năm 2012, nhưng nhìn vào con số thống kê năm 2011 thì đã thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, bình quân chỉ là 0,04984. Theo một phân tích mới đây thì 8 công ty TNHH MTV có hệ số nợ trên nguồn vốn chủ sở hữu là 0,58 lần. Điều này tương ứng một đồng vốn chủ sở hữu chịu nợ 0,58 đồng nợ. Nặng nhất là Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai có nợ phải trả gấp 3,99 lần vốn chủ sở hữu. Ba công ty cổ phần có hệ số nợ trên nguồn vốn chủ sở hữu là 1,97. Trong đó, có 2 công ty có hệ số nợ trên nguồn vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Điều này phản ánh tình hình tài chính DN tiềm ẩn rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Vài công ty không có đủ khả năng để thanh toán nhanh số nợ đến hạn… Một thống kê khác của Cục Thuế Quảng Nam cho thấy, tổng thuế thu được của khu vực DNNN địa phương năm 2012 chỉ 160,2 tỷ đồng, đạt 84,3% dự toán, tăng 0,5% so với cùng kỳ, thấp nhất so với nguồn thu từ các khu vực DN khác.
Từ kết quả trên cho thấy, tuy đã được chuyển đổi, sắp xếp lại nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty cổ phần phát triển chưa thật sự bền vững, khả năng cạnh tranh, dự lường về thị trường ở một số DN vẫn còn nhiều hạn chế, chưa mạnh dạn cải tiến nền nếp quản lý, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu phù hợp với cơ chế mới. Khó khăn gặp phải là tình hình tài chính của một số DN không lành mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, nợ phải thu lớn, đa số là nợ xấu, thiếu theo dõi, đối chiếu. Vì vậy, việc xác định giá trị DN lần đầu thực hiện chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn. Việc huy động vốn của DN thông qua cổ phần hóa (CPH) không đạt hiệu quả cao.
Lộ trình CPH
Hiện Quảng Nam đang tồn tại 8 DNNN sau sắp xếp, chuyển đổi dưới hình thức công ty TNHH MTV. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì thực chất các DN này cũng chỉ là việc “thay tên, đổi họ” chứ tài sản, vốn… cũng hoàn toàn là của NN. Chắc chắn sẽ lại có thêm một cuộc “phẫu thuật” khác được tiến hành sau này. Với lộ trình chuyển đổi đã được phê duyệt, Quảng Nam sẽ duy trì 4 DN 100% vốn NN, bao gồm: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Nam, Khai thác thủy lợi, Nông lâm nghiệp Quyết Thắng và Lâm nghiệp Phước Sơn. Sau đó sẽ CPH, NN chỉ giữ trên 50% vốn điều lệ, bao gồm Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp Chu Lai, Đầu tư & Phát triển Kỳ Hà – Chu Lai, Công trình công cộng Hội An và Môi trường Quảng Nam.
Gặp khó trong quá trình cổ phần hóa Ban đổi mới và sắp xếp DN Quảng Nam thừa nhận tiến độ sắp xếp và CPH các DNNN đã không thể đạt như ước muốn. Đó là tính toán giá trị thương hiệu, giá trị quyền sử dụng đất, vị trí địa lý và giá trị DN đến việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và quá trình triển khai còn lúng túng. Mặt khác, nhiều DN chưa chủ động xử lý những vấn đề tồn tại về tài chính, lao động dôi dư theo chế độ, đặc biệt là công nợ khó đòi, dẫn đến những rắc rối kéo dài khi tiến hành CPH... Phần lớn DN đều hiểu CPH thực sự, đại chúng hóa công ty thì DN sẽ năng động và tốt hơn trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhưng vẫn còn không ít DN sợ CPH. Cái sợ lớn nhất là nhiều DN gặp phải những tồn tại về tài chính không xử lý được do kinh doanh thua lỗ, mất hết vốn NN; không thể xác định được giá trị DN; hoặc xác định được giá trị thì cũng không còn vốn NN để cổ phần; bị “sốc” khi bị chấm dứt ưu đãi thuế với những DN vốn đã thường xuyên có “bà đỡ” hoặc kéo dài việc giải quyết nợ đọng của các DNNN khi CPH… |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, sẽ cơ cấu lại hợp lý hơn DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ trong lĩnh vực khai thác thủy lợi, xổ số kiến thiết, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội. Tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN. Áp dụng chế độ quản trị tiên tiến, phù hợp với kinh tế thị trường và thực hiện chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai minh bạch. DNNN cần phải nghiêm túc và nỗ lực trong việc thực hiện lộ trình CPH đã được phê duyệt. Đối với các DN nông, lâm nghiệp, ngành nông nghiệp xem xét, xây dựng đề án, chuẩn bị sáp nhập vào tập đoàn, tổng công ty để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các DN còn lại phải tiếp tục sắp xếp, chuyển đổi, thực hiện CPH theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt. Sẽ mở rộng để tiến tới áp dụng bắt buộc chế độ thi tuyển, hợp đồng có thời hạn với giám đốc, tổng giám đốc DNNN; người lao động tại các DN chuyển đổi sang CPH sẽ được mua cổ phần ưu đãi với giá gốc là 10.000 đồng/cổ phần, không phụ thuộc vào kết quả bán đấu giá cho các nhà đầu tư bên ngoài… là lộ trình đặt ra cho DNNN địa phương tại Quảng Nam từ nay đến năm 2015.
Một vấn đề cần đem lên bàn nghị sự vẫn là chuyện chính sách CPH hiện hành đưa ra quá nhiều mục tiêu CPH DNNN như: thay đổi cơ chế quản lý, huy động vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược, tạo hàng hóa cho thị trường chứng khoán… Không thể cùng lúc dễ dàng đạt được ngay các mục tiêu này. Nếu chỉ đặt mục tiêu ưu tiên là hoàn thành thủ tục chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần mà NN tạm thời nắm giữ cổ phần đa số thì những mục tiêu quan trọng khác sẽ được giải quyết nhanh hơn điều dễ chọn lựa!
Trịnh Dũng