Đầu tuần này, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gây chú ý bằng việc phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa. Sarah al-Amiri (33 tuổi) - Bộ trưởng Khoa học hiện đại UAE - người phụ trách dự án này cũng được nhắc đến rất nhiều.
Sau hai lần trì hoãn vì thời tiết xấu, tàu thăm dò sao Hỏa mang tên Hope (Hy vọng) hay Al Amal (tiếng Ả Rập) trị giá 200 triệu USD của UAE cũng được phóng lên thành công bằng tên lửa đẩy Mitsubishi MH-IIA từ trung tâm vũ trụ Tanegashima phía tây nam Nhật Bản. Phi thuyền không người lái Hope có mục tiêu cung cấp hình ảnh hoàn chỉnh của Hỏa tinh trong khí quyển.
Rộng khoảng 8m và nặng khoảng 1,5 tấn, tàu thăm dò Hope được trang bị ba cánh pin mặt trời để cung cấp năng lượng và sẽ mất 7 tháng để đến hành tinh đỏ đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày UAE thống nhất và sẽ vòng quanh hành tinh trong cả năm sao Hỏa - 687 ngày. Sự kiện không chỉ là biểu tượng hay bước đột phá đầu tiên của UAE vào hoạt động thăm dò liên hành tinh mà nó được kỳ vọng sẽ đóng góp một cách thiết thực vào nền khoa học thế giới khi gửi về trái đất dữ liệu về khí quyển. Đây cũng sẽ là nền tảng tri thức quý giá để UAE tiến tới những cuộc đua xa hơn để chinh phục không gian.
Từ đó, người ta không thể không nhắc đến vai trò của Sarah al-Amiri - Bộ trưởng Khoa học hiện đại UAE - người phụ trách dự án Sứ mệnh sao Hỏa nói trên và được xem là người phụ nữ đi tiên phong trong lĩnh vực này của UAE. Sarah al-Amiri cho biết bà bắt đầu phát triển niềm đam mê với không gian và thiên văn học từ năm 9 tuổi và nhất là khi bà lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh của thiên hà Andromed vào năm 12 tuổi. Nhưng tình hình ở khu vực có nhiều bất ổn, Sarah al-Amiri không bao giờ nghĩ rằng đất nước của mình có thể phóng con tàu thăm dò vũ trụ vượt ra khỏi tầng bình lưu của trái đất và hướng về sao Hỏa như vừa rồi.
Sarah al-Amiri học ngành khoa học máy tính tại Đại học Sharjah của Mỹ, lấy bằng cử nhân và thạc sĩ nhưng luôn thích nghiên cứu về kỹ thuật hàng không vũ trụ. Nữ kỹ sư máy tính sau đó chuyển sang lĩnh vực công nghệ vũ trụ tại Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Emirates và làm việc trong các dự án DubaiSAT-1 và DubaiSAT-2 cho trung tâm vũ trụ Mohammed Bin Rashid ở Dubai. Đối với Sarah al-Amiri, đó là một giấc mơ trở thành sự thật. Bà từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ UAE như tham gia vào Bộ Môi trường và khí hậu và chính thức được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng khoa học Emirates vào năm 2016. Chỉ một năm sau đó, UAE bổ nhiệm bà trong vai trò bộ trưởng mới để phát triển các ngành khoa học tiên tiến.
Liên quan đến dự án Sứ mệnh sao Hỏa, Sarah al-Amiri nói: “Nhiệm vụ này được gọi là “hy vọng” bởi vì chúng tôi muốn đóng góp cho sự hiểu biết toàn cầu về một hành tinh. Chúng tôi đang vượt qua những trở ngại để trở thành những người đóng góp tích cực cho nền khoa học”. Sarah al-Amiri cũng hy vọng thúc đẩy niềm mê và sự tham gia ngày càng nhiều của giới trẻ UAE trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, Chính nhà khoa học trẻ tuổi này cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho phụ nữ trong thế giới Ả rập. “Với tôi, khoa học là hình thức hợp tác quốc tế, không biên giới và là niềm đam mê của những người khám phá những bí ẩn của hành tinh. Khi bạn nói về nền kinh tế của UAE trong 30 năm tới, một trong những nền tảng của nó là khoa học và công nghệ. Đó cũng là một cách phát triển nền kinh tế bền vững nhất” - Sarah al-Amiri cho biết.